Friday, December 28, 2018

Vụ 152 người Việt Nam bỏ trốn

Do Duy Ngoc |

iên quan đến vụ việc 152 du khách Việt Nam bỏ trốn tại Đài Loan. Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu quốc hội: “Đây là một điều rất là đáng buồn vì đã làm xấu đi hình ảnh của đất nước trong mắt bạn bè quốc tế. Và, cũng có thể nói là việc 152 du khách lợi dụng du lịch để bỏ trốn là làm nhục quốc thể”.
Tui thì tui nghĩ khác ông Nhưỡng, vì thật ra “quốc thể” của ta đã bị làm nhục vì nhiều chuyện rồi và cũng đã bị nhục lâu rồi. Ngoài chuyện trốn ở lại nước ngoài, còn có chuyện ăn cắp bị nêu danh, chen lấn mất trật tự trong những sinh hoạt, không chấp hành luật pháp nước sở tại, ngay cả các thành viên của các tổ chức, các cán bộ công tác nước ngoài cũng làm nhục quốc thể bằng cách săn bắt buôn bán, vận chuyển sừng tê giác, phơi vây cá mập trên nóc nhà sứ quán, buôn hàng quốc cấm, vận chuyển hàng ăn cắp, lợi dụng chức vụ để ăn tiền khi cấp giấy tờ cho các Việt kiều, cấp visa cho người du lịch. Người Việt nhiều nước còn bắt vịt trời để làm tiết canh, bắt chó để nhậu. Một cô ăn cắp cả thế giới biết tên hàng ngày vẫn lên truyền hình nói chuyện văn hoá, nhục đến đâu nữa.
Biết bao chuyện làm nhục quốc thể chứ đâu riêng chuyện này. Và các phái đoàn chính phủ, quan chức cấp cao của ta trong nhiều chuyến công du nước ngoài cũng để xảy ra biết bao chuyện nhục. Nói chung là nhục toàn tập.
Ai cũng mong được sống với quê hương, với cha mẹ, họ hàng, thân tộc. Ai cũng muốn có bà con, xóm giềng, bè bạn cùng giọng nói, cùng phong tục, cùng giòng giống. Nhưng rồi ai cũng tìm cách ra đi. Cán bộ, doanh nhân ra đi với nhiều tài sản, họ sớm có cuộc sống ổn định và sung sướng nơi xứ người. Tàu đắm thì chuột chạy thôi.Trở lại chuyện 152 người đào thoát ở Đài Loan. Đây là một âm mưu có tổ chức. Cả hai bên, công ty Việt Nam đã cấu kết với công ty Đài Loan thực hiện âm mưu này. Tất cả mọi người trong đoàn có một mục đích duy nhất là là đào thoát khỏi Việt Nam. Và đương nhiên với âm mưu và tổ chức như thế, họ phải tốn nhiều tiền hơn là một chuyến du lịch bình thường. Và tương lai của họ sẽ là những ngày tháng trốn chạy, không phút nào yên. Họ không có tương lai, đó là một thực tế. Trong đoàn đó chắc chắn có những thanh niên đã tốt nghiệp đại học nhưng không tìm được việc làm, có những người muốn tiến thân nhưng bế tắc, có những người thất nghiệp, có những người hi vọng đổi đời khi rời khỏi Việt Nam…Và câu hỏi được đặt ra là tại sao rất nhiều người Việt Nam bây giờ lại muốn từ bỏ đất nước mà đi?
Nhưng người dân nghèo, người lao động ra đi là chấp nhận một cuộc sống khó khăn, kiếm được đồng tiền không phải dễ, họ biết họ phải đổ mồ hôi và nhiều khi cả máu để tồn tại ở xứ người. Biết thế nhưng họ vẫn tìm mọi cách để ra đi. Chúng ta không trách họ.
Sống trong một đất nước mờ mịt tương lai. Kiếm ăn đã khó cuộc sống lại luôn bị đe doạ. Bị đe dọa bởi quyền lực, bị đe doạ bởi những bất an của một xã hội tha hoá và đạo đức suy đồi. Mạng sống con người bị coi rẻ. Người ta có thể giết bạn bất cứ lúc nào và bạn cũng có thể bị hành hung , cướp giật bất cứ lúc nào. Ngôi nhà, miếng đất ba đời tổ tiên để lại cũng có thể bị cướp mất bất cứ giờ nào và đẩy gia đình bạn thành kẻ tha phương không mái nhà. Bạn không có gì để cầu cứu, luật pháp không đến với bạn, luật pháp trong tay kẻ cầm quyền, nỗi đau của bạn không tiếng vọng.
Sống trong một đất nước mà miếng cơm, con cá bỏ vào mồm đầy chất độc. Ăn miếng rau cũng ngại, uống miếng nước cũng nghi ngờ. Bệnh tật giáng xuống thân thể bạn và gia đình bạn bất cứ lúc nào, và khi ấy nếu bạn không có tiền, chẳng có bệnh viện nào mở cửa đón bạn và chẳng bác sĩ nào chữa bệnh cho bạn. Và bạn chết vì nghèo, chẳng có ai cứu bạn.
Sống trong một đất nước mà dân nghèo phải è cổ chịu bao nhiêu thứ thuế chất chồng mà chính phủ lại sử dụng những đồng thuế đó không hợp lý. Những dự án vẽ ra tiêu tốn hàng ngàn, hàng trăm ngàn tỷ nhưng chẳng mang lợi ích gì cho dân sinh mà chỉ làm giàu cho cán bộ lãnh đạo. Tiền thuế dân trở thành tài sản của cá nhân.
Sống trong một đất nước mà nền giáo dục suy đồi, bí ổi một cách thảm hại không lối thoát. Một nền giáo dục sa xuống vực thẳm không còn cách để ngoi lên. Nhà trường thành chợ chữ, giáo viên thành con buôn, hiệu trưởng chỉ là tên ấu dâm bệnh hoạn và cô giáo thì quay cuồng với ma tuý. Không phải thầy cô nào cũng thế nhưng đa số đều là những kẻ hèn tiếp tay cho tội ác nhởn nhơ trong trường học. Giáo dục sa đoạ, vô giáo dục đến tận cùng và sẽ cho ra đời những thế hệ kế tiếp như thế nào, tương lai đã thấy từ hôm nay.
Sống trong một đất nươc mà từ trên xuống dưới đều rặt láo với nhau. Lãnh đạo nói láo để tồn tại, để tránh sự thật phũ phàng, để an dân mong dân tin, nhưng bây giờ dễ gì cho dân tin. Dân thì láo với nhau, lừa gạt nhau để sống bởi khi xã hội đã lấy sự tàn nhẫn để đối xử với nhau, lấy chuyện lừa đảo nhau để tồn tại thì cái láo phải lên ngôi. Hàng ngày mọi người cùng láo với nhau để sống. Và cuộc đời toàn chuyện phi lý. Cán bộ công an chống cờ bạc thì là trùm cờ bạc, chống ma tuý thành trùm ma tuý. Cán bộ hải quan thì mở cửa biên giới để hàng lậu tràn ngập, cán bộ y tế thì buôn thuốc giả, thầy cô giáo thì trở thành công an, cai ngục, có kẻ thì ăn chơi sa đoạ không kém kẻ giang hồ, lãnh đạo thì tha hoá, hư hỏng. Chẳng còn biết tin vào đâu để sống
Sống trong một đất nước mà đạo lý đã chẳng còn, mọi điều tốt đẹp truyền thống của dân tộc bị chôn vùi và thay vào đó là một thứ đạo lý của kẻ cướp, đạo đức của những kẻ nói dối và tiền bạc trở thành thần linh. Người ta có thể giết nhau vì cái ghế ngồi, vì những đồng bạc tanh hôi, vì tranh dành nhau quyền lợi. Người ta có thể giết nhau vì vài tấc đất, vì cái ánh nhìn, vì một đụng chạm nhỏ. Lòng bao dung, nhân ái, thương người như thể thương thân của người dân Việt đã bị đánh cắp.
Sống trong một đất nước mà chính phủ, nhà nước không đảm bảo được quyền được sống, quyền làm con người của nhân dân. Mọi tự do cá nhân bị tước đoạt. Con người không được luật pháp bảo vệ, bị bao vây bởi một thứ pháp luật hoang dã và tuỳ tiện. Đồng tiền và quyền lực ngự trị và điều khiển luật pháp. Dân nghèo thấp cổ bé miệng trở thành nạn nhân và chẳng có một chỗ dựa để tồn tai.
Sống trong một đất nước mà hố sâu giàu nghèo quá lớn. Một bên thì lao động nhọc nhằn mà không đủ sống, bệnh không tiền uống thuốc, chết không có đất chôn. Người chết không tiền đủ thuê xe chở về phải bó chiếu chở xe gắn máy với xác chết thò chân chạy giữa phố phường. Một bên là tầng lớp uống những chai rượu sáu bảy chục triệu đồng một chai, một bữa nhậu tiêu hàng trăm triệu. Mà tiền cũng từ dân mà ra cả. Bất công hiện diện hàng ngày là nỗi uất ức của nhân dân. Cán bộ càng ngày càng giàu mà dân thì càng ngày càng còng lưng xuống với nỗi đau.
Sống trong một đất nước mà thế hệ lãnh đạo càng về sau càng hư hỏng, thối nát, coi dân không ra gì. Làm lãnh đạo mà họ biến thành kẻ cướp, xô đẩy dân vào con đường tuyệt vọng không lối thoát. Làm lãnh đạo mà họ chỉ nghĩ chuyện bán đất, bán rừng để thủ lợi, quên mất nhiệm vụ phục vụ nhân dân. Họ cấu kết với nhau thành những nhóm lợi ích sâu dân mọt nước bóp cổ dân nghèo. Có người so sánh họ với cường hào ác bá thuở phong kiến nhưng thật ra họ còn tàn nhẫn hơn, mưu mô hơn, thủ đoạn hơn cường hào xưa nhiều lắm. Bởi bây giờ quyền lực họ lớn hơn, họ mạnh hơn, họ có tập thể vây quanh bảo vệ, họ có chuyên chính vô sản, họ có luật lệ riêng để bảo kê cho họ. Bởi thế họ ăn cướp có văn bản, họ bóp họng dân có giấy tờ, họ ăn trên ngồi tróc có quy định.
Sống trong một đất nước mà kẻ cướp lăm le cướp nước, biển khơi chúng đã lấn sát bờ, trên cạn thì chúng nghênh ngang như chốn không người, xem dân ta như dân thuộc địa. Chúng không nguôi tham vọng biến nước ta thành chư hầu. Chúng xem đất nước này như hố rác để tống khứ những thứ đã lỗi thời, lạc hậu. Đau thay, nhiều người có chức sắc của ta lại thần phục dễ dàng, hoan hỉ bỏ tiền để lấy rác. Biển nhiễm độc, rừng trụi hết, tài nguyên không còn. Khi nền kinh tế ngã gục, chúng dùng tiền thâu tóm. Đó chính là mưu không cần đánh mà thắng. Tương lai đất nước sẽ về đâu?
……….
Với thực trạng như thế, người ra tìm mọi cách để đi, tìm mọi cách để đào thoát khỏi đất nước này. Những người biết chuyện thì tìm cách rời tàu trước khi tàu đắm. Những người khác thì ra đi mong có một cuộc sống tốt đẹp hơn, một tương lai sáng sủa hơn bất chấp bao khó khăn đang chờ đợi họ.
152 người đào thoát ở Đài Loan chẳng có gì để bảo đảm tương lai cho họ cả. Nhưng họ lại trốn đi để tránh những điều khó tránh đang hiện diện hàng ngày trên đất nước này. Họ là những kẻ đáng thương hơn là đáng trách. Lỗi của một chế độ./.

No comments:

Post a Comment