Theo VOA-Trân Văn/04/05/2018
Thiên Hạ Luận
Hai lãnh đạo Nam và Bắc Hàn thảo luận tại Nhà Hòa Bình, Bàng Môn Điếm, 27 tháng Tư.
Cho đến bây giờ, dư âm cuộc hội kiến giữa ông Moon Jae-in – Tổng thống Nam Hàn và ông Kim Jong-un – Lãnh tụ Tối cao của Bắc Triều Tiên vẫn còn ngân rất dài trên mạng xã hội Việt ngữ.
Chẳng phải tự nhiên mà nhiều người Việt đem cuộc hội kiến này so với sự kiện Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước, diễn ra cách nay tròn 43 năm (30/04/1975 – 30/04/2018)…
***
Không có cơ quan truyền thông chính thức nào của Việt Nam bỏ qua sự kiện Moon – Kim hội kiến, trong số này có Công An Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Bộ Công an Việt Nam. Giống như tất cả các cơ quan truyền thông chính thức khác, Công An Nhân Dân cũng tỏ ra hết sức phấn khích trước viễn cảnh hòa bình đang trên đường đến bán đảo Triều Tiên.
Trong “Cơ hội hiếm hoi để người dân Bắc – Nam Cao Ly quyết định vận mệnh” đăng hôm 27 tháng 4, Công An Nhân Dân nhận định, sự đối đầu giữa miền Bắc và miền Nam của Triều Tiên từ sau Thế chiến thứ hai đến nay, đặc biệt trong cuộc chiến từ 1950 đến 1953 làm hàng triệu người thiệt mạng là… “MỘT CUỘC XUNG ĐỘT PHI LÝ” chỉ vì khác biệt… “Ý THỨC HỆ” . Theo Công An Nhân Dân, cuộc hội kiến giữa Moon và Kim đáng trân trọng, đáng chú ý vì đã tạo ra cho “dân tộc Cao Ly quyền tự quyết định vận mệnh và tương lai, bởi một giọt máu đào hơn ao nước lã”.
Những nhận định đó của Công An Nhân Dân không sai nhưng không may là nhận định của cơ quan ngôn luận thuộc ngành công an tại Việt Nam lại giống hệt như suy nghĩ của nhiều người, thuộc đủ mọi giới đang đòi xét lại bản chất cuộc cách mạng “Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước”, thành ra một số facebooker như Nguyễn Chương khen là “lạ”. Những lời khen kiểu đó khiến Công An Nhân Dân tự ý đục bỏ bài viết vừa dẫn ngay lập tức để thay bằng một bài viết khác, không còn những chi tiết có thể dẫn đến sự liên tưởng về cuộc chiến giữa Bắc – Nam Triều Tiên với Bắc – Nam Việt Nam như “Miền Bắc được Liên Xô ủng hộ, miền Nam được Mỹ hậu thuẫn”.
***
Nhìn một cách tổng quát, cuộc hội kiến Moon – Kim diễn ra vào cuối tháng 4 là một sự ngẫu nhiên hết sức tai hại cho hệ thống Tuyên Giáo của Đảng CSVN trong việc duy trì nhận thức sự kiện 30 tháng 4 năm 1975 như “đại công” của Đảng CSVN.
Xuân Sơn Võ kể rằng khi còn nhỏ, ông đã từng hỏi nhiều người lớn rằng, tại sao Đức và Triều Tiên cũng bị chia đôi như Việt Nam nhưng không có cuộc chiến “giải phóng dân tộc” nào và câu trả lời mà Xuân Sơn Võ nhận được là: Vì chúng ta yêu nước hơn họ! Nay, sau khi thống nhất, Đức là một trong những quốc gia nằm trong nhóm dẫn dắt thế giới. Nam Hàn thì vượt lên, trội hơn hẳn nhiều quốc gia khác với những Samsung, Huyndai... Nếu Triều Tiên thống nhất một cách hòa bình, khả năng Triều Tiên trở thành một quốc gia hùng mạnh rất cao. Xuân Sơn Võ so thực tế đó với thực trạng Việt Nam sau 43 năm “giải phóng dân tộc” làm hàng triệu người mất mạng: Đạo đức băng hoại, xã hội càng ngày càng bất ổn, những cá nhân là thành viên hệ thống công quyền càng ngày càng tham lam, độc ác, dân chúng càng ngày càng cảm thấy bế tắc, hoang mang... Xuân Sơn Võ than: Giá mà chúng ta phải trả cho thống nhất đất nước quá đắt. Chưa kể chúng ta đang trở thành những kẻ làm thuê với thù lao rẻ mạt và đang bị chính những kẻ “không yêu nước bằng chúng ta” sai khiến, bóc lột. Có nên vui không?
Theo xu hướng vừa kể, rất nhiều facebooker chia sẻ hàng loạt thống kê liên quan đến sự kiện 30 tháng 4 năm 1975 như Đinh Tấn Lực: “444.000 thanh niên ‘sinh Bắc, tử Nam’. 282.000 quân nhân miền Nam tử trận. Hai triệu thường dân uổng mạng. Một triệu người phải vào các trại cải tạo, 165.000 người chết trong các trại cải tạo. 1,5 triệu người vượt biên, vượt biển. 200.000 người chết trên biển. 90 triệu người mất quyền làm người” và thay nhau nêu ra những câu hỏi kiểu như: Quang vinh hay tội ác? Giải phóng hay sát nhân uống máu để ăn mừng?
Đọc xong bài viết ca ngợi sự kiện 30 tháng 4 năm 1975 trên báo Nhân Dân vào dịp này, có những facebooker như Đào Tuấn điểm lại các sự kiện mới nhất, vừa diễn ra sau 43 năm ngày “thống nhất” mà tính chất chẳng khác những tiếng thở dài: Nếu không có vụ Quốc Cường Gia Lai mua đất Thủ Thiêm, chúng mình không hề biết tại sao Thành ủy TP.HCM lại làm kinh tế, làm để làm gì, ai tiêu! Không có vụ trẻ em bị hiếp sống bởi một đảng viên 45 tuổi đảng thì không biết 43 năm qua, có tới chín đơn vị cùng giữ chức năng bảo vệ trẻ em. Không hề biết vì sao lại có Hội Phụ nữ khi họ im lặng lúc một phụ nữ đơn thân bị hiếp sống giữa đêm và công an thì bảo là thông dâm. Không biết có các hội chống hàng giả, khi xảy ra những chuyện như thuốc ung thư làm từ than tre, Capital H hay cà phê pin (giờ là tiêu pin). Không hề biết trên đời có Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi nhà mạng đè nghiến con nhà người ta ra chụp ảnh. 43 năm và một phiên đại án (Oceanbank), khi các cổ đông tư nhân đòi bồi hoàn thiệt hại như cổ đông nhà nước, thẩm phán - chủ toạ bảo rằng: “Cũng có lý, nhưng khó khả thi”! 43 năm và Thành ủy TP.HCM chỉ đạo huỷ một hợp đồng kinh tế… Chúng mình đã ra khỏi rừng đâu!
Tịnh Văn Võ quy tình thế càng ngày càng nan giải, bi đát của quốc gia, dân tộc là do… thực dân Pháp. Nếu “bọn thực dân” đừng… cách chức cụ Sắc thì cháu Cung đâu có… đói meo tới mức phải bò lên tàu của Pháp xin làm Oshin. Nếu bọn lái buôn Pháp không tuyển dụng Oshin phụ bếp thì đâu có vụ “ra đi tìm đường cứu nước”. Giờ, Việt Nam thua cả Lào, Campuchia là vì… thực dân Pháp!
Tran Manh Hao trách thêm “tên tổng thống Pháp gian ác thời đó” không cho anh Nguyễn Ái Quốc vào học trường thuộc địa như anh ấy xin. Nếu được vào đó, học xong, anh Nguyễn Ái Quốc làm quan cho Pháp thì dân tộc Việt Nam hôm nay đã không bị chủ nghĩa cộng sản đầy đọa thảm khốc thế này! Nam Tran kêu Trời khi “miền Nam luôn ở trong trái tim” của ông Hồ Chí Minh nên ông xua hơn một triệu thanh niên miền Bắc đi cưỡng chiếm bằng được miền Nam trong suốt ba mươi năm, kể cả “phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn”. Theo Nam Tran, nếu ông Hồ Chí Minh không “yêu” miền Nam cuồng nhiệt đến thế thì ít nhất một nửa Việt Nam) đã hơn Nam Hàn. Thanh niên toàn quốc không phải tìm mọi cách lo lót để được ra đi làm nô lệ cho xứ Kim Chi như hiện nay!
***
Dẫu bên cạnh hoan hỉ, cuộc hội kiến giữa Moon và Kim không thể xóa sạch nghi ngại và không thiếu người cám cảnh, than như Truong Huy San: Nhà Kim giữ Bắc Hàn làm con tin hơn 65 năm, nay chỉ hứa “buông dao”, “Kim Đệ tam” đã được tung hô như một anh hùng.
Thế nhưng dõi theo lộ trình hòa giải của dân tộc Triều Tiên, so lộ trình ấy với tiến trình “giải phóng miền Nam” và tiến trình phát triển của Việt Nam sau thống nhất, giới sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam vẫn nêu ra giả định, kiểu như Tran Nhat Binh: Nếu Bắc Hàn và Nam Hàn thống nhất không tốn giọt máu nào thì lại có thêm bằng chứng cho quan điểm, thống nhất không nhất thiết phải là huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt. Viễn cảnh Triều Tiên thống nhất còn “rất xa vời” nhưng giống như nhiều người, lộ trình ấy là nền để Bình nêu ra thắc mắc đang ám ảnh nhiều người: Có dứt khoát phải thống nhất bằng máu của đồng bào mình không?
Cũng tham gia bình luận về cuộc hội kiến giữa Moon và Kim, Chanh Tam cho rằng, hình ảnh Moon và Kim nắm tay nhau, đắt nhau qua lại lằn ranh phân đôi Triều Tiên là một thông điệp mà người Triều Tiên muốn chuyển cho thế giới, hoà bình - thống nhất trên bán đảo Triều Tiên phải đến từ sự dàn xếp của chính dân tộc Triều Tiên, chứ không phải là kết quả của một cuộc ngả giá giữa các thế lực. Hai chế độ xã hội thù nghịch dường như đều cố kiềm chế để thể hiện họ sẵn sàng cùng đứng về một phía, một bên - bên trong cuộc. Theo Chanh Tam, chính lựa chọn đó làm không ít người Việt chạnh lòng.
Chanh Tam lặp lại, 45 năm trước, Hiệp định Paris về lập lại hoà bình ở Việt Nam thiếu chữ ký của Việt Nam Cộng hoà. Giới lãnh đạo miền Bắc Việt Nam khi đó chọn tư thế đàm phán trực tiếp với Mỹ chứ không phải là với anh em khác chiến tuyến. Có thể lịch sử cũng từng có cơ hội cho một nền hòa bình chỉ còn một bên - bên trong cuộc - nhưng khi hòa bình đến Việt Nam thì đó lại là nền hoà bình được “phân công”. Chiến tranh chấm dứt bằng thắng – thua. Ý chí thống nhất đất nước đã biến dịch thành ý chí thống nhất chế độ xã hội. Cuộc đoàn tụ dân tộc trong khát vọng mãnh liệt của người Việt Nam đã đi quanh co trong lối diễn giải của bên thắng cuộc về ngày 30/04/1975.
Nhìn lại 43 năm vừa qua, Chanh Tam bảo rằng, chúng ta đang tái lập các tệ trạng vốn là lý do để tiến hành tiến trình “giải phóng”: Từ sự chi phối của ngoại bang cho đến sự xuất hiện của các thế lực đè đầu cưỡi cổ nhân dân, tham nhũng, bất công,... 43 năm sau, một phần lãnh thổ đã rơi vào tay “đồng chí” từng “phân công” chúng ta vào cuộc chiến… Khát vọng hoà bình, thống nhất không bao giờ nên là cuộc cờ chỉ còn bên thắng cuộc. Người Việt Nam dường như có sẵn sự đồng cảm này với người Triều Tiên song chọn cách nào để trở thành bên trong cuộc? Theo Chanh Tam, có lẽ người Việt phải chờ trải nghiệm tiếp theo của dân tộc Triều Tiên. Khó có thể hình dung khẩu khí bom hạt nhân lại mang đến hoà bình, thống nhất. Cũng không có thứ hoà bình, thống nhất nào làm tức mắt thiên hạ kiểu hồng hộc chạy bộ để che chắn cho chiếc xe chở lãnh tụ.
No comments:
Post a Comment