Friday, July 6, 2018

Tăng thu ngân sách bằng cách tăng thuế có hợp lý?

 RFA-2018-07-05   
Ảnh minh họa chụp một người nông dân tại Huế hôm 17/01/2018.
Ảnh minh họa chụp một người nông dân tại Huế hôm 17/01/2018.AFP
Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi 6 luật thuế và ban hành thêm luật thuế tài sản, một trong những mục tiêu chính được nêu ra là nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên đề xuất vừa đưa ra vấp phải phản ứng bởi lý do tăng thuế không thuyết phục mà theo nhận định sẽ khiến giới có thu nhập thấp thêm phần khó khăn.

Càng nghèo càng chịu thuế suất cao

Năm luật thuế được  Bộ Tài chính vào tháng 8 năm ngoái đề xuất sửa cùng một lúc gồm: Luật Thuế Giá trị gia tăng VAT, thuế Tiêu thụ đặc biệt, Thuế Thu nhập doanh nghiệp; Thuế Thu nhập cá nhân, Thuế Tài nguyên. Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai giải thích mục tiêu nhằm cơ cấu lại nguồn thu cho Ngân sách, bà cũng khẳng định tăng thuế VAT ít tác động đến người nghèo!
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá cho rằng:
Vấn đề thuế VAT có quan hệ như thế nào với người nghèo thì cũng đang còn nhiều ý kiến tranh luận khác nhau, cũng như người ta chưa hiểu thế nào là thuế VAT. Thuế VAT là một hình thức thuế lũy thoái, lũy thoái nghĩa là anh càng nghèo thì càng chịu cao.
-PGS. TS. Ngô Trí Long
“Vấn đề thuế VAT có quan hệ như thế nào với người nghèo thì cũng đang còn nhiều ý kiến tranh luận khác nhau, cũng như người ta chưa hiểu thế nào là thuế VAT. Thuế VAT là một hình thức thuế lũy thoái, lũy thoái nghĩa là anh càng nghèo thì càng chịu cao.”
PGS. TS. Ngô Trí Long cũng cho biết trong hệ thống thuế lũy thoái, thuế suất trung bình của người thu nhập cao sẽ nhỏ hơn so với người thu nhập thấp.
Đến đầu năm 2018, Bộ Tài chính lại thay đổi và đề xuất sửa đổi 6 luật thuế, gồm 5 luật thuế nêu trên và sửa đổi thêm Thuế Xuất nhập khẩu. Đồng thời đề xuất ban hành thêm Thuế Tài sản.
Tại hội thảo “Đánh giá tác động của việc tăng thuế VAT lên tổng thể nền kinh tế và phúc lợi hộ gia đình” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức tại Hà Nội ngày 28 tháng 6 năm 2018. Các chuyên gia thuộc VEPR cho rằng, nếu tăng thuế VAT lên 12%, Việt Nam sẽ có thêm 240.000 người nghèo.
Cùng thời điểm này, Bộ Tài chính cũng quyết định tạm thời sẽ không tăng thuế VAT lên 12% như dự kiến, mà vẫn giữ ở mức 10%. Tuy nhiên, các hàng hoá, dịch vụ chịu thuế suất từ 0% đến 5% sẽ bị cơ cấu lại và có thể sẽ phải chịu thuế suất 10%.
TS Lê Đăng Doanh tại buổi hội thảo “Đánh giá tác động của việc tăng thuế VAT lên tổng thể nền kinh tế và phúc lợi hộ gia đình” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức tại Hà Nội ngày 28 tháng 6 năm 2018.
TS Lê Đăng Doanh tại buổi hội thảo “Đánh giá tác động của việc tăng thuế VAT lên tổng thể nền kinh tế và phúc lợi hộ gia đình” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức tại Hà Nội ngày 28 tháng 6 năm 2018. Courtesy VEPR
Có mặt tại buổi hội thảo “Đánh giá tác động của việc tăng thuế VAT lên tổng thể nền kinh tế và phúc lợi hộ gia đình”, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, cho Đài Á Châu Tự Do biết:
“Bộ Tài chính thì có nói là hiện nay tạm thời không tăng thuế VAT, thế nhưng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách có sử dụng mô hình tính toán và cho thấy: Nếu mà tăng thuế VAT lên thì ‘tỷ lệ người nghèo phải chi thêm so với tổng số chi của người nghèo’, thì nó lớn hơn rất nhiều so với; ‘tỷ lệ tăng chi của người giàu so với tổng số chi của người giàu’. Vì vậy họ đối chiếu với các thu nhập của người nghèo nhất, thì họ đi đến một cái dự báo là cái số người nghèo sẽ tăng lên từng ấy ngàn người.”
Theo TS Lê Đăng Doanh, đây là điều báo động trước để các cơ quan nghiên cứu chính sách trước khi ban hành cần phải có sự tính toán và nghiên cứu một cách thấu đáo, chứ không nên thấy cần thu là cứ thu. Ông cũng cho rằng, đây là một căn cứ rất cần được tham khảo một cách nghiêm túc.

Lý do không thuyết phục

Trong 6 luật thuế mà Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi có thuế Tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên... Một số lãnh đạo chính phủ tuyên bố là vì muốn lo cho sức khỏe của dân nên mới tăng những loại thuế như thuế nước ngọt, rượu bia, thuế thuốc lá, thuế xăng dầu.v.v…
Liên quan vấn đề này, TS Lê Đăng Doanh cho biết:
“Thí dụ bây giờ tăng thuế nước ngọt, nước uống có ga, thuốc lá, bia… thì rõ ràng là sẽ làm giảm số người sử dụng các mặt hàng đó, và sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh trong khi sử dụng thuốc lá hay uống rượu bia. Theo tôi đấy là một điều thật sự hợp lý chứ không phải không hợp lý.”
PGS. TS. Ngô Trí Long, người được Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp mời tham gia thẩm định việc sửa đổi 6 luật thuế này, cho rằng thuế thuốc lá thì nên đánh vì nó hại sức khỏe rất rõ ràng và các nước cũng vậy. Ông đưa ra ý kiến:
Hiện nay Việt Nam chi đến 71% trong tổng số chi ngân sách là chi thường xuyên, tức là để nuôi cái bộ máy này. 24,5% là chi cho trả nợ, và cái số còn lại chi cho đầu tư là quá ít. Vì vậy cho nên nhà nước phải tiếp tục vay nợ thêm để trang trải đầu tư.
-TS Lê Đăng Doanh
“Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt đang định đánh 10%. Tại sao phải tính thuế tiêu thụ đặc biệt nước ngọt 10%, Bộ tài chính có đưa ra 3 mục tiêu: thứ nhất để hướng dẫn người tiêu dùng để tiêu dùng một cách hợp lý, cái thứ hai là theo thông lệ quốc tế, vấn đề thứ ba là để tăng nguồn thu ngân sách. Thì cả ba mục tiêu đưa ra đều chưa thuyết phục.”
Theo PGS. TS. Ngô Trí Long, hướng dẫn người tiêu dùng thì không nhất thiết phải dùng công cụ thuế, mà có thể dán nhãn mác hoặc tuyên truyền giáo dục. Ông nói tiếp:
“Có phải béo phì, tiểu đường tại Việt Nam là do nước ngọt hay không? Theo báo cáo của Tổng hội y học Việt Nam năm 2017, thì thừa cân, béo phì, tiểu đường của người Việt Nam do 3 nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất là do ăn nhiều thức ăn động vật quá, nguyên nhân thứ hai là do lối sống không khoa học, không hợp lý. Nguyên nhân thứ ba là do sử dụng quá nhiều rượu bia. Chứ chưa có một chứng minh nào để chứng minh nước ngọt tác động đến người Việt Nam.”
Theo TS Lê Đăng Doanh, bội chi ngân sách và nợ công của Việt Nam đang ở mức cao, đang là một vấn đề rất là căng thẳng trong nền kinh tế. Ông giải thích:
“Hiện nay Việt Nam chi đến 71% trong tổng số chi ngân sách là chi thường xuyên, tức là để nuôi cái bộ máy này. 24,5% là chi cho trả nợ, và cái số còn lại chi cho đầu tư là quá ít. Vì vậy cho nên nhà nước phải tiếp tục vay nợ thêm để trang trải đầu tư.”
PGS. TS. Ngô Trí Long đưa ra ví dụ ở các nước Châu Âu, nếu lạm phát trên 3% mà nợ công trên 60% là báo động đèn đỏ. Ông so sánh với tình hình Việt Nam hiện nay:
“Việt Nam thì trần nợ công là 65%, mà lạm phát và bội chi ngân sách cũng tăng cao 5 hay 6%. Xu hướng là giảm bội chi ngân sách xuống 3,7%, nhưng khả năng ấy là khó. Việt Nam hiện nay thì ngân sách luôn mất cân đối, nợ công luôn tăng cao. Mà chủ trương của nhà nước Việt Nam, đặc biệt là Bộ chính trị, là cơ quan đầu não đưa ra những phương hướng thì cho rằng ‘trong quá trình mất cân đối ngân sách như thế thì phải tái cơ cấu ngân sách’. Nhưng tái cơ cấu ngân sách thì phải tái cơ cấu cả thu cả chi, chứ không phải chỉ tái cơ cấu thu.”
Theo PGS. TS. Ngô Trí Long ngoài tái cơ cấu thu chi, còn phải sử dụng ngân sách nghiêm minh, chống thất thoát, chống tham nhũng, chống lãng phí. Theo ông, tư duy của Bộ tài chính là sửa đổi 6 luật thuế là để tăng thuế, để tăng thu ngân sách, là nhìn nhận một cách phiến diện.

No comments:

Post a Comment