Theo VOA-Phạm Chí Dũng/18/07/2018
Báo Tuổi Trẻ Online tạm biệt bạn đọc trong 3 tháng.
Ngay cả vào thời ‘sát thủ báo chí’ Trương Minh Tuấn làm mưa làm gió và tiến hành một chiến dịch ‘khủng bố’ đối với báo chí nhà nước vào nửa cuối năm 2016, một tờ báo lớn như Thanh Niên - dù bị sai phạm quá rõ về việc đã ‘ăn chịu’ khi đăng hàng loạt bài giúp cho các đại gia nước mắm ‘đánh’ nước mắm truyền thống của giai tầng nông dân, vẫn không bị Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) áp dụng hình thức kỷ luật đình bản.
Tuổi Trẻ Online = Petrotimes
Vụ Bộ TT-TT thi hành mức độ kỷ luật đình bản 3 tháng đối với Tuổi Trẻ Online - một phiên bản thuộc Tuổi Trẻ là một trong những tờ báo có uy tín và có lượng độc giả lớn nhất ở Việt Nam - vào tháng Bảy năm 2018 chỉ có thể so sánh với vụ đình bản 3 tháng đối với trang báo điện tử Petrotimes của đại tá công an Nguyễn Như Phong vào tháng Mười năm 2018, do ông Phong đăng lại một bài phỏng vấn của một blogger bị chính quyền coi là ‘cực kỳ phản động’ là Bùi Thanh Hiếu (Người Buôn Gió).
Trong cách nhìn riêng của Cục Báo chí thuộc Bộ TT-TT, Tuổi Trẻ Online đã “có hành vi thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng trong bài viết có tựa 'Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật Biểu tình’ trên báo vào ngày 19/6/2018, và thông tin gây mất đoàn kết dân tộc trong phần bình luận của bài viết 'Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây?’ ngày 26/5/2017”.
Nhưng về nội dung, bài viết 'Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây?’ trên Tuổi Trẻ Online lại hoàn toàn không có bất kỳ chi tiết nào mà có thể bị quy chụp lại ‘gây mất đoàn kết dân tộc’.
Trong khi quyết định kỷ luật Tuổi Trẻ Online do Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc ký không nêu dẫn chứng cụ thể về tại sao ‘gây mất đoàn kết dân tộc’, một facebooker là Lê Nguyễn Hương Trà đã cho biết có một nội dung trong phần bình luận của bạn đọc trên Tuổi Trẻ dưới bài “Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây” bị đánh giá là chống phá chính quyền, đã được chụp lại với nội dung ‘Nam Kỳ đang bị bọn Bắc kỳ ngu dốt cai trị”.
Trong những năm gần đây, đặc biệt từ lúc viên thủ tướng muốn ‘trở về làm người tử tế’ là Nguyễn Tấn Dũng thốt lên câu ‘không thể cấm được facebook đâu các đồng chí à!’ trong hoạt cảnh ‘toàn đảng, toàn quân và toàn dân lập thành tích chào mừng đại hội 12’ vào gần cuối năm 2015, rất nhiều phản hồi bày tỏ bức xúc, phẫn uất và công khai chỉ trích nhiều chính sách của ‘đảng và nhà nước ta’ đã thể hiện ngay trên một số tờ báo nhà nước, nhưng chủ yếu chỉ bị Ban Tuyên giáo trung ương và Bộ TT-TT ‘nhắc nhở’ chứ những tờ báo này ít khi bị kỷ luật hay phạt tiền.
Phản hồi ‘Nam Kỳ đang bị bọn Bắc kỳ ngu dốt cai trị” xem ra vẫn còn quá ‘hiền’ so với nhiều phản hồi ‘chửi đảng’ và ‘chống chính quyền’ trên một số tờ báo nhà nước trong thời gian qua. Do vậy, khó có thể xem phản hồi ‘Nam Kỳ đang bị bọn Bắc kỳ ngu dốt cai trị” là nguyên nhân chính yếu dẫn đến việc Tuổi Trẻ Online bị đình bản, mà chỉ có thể xem phản hồi này là cái cớ để Bộ TT-TT bổ sung vào ‘chuyên án Tuổi Trẻ Online’ để có tính thuyết phục hơn về tính sai phạm khi thi hành kỷ luật tờ báo này.
Một khi ‘Nam Kỳ đang bị bọn Bắc kỳ ngu dốt cai trị” không phải là nguyên nhân chính thì nguồn cơn thâm sâu nhất khiến Tuổi Trẻ Online bị đình bản chính là bản tin đăng về Trần Đại Quang ‘cần luật Biểu tình’. Tức đây là một vụ kỷ luật đậm đặc yếu tố chính trị như vụ Petrotimes của Nguyễn Như Phong hai năm về trước.
Trần Đại Quang?
Ngày 19/6/2018, bài báo “Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật biểu tình” với nội dung ban đầu là “Tiếp xúc cử tri với vai trò đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trần Đại Quang nói ông đồng tình với kiến nghị cử tri cần có luật Biểu tình và hứa báo cáo Quốc hội về nội dung này” - đăng trên báo Tuổi Trẻ - đã bị biến dạng chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi lên trang. Nội dung bài đã được sửa lại và không còn bất kỳ phát ngôn nào của Trần Đại Quang liên quan luật Biểu tình, mà chỉ còn thấy ông Quang ‘chuyên chính vô sản’ về những vụ việc nghiêm trọng xảy ra tại Bình Thuận, TP.Hồ Chí Minh là “do các đối tượng chống đối, kích động, lôi kéo”.
Đó là lần đầu tiên kể từ khi ngồi ghế chủ tịch nước vào năm 2016, một phát ngôn chính trị của quan chức Trần Đại Quang đã bị báo chí nhà nước thẳng thừng cắt xén, tạo ra một vụ việc ‘khóa miệng’ chưa từng có dành cho quan chức cao cấp này, và là vụ ‘bịt miệng’ thứ ba sau hai vụ đầu xảy đến đối với Đinh La Thăng và Trương Minh Tuấn.
Dấu hỏi rất lớn là vì sao phát ngôn về luật Biểu tình của Trần Đại Quang lại bị thẳng tay cắt xén?
Kể từ Đại hội 12 của đảng cầm quyền vào đầu năm 2016 đến nay, đó là lần đầu tiên Trần Đại Quang hé ra thái độ ‘cần luật Biểu tình’, bất chấp việc vào thời còn là bộ trưởng công an, ông Quang đã được giao soạn thảo luật Biểu tình nhưng đã rất nhiều lần bộ này nại ra nhiều lý do ‘chủ quan và khách quan’ để xin lùi bộ luật quyền dân mà đảng cầm quyền và chính phủ đã nợ người dân suốt từ Hiến pháp năm 1992 đến nay.
Nhưng cũng còn một mẩu chuyện bí ẩn khác cần được ‘hậu phẫu’: sau cuộc tổng biểu tình ngày 10 tháng Sáu và đặc biệt là cuộc biểu tình khổng lồ lên đến hàng trăm ngàn người ở Sài Gòn, một số ý kiến cho rằng cuộc biểu tình này có thể được ngấm ngầm hậu thuẫn bởi một thế lực chính trị nào đó trong nội bộ đảng cầm quyền. Thế lực đó có thể liên quan gián tiếp hoặc trực tiếp đến công an và do vậy công an mới không đàn áp dã man như trước đây. Và trên hết, thế lực chính trị giấu mặt đó muốn ‘mượn’ người dân, hay chính xác là lợi dụng người dân, để kích động một chiến dịch biểu tình trên quy mô lớn và kéo dài như mô hình ‘áo đỏ - áo vàng’ ở Thái Lan, nhằm gây áp lực mặc cả vị thế chính trị trong nội bộ đảng hay tạo áp lực đủ mạnh để yêu sách một chóp bu cao cấp nào đó của đảng phải từ chức…
Không biết vô tình hay hữu ý, trong suốt vài ba ngày sau cuộc biểu tình ngày Mười tháng Sáu, trên mạng xã hội đã xuất hiện những ý kiến nặc danh đòi Nguyễn Phú Trọng phải từ chức vì đã ‘bảo kê’ cho luật Đặc khu.
Cũng sau cuộc biểu tình ngày Mười tháng Sáu, có nhiều biểu hiện cho thấy Bộ Chính trị đảng và ông Trọng có thể đã bị rúng động, hoảng hốt và lo sợ về kịch bản ‘Mùa xuân Ả rập’ có thể diễn biến ngay tại Việt Nam, do đó đã có những động tác chỉ đạo sắt đá hiếm có nhằm cứu vãn tình thế trị. Hiện tượng nhiều ngàn công an, dân phòng và các đoàn thể ‘cánh tay nối dài của đảng’ được huy động ‘đứng đường’ trong nhiều thứ Bảy và Chủ Nhật ở Sài Gòn sau sự kiện Mười tháng Sáu là một bằng chứng quá rõ về nỗi lo sợ tím tái của chính quyền, cùng ý chí chuyên chính sẵn sàng đàn áp dã man người dân dám xuống đường biểu tình.
Còn báo chí nhà nước thì khỏi nói. ‘Vòng kim cô’ rọ mõm là Ban Tuyên giáo trung ương và Bộ TT-TT đã ngay lập tức có chỉ thị cho hơn 800 tờ báo nhà nước ‘cấm khẩu’ về biểu tình phản đối luật Đặc khu và cả luật Biểu tình.
Cùng lúc, một số tờ báo đảng bắt đầu bắn ý về việc luật Quốc phòng sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 với hai nội dung rất bất thường: Lệnh giới nghiêm và tình trạng Thiết quân luật, bất chấp hệ thống tuyên giáo của chính quyền vẫn ra rả ‘Việt Nam luôn ổn định chính trị - xã hội’ và ‘Việt Nam luôn là môi trường đầu tư hấp dẫn’.
Đình bản chính trị và ‘cắn trộm’
Tuổi Trẻ Online đã phạm vào một trong những điều húy kỵ nhất của chính thể độc đảng khi tờ báo này bày tỏ tinh thần cổ súy cho luật Biểu tình, lồng trong bối cảnh đại đa số dân chúng đã quá chán ghét chính quyền và chỉ chờ cơ hội thuận lợi là lao chân xuống đường.
Quyết định đình bản 3 tháng đối với một trong những tờ báo lớn nhất ở Việt Nam là Tuổi Trẻ Online, khó có thể hiểu khác hơn, chính là nhắm đến mục đích ‘Việt Nam luôn bảo đảm tự do báo chí’ và ngăn chặn làn sóng biểu tình mà không để tạo tiền đề cho ‘Mùa xuân Ả rập’ ở Việt Nam.
Quyết định trên - mà có thể hiểu là xuất phát từ chỉ đạo trực tiếp của Tổng bí thư Trọng - cũng có thể mang hàm ý răn đe đối với những đối thủ chính trị của ông ta trong nội bộ đảng, cho dù lâu nay một số dư luận vẫn cho rằng Tuổi Trẻ là tờ báo ‘thân’ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Facebook Lê Nguyễn Hương Trà còn cho biết trước khi Tuổi Trẻ Online chính thức bị đình bản 3 tháng, tổng biên tập Tuổi Trẻ là Lê Thế Chữ đã vội bay ra Hà Nội để xin gặp Thủ tướng Phúc, để sau đó nhận được lời hứa của ông Phúc là ‘không đình bản’.
Và với quyết định trên, có lẽ kẻ hả hê thỏa mãn nhất chính là Bộ trưởng TT-TT còn chưa mất chức là Trương Minh Tuấn.
Vào tháng Ba năm 2018, ngay sau khi Thanh tra chính phủ công bố kết luận thanh tra vụ “Mobifone mua AVG”, báo Tuổi Trẻ đã tỏ ra dũng khí khi trở thành một trong vài tờ báo đầu tiên tiên phong rút tít “MobiFone mua AVG, Bộ Thông Tin-Truyền Thông có nhiều vi phạm” - như một cách gián tiếp “phang” Bộ Trưởng TT-TT Trương Minh Tuấn.
Đến ngày 17/3, hàng loạt báo đã nối tiếp Tuổi Trẻ khi công kích trực tiếp Bộ TT-TT, thậm chí còn nêu đích danh Bộ Trưởng TT-TT Trương Minh Tuấn, cùng một câu thòng rất đáng chú ý: “Bộ TT-TT đã thiếu trách nhiệm, có biểu hiện cố ý làm trái các quy định của pháp luật trong việc quyết định phê duyệt đầu tư”, kết luận thanh tra nêu rõ”.
Nhưng cho tới nay, Trương Minh Tuấn đã chỉ bị cảnh cáo đảng mà chưa phải nhận bất cứ trách nhiệm hình sự nào về tội ‘cố ý làm trái’.
Phải chăng trong thời gian ngắn ngủi còn giữ được ghế bộ trưởng TT-TT mà chưa bị thuyên chuyển sang một vị trí ‘thấp hơn một chút’, Trương Minh Tuấn đã tìm cách ‘cắn trộm’ báo Tuổi Trẻ.
No comments:
Post a Comment