Sunday, June 17, 2018

Clip dân chất vấn ‘đại biểu Quốc Hội’ CSVN được hàng ngàn người ‘share’


Người đàn bà chất vấn các “đại biểu Quốc Hội” về việc bỏ phiếu. (Hình: cắt từ clip)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tính đến tối 17 Tháng Sáu, đã có gần 9,000 lượt share và 4,000 lượt like clip một bà gọi điện chất vấn 20 “đại biểu Quốc Hội” ở đoàn thành phố Hà Nội về việc họ bỏ phiếu thông qua Luật An Ninh Mạng hôm 12 Tháng Sáu.
Trong clip được đăng trên Facebook Trương Huy, người đàn bà này tự giới thiệu mình “là một cử tri quận Hà Đông, Hà Nội, thực hiện quyền giám sát đại biểu Quốc Hội của cử tri.”
Qua điện thoại, bà Trần Thị Phương Hoa, một “đại biểu Quốc Hội” nói với bà này là “không được hỏi về việc tôi có nhấn nút đồng ý hay không” rồi cúp máy.
“Đại biểu Quốc Hội” Trần Thị Quốc Khánh không trả lời thẳng câu hỏi mà nói loanh quanh rằng “cử tri cứ yên tâm và nên tin tưởng vào “đại biểu Quốc Hội nhấn nút theo nguyện vọng của cử tri”.
“Đại biểu Quốc Hội” Vũ Thị Lưu Mai thẳng thắn nói là bà “nhấn nút không đồng ý.” (thông qua thông qua Luật An Ninh Mạng)
“Đại biểu Quốc Hội” Bùi Huyền Mai nói “đang họp” và cúp máy, còn “đại biểu” Nguyễn Thị Bích Ngọc cúp máy sau khi nghe câu hỏi. Một số “đại biểu” khác trong clip này không bắt máy hoặc nói là “vắng mặt tại nghị trường” hôm 12 Tháng Sáu.
Đến nay, công luận chỉ biết rằng có 15 “đại biểu Quốc Hội” được ghi nhận “không tán thành thông qua Luật An Ninh Mạng” hôm 12 Tháng Sáu nhưng không rõ danh tính những người này, ngoài ông Dương Trung Quốc tự công bố ông là một trong số họ. Điều này khiến cộng đồng yêu cầu làm rõ tên tuổi của những “đại biểu” thực sự đứng về phía người dân, không tán thành một luật nhằm bóp miệng những tiếng nói đối lập.
Tuy vậy, mong muốn này không được giới chức Quốc Hội đáp ứng. Tại cuộc họp báo chiều 15 Tháng Sáu, Tổng Thư Ký Quốc Hội Nguyễn Hạnh Phúc nói: “Hình thức nào cũng có mặt tích cực và ngược lại, quyết định ra sao là quyền của Quốc Hội. Quốc Hội Việt Nam chọn hình thức công khai kết quả biểu quyết nhưng không nêu danh tính.”
Việc Quốc Hội thông qua luật An Ninh Mạng và chỉ lùi chứ không hủy luật Đặc Khu được cho là một trong những nguyên do thôi thúc hàng vạn người dân biểu tình tại các thành phố lớn hôm 10 Tháng Sáu. Trước đó, đã có 40,000 chữ ký cá nhân và 22 chữ ký của các tổ chức xã hội dân sự được thu thập trong các bản kiến nghị yêu cầu Quốc Hội không thông qua luật An Ninh Mạng nhưng không được phản hồi.
Đến nay, nhằm đối phó với công luận và ngăn biểu tình trong những ngày tới, chính quyền vẫn cho người rải các tờ tuyên truyền về “tính đúng đắn” của luật An Ninh Mạng và luật Đặc Khu đến từng hộ gia đình ở các thành phố lớn. Mặt khác, chính quyền còn huy động các “đại biểu Quốc Hội” lên báo tán dương hoặc đưa thông tin lập lờ nhằm trấn an người dân về luật An Ninh Mạng, trong số đó có các ông Lưu Bình Nhưỡng, Nguyễn Thanh Hồng… (T.K.)

No comments:

Post a Comment