Theo VOA-15/06/2018
Phạm Chí Dũng Công an biểu diễn bắn súng ở Hà Nội, tháng Tám, 2015.
Không phải văn bản cấp nghị quyết hay nghị định của chính phủ, mà chỉ là hình thức một thông tư của Bộ Công an nhưng lại đang gây ngạc nhiên, nếu không muốn nói là kinh ngạc, đối với dư luận xã hội và giới quan sát chính trị.
Vào trung tuần tháng Sáu năm 2018, Bộ Công an bất ngờ ban hành Thông tư số 17/2018 quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ có hiệu lực từ ngày 1/7. Theo đó, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, trại giam, công an cấp tỉnh, công an quận, huyện, thị xã... được xem xét trang bị các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ như: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, trực thăng vũ trang, tên lửa chống tăng cá nhân... Còn công an xã, phường, thị trấn được xem xét để trang bị súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng bắn đạn cao su, hơi cay, dùi cui điện, bình xịt hơi cay...
Vì sao lại xuất hiện động thái vũ trang quá đặc biệt trên trong thời điểm này?
‘Thế lực thù địch’ hay nhân dân?
Nếu cơ chế trang bị súng cho công an xã là có thể lý giải được vì đây là một đề xuất loại ‘cố đấm ăn xôi’ của Bộ Công an từ vài năm trước và tái xuất hiện vào cuối năm 2017, thì việc công an từ cấp huyện trở lên được trang bị những loại vũ khí hạng bán nặng và hạng nặng như súng trung liên, súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, trực thăng vũ trang, tên lửa chống tăng cá nhân... đã đặt ra một dấu hỏi rất lớn: công an cần những loại vũ khí này để đánh ai?
Chiến tranh với ‘thế lực thù địch’ hay với dân?
Nếu đối tượng bị tấn công là ‘các thế lực thù địch’ thì không có cơ sở, vì cho tới nay vẫn không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy đã hình thành một lực lượng ‘phản động’ được quân sự hóa trên lãnh thổ Việt Nam. Cũng chẳng có một lực lượng chính trị đối lập nào. Thậm chí ngay cả những tổ chức xã hội dân sự độc lập còn không thể tổ chức sinh hoạt vì bị công an ngăn chặn.
Còn nếu giới quan chức công an vẫn cố tình cường điệu vai trò của ‘tổ chức khủng bố Việt Tân’ thì chính ngành công an lại quá thiếu bằng chứng để chứng minh rằng Việt Tân có một vai trò chính trị hay quân sự đủ lớn ở Việt Nam mà phải khiến cho toàn bộ ngành công trang bị súng ống từ đầu đến chân.
Vậy phải chăng các loại vũ khí bán nặng và hạng nặng sẽ được công an dùng để đàn áp dân?
Nếu mục đích trên là có thực, sẽ là quá hoang tưởng đối với ngành công an khi xem nhân dân là thù địch, cho là dân có thể tự chế ra xe tăng và phải dùng đến những loại vũ khí sát thương hạng nặng để chống lại những người đã sinh thành ra mình.
Tuy nhiên, trong thực tế đàn áp dân từ trước đến nay, đa phần công cụ được ngành công an sử dụng là dùi cui, lực đạn cay hay cùng lắm là đạn cao su. Theo logic phát triển về tầm mức sử dụng vũ khí, nếu tình hình trở nên thách thức lớn hơn, công an có thể dùng súng thật và đạn thật, nhưng vẫn không thể đến mức dùng máy bay trực thăng vũ trang hay súng chống tăng… trong khi dân chỉ toàn tay không.
Hơn nữa, việc trang bị các loại vũ khí hạng nặng cho công an từ cấp huyện trở lên là cực kỳ tốn kém. Liệu một nền ngân sách quốc gia - vốn đang lâm vào tình thế cạn kiệt, đang phải vắt cổ dân để dùng đến hơn 70% trong mục chi thường xuyên chi trả lương cho đội ngũ gần 3 triệu công chức viên chức và lực lượng vũ trang, đang phải xóa toàn bộ các tổng cục của Bộ Công an và giảm mạnh biên chế của ngành này…, có chịu nổi gánh nặng trang bị vũ khí hạng nặng cho công an?
Trong khi đó, các loại vũ khí như súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, trực thăng vũ trang, tên lửa chống tăng cá nhân... thường chỉ được trang bị trong quân đội ở cấp tiểu đoàn, còn trực thăng vũ trang chỉ được trang bị cho cấp trung đoàn trở lên. Những loại vũ khí này chỉ được sử dụng trong tác chiến trên chiến trường với đối phương chứ không phải là đánh nhau với dân trong từng góc phố.
Chuẩn bị chiến tranh với Trung Quốc?
Chỉ còn lại một nguồn cơn mà rất có thể đã dẫn tới quyết định quân sự hóa công an từ cấp huyện trở lên: Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, rất nhiều tàu cá Việt Nam đã bị tàu hải giám và tàu cá Trung Quốc tấn công, đâm chìm, còn ngư dân Việt bị hành hung và bị hất xuống biển.
Không chỉ đặt tên lửa ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa vào năm 2016, Trung Quốc còn tiến thêm một bước dài khi mang cả máy bay quân sự ra đảo Đá Subi ở quần đảo Trường Sa vào năm 2018.
Đến lúc này, tình thế đã trở nên bi kịch hơn hẳn: không những các giàn phóng tên lửa của Việt Nam ở Trường Sa đã chẳng thể khiến Trung Quốc hoảng sợ, mà cả sự hiện diện của hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson ở Đà Nẵng vào đầu Tháng Ba, 2018 (theo lời “cầu viện” chính thức của Bộ Quốc Phòng Việt Nam) cũng chẳng mấy có tác dụng răn đe Trung Quốc.
Nhưng nguyên nhân đặc biệt nhất là chính thể Việt Nam, cùng nền ngân sách đang rơi vào cảnh suy kiệt mà chỉ còn trông chờ vào thói đè đầu dân chúng để tróc thuế và khai thác nguồn tài nguyên gần như duy nhất còn lại là dầu khí, lại đang lâm vào bi kịch không những phải ‘giương cờ trắng’ tại mỏ Cá Rồng Đỏ và mỏ Cá Voi Xanh, mà còn có thể phải ‘quy hàng thiên triều’ ở mỏ Lan Đỏ.
Vào tháng Sáu năm 2018, một bản đồ lưỡi bò được Trung Quốc vẽ lại đã ‘liếm’ qua đến 67 mỏ dầu khí của Việt Nam, bất chấp Việt Nam luôn tuyên bố đây là vùng chủ quyền của mình. Điều đó có nghĩa là ngay giờ đây, chính thể Việt Nam không còn có thể tự khai thác dầu khí ngay trên vùng lãnh thổ của mình nữa.
Giờ đây, kịch bản thất bại đến mất ngủ ở Bãi Tư Chính đang lặp lại, khiến giới chóp bu Việt Nam mất ăn dầu khí ngay trên vùng lãnh hải của mình và càng bế tắc trong cơn ác mộng những khoản nợ nước ngoài đang ập đến như sóng thần Biển Đông.
Phương trình Biển Đông cứ mỗi tháng trôi qua lại sinh sôi thêm nhiều ẩn số. Có quá nhiều lý do để Bộ Chính trị đảng cùng cơn lạm phát gần 500 tướng quân đội phải đau đầu đến thống phong. Nếu chấp nhận “hợp tác cùng khai thác dầu khí” với Trung Quốc theo lối nói không thèm úp mở của Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc là Vương Nghị, Việt Nam sẽ đồng thời phải thừa nhận một tiền lệ chưa từng có về việc phải cho kẻ cướp chung sống trong nhà mình và một cách chính thức bắt đầu chấp nhận ách đô hộ của “Hoàng đế Tập Cận Bình”.
Còn nếu không chấp nhận cách chia bôi lợi nhuận dầu khí với kẻ cướp, tương lai có thể sẽ là một cuộc xung đột quân sự.
Thật thế, tương lai Trung Quốc tái hiện cuộc chiến biên giới năm 1979 trên biển Đông và có thể cả trên đất liền có vẻ đang đến gần, nhất là khi sự can thiệp của hải quân và không quân Hoa Kỳ ở Biển Đông là chưa đủ ý nghĩa để khiến Trung Quốc phải chùn bước.
Nếu trong nhiều năm trước giới chóp bu Việt Nam hầu như vô cảm trước cảnh tàu ngu dân Việt bị ‘tàu lạ’ đâm va bắn giết, thì nay trước nguy cơ mất ăn dầu khí và mất nguồn ngân sách nuôi đảng bởi ‘đồng chí tốt’, chính thể Việt Nam mới phải tìm cách trang bị các loại vũ khí bán nặng và hạng nặng cho cả công an, mà có thể ưu tiên cho công an ở các khu vực biên giới phía Bắc, vùng duyên hải và biên giới Tây Nam giáp Campuchia.
Đồng thời, chính thể Việt Nam cũng ‘giải mật’ Thông tư 17/2018 về trang bị vũ khí cho công an như một động tác công khai hóa nhằm ‘hù’ Trung Quốc…
Kế hoạch quân sự hóa ngành công an có thể nằm trong một kế hoạch tổng thể của Bộ Quốc phòng Việt Nam về các những tình huống và phương án tác chiến với Trung Quốc.
‘Chiến tranh dầu khí’ Trung - Việt có thể nổ ra chỉ trong một vài năm tới?
No comments:
Post a Comment