QUẢNG NGÃI, Việt Nam (NV) – Nhiều hôm không có bè, không có ghe, có em học sinh ở xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà, phải cởi quần áo cầm trên tay, bơi qua sông, xuôi về bên kia bờ để đến trường hay về nhà.
Câu chuyện phải lội sông, vượt suối mỗi sáng sớm để đến trường không có gì lạ đối với nhiều học sinh miền núi Quảng Ngãi. Thế nhưng, được vậy đã là may, bởi có hôm để đến được trường hay về tới nhà mỗi lúc không có người kéo bè, nhiều học sinh còn phải cởi quần áo cầm trên tay, bơi qua sông.
Đó là khung cảnh vẫn thường diễn ra đối với hàng chục học sinh của trường tiểu học và trung học cơ sở xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà. Báo Người Lao Động tường thuật.
Tin cho biết, hai thôn Nước Ring, Làng Cát, xã Sơn Bao, nằm ẩn mình dưới những ngọn núi của dãy Trường Sơn. Để đến được nơi đây, người dân chỉ có một con đường duy nhất là vượt qua dòng sông Ring.
Do đó, mọi việc đi lại của gần 200 gia đình và gần 100 học sinh nơi đây đều phụ thuộc vào chiếc ghe nhỏ duy nhất hoặc một chiếc bè làm bằng tre ghép lại.
“Chiếc ghe được nhà nước cấp cách đây vài năm, nhưng phải có người cầm lái mới dám qua lại sông. Còn cái bè tre này là thứ bao đời nay đưa đón người dân, học sinh đến trường. Hôm nào không có ghe hoặc người đi đông quá, học sinh phải tự kéo bè vượt qua sông để đến trường,” bà Đoàn Thị Chiên, phó chủ tịch xã Sơn Bao cho biết.
Thậm chí có nhiều trường hợp, thường là vào những ngày nắng không mưa gió, những khi học sinh đi học về sớm hoặc đi trễ không có bè, không có ghe, nhiều em phải cởi quần áo cùng sách vở cầm trên tay, bơi qua sông để đi tiếp.
Ngoài việc khó khăn trong chuyện đi lại từ nhà đến trường và ngược lại, học sinh nghèo vùng cao này còn chịu cảnh học thiếu thầy, phải thường xuyên bỏ giờ hoặc học “chạy” cho kịp chương trình.
Bà Nguyễn Thị Thành, trưởng Phòng Giáo Dục Đào Tạo huyện Sơn Hà, cho biết trong năm học 2017-2018, toàn huyện thiếu 240 giáo viên và 160 nhân viên cấp dưỡng. “Nguyên nhâu thiếu giáo viên do 4 năm qua tỉnh thực hiện đề án tinh giảm biên chế, không thi tuyển thêm người nào. Việc này gây khó khăn rất lớn cho ngành và ảnh hưởng trực tiếp đến việc học tập của các em ở các xã nghèo vốn đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi học để tìm con chữ,” bà Thành lo ngại nói. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment