HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Trong khi Trung Quốc cấm nhập cảng phế liệu từ cuối năm 2017 thì phế liệu vẫn ầm ầm tràn vào Việt Nam gây ùn ứ tại các cảng biển khiến chính quyền Việt Nam điêu đứng.
Thông tin tại cuộc họp về “Quản lý nhập cảng phế liệu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất,” diễn ra ngày 12 Tháng Bảy tại Hà Nội, do Bộ Trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường Trần Hồng Hà chủ trì; ông Hoàng Văn Thức, phó tổng cục trưởng Tổng Cục Môi Trường, Bộ Tài Nguyên Môi Trường cảnh báo, từ cuối năm 2017, Trung Quốc dừng nhập cảng 24 loại phế liệu, khiến nhiều nước phát triển tìm kiếm thị trường mới và Việt Nam đang đứng trước nguy cơ trở thành bãi thải của thế giới.
“Đây là nguyên nhân chính làm gia tăng các container tại các cảng biển, đặc biệt là phế liệu nhựa thời gian qua. Chưa kể, một lượng lớn hàng phế liệu được xếp lên tàu đang trên đường vận chuyển đến các cảng biển của Việt Nam,” ông Thức nói với báo Thanh Niên.
Đáng chú ý, theo ông Thức, tổng khối lượng phế liệu nhập cảng năm 2017 tăng gấp 2 lần so với khối lượng phế liệu nhập cảng trong 2016. Trong đó, khối lượng phế liệu sắt, thép, nhựa, giấy, xỉ hạt nhỏ là những loại phế liệu có khối lượng tăng gấp 2-3 lần năm 2016.
Riêng trong 5 tháng đầu năm 2018, khối lượng nhựa phế liệu nhập cảng vào Việt Nam tăng đột biến, gấp gần 2 lần so với cả năm 2017.
Lãnh đạo Tổng Cục Môi trường cũng cho biết, qua thống kê tình trạng tồn đọng phế liệu ở các cảng biển đang khá nhiều, đặc biệt là ở Sài Gòn, Hải Phòng… Cụ thể, tại Tân Cảng Sài Gòn, tính đến hết ngày 26 Tháng Sáu, 2018 có 4,480 container. Trong đó, riêng cảng Cát Lái là 3,464 container, chiếm phần lớn lượng phế liệu tồn đọng tại các cảng biển phía Nam, chủ yếu là phế liệu nhựa và giấy.
“Hiện nay, một số doanh nghiệp trực tiếp hoặc được ủy thác nhập cảng phế liệu thường làm mọi cách để tìm kẽ hở của pháp luật. Chúng ta chưa có quy định pháp lý để ràng buộc trách nhiệm và chế tài xử phạt đối với chủ tàu, chủ hãng vận tải biển quá cảnh trong vận chuyển phế liệu nhập cảng; Giấy phép nhập cảng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất chưa được quy định là điều kiện bắt buộc trong các hợp đồng, giao dịch kinh tế thương mại giữa doanh nghiệp nhập cảng, chủ hãng vận tải biển và nhà xuất cảng ngoại quốc. Nên khi có vi phạm về các vấn đề nêu trên hoặc gian lận thương mại thì không thể xử lý trách nhiệm họ,” ông Thức nêu những bất cập.
Trong khi đó, tại cuộc họp, ông Trần Hồng Hà, chỉ hô hào lấy lệ: “Vấn đề nhập cảng phế liệu ở nước ta hiện nay đang là vấn đề cấp bách, cần phải làm ngay, Trung Quốc đã cấm nhập cảng phế liệu, Việt Nam có quy định mà vẫn vào ầm ầm là trái pháp luật.”
“Đề nghị chính phủ chỉ đạo Bộ Giao Thông Vận Tải, Cảng Vụ, Công Thương có văn bản đối với các hãng tàu quy định lô hàng có đủ điều kiện, đề nghị có hồ sơ hoàn chỉnh, không có giấy phép nhập cảng thì kiên quyết không dỡ và hãng tàu phải chịu trách nhiệm những lô hàng đó. Đề nghị thủ tướng chính phủ xem xét lại những danh mục hàng hóa thuộc loại hiệu quả thấp, nguy cơ ô nhiễm môi trường thì loại bỏ, trên nhu cầu sử dụng phải xem xét cần thiết, phải tính toán hiệu quả kinh tế và môi trường…,” ông Hà né trách nhiệm. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment