Friday, December 28, 2018

Cái giá phải trả để có được con số tăng trưởng GDP 7,08%

Đ
ọc bảng báo cáo thành tích kinh tế cuối năm mà choáng. Tận những 7,08%. Cái giá để có được con số này là như thế nào? Được gì và mất gì?
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2018 là 482 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu là 244,7 tỷ USD, nhưng bên doanh nghiệp FDI lại chiếm đến 175,52 tỷ USD tương đương với 71,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đây là các doanh nghiệp của nước ngoài, và dĩ nhiên lợi nhuận của họ sẽ được chuyển về nước.
Xuất siêu là 7,2 tỷ USD vẫn là thành quả của khối doanh nghiệp FDI. FDI xuất siêu đến 32,8 tỷ USD trong khi đó khối doanh nghiệp trong nước lại nhập siêu đến 25,6 tỷ USD. Rõ ràng FDI phải gánh cho khối doanh nghiệp trong nước để cho ra con số báo cáo xuất siêu 7,2 tỷ USD kia. Tất cả chỉ là có tiếng mà không có miếng, húp được bát nước suýt mà khoe tao ăn cả nồi xáo.
Trên đây là “thành tựu ăn ké” và để có được cái con số báo cáo mị dân này thì nhà nước cộng sản phải đánh đổi những gì?
1) Kinh tế:
FDI là dòng đầu tư có năng lực cạnh tranh rất mạnh về công nghệ, vốn, quản trị…Việc để doanh nghiệp FDI tràn vào ồ ạt, thiếu chọn lọc và dành quá nhiều ưu đãi cho họ khiến méo mó nền kinh tế dẫn đến mất tự chủ, phụ thuộc kinh tế. Điều này làm cho nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng thiếu bền vững vì bản chất FDI là không gắn bó. Họ đến vì lợi ích và đi vì bất ổn. Một phần trong việc FDI tràn mạnh vào nước ta cũng là hậu quả của việc Việt Nam vay quá nhiều vốn ưu đãi của nước ngoài (ODA). Họ tràn vào, mở rộng quy mô đầu tư cả về lượng và đa ngành nghề. Chính điều này đã bóp chết sức cạnh tranh, cơ hội của khối doanh nghiệp trong nước làm cho nội lực kinh tế quốc gia không thể nâng cao được. Tóm lại là nền kinh tế bị phụ thuộc, thiếu bền vững và thiếu nội lực.
2) Thị trường:
Cũng chính bởi vì năng lực cạnh tranh mạnh và được hưởng quá nhiều ưu đãi như vậy nên họ chiếm lĩnh thị trường trong nước cũng như ở nước ngoài của khối doanh nghiệp nội (ở đây chỉ xét đến các mặt hàng tương tự). Sự quan tâm của chính phủ anh Phúc đến khối doanh nghiệp nội nói thật là chưa sát sao, vẫn còn tình trạng để tự bơi, không hỗ trợ và ưu đãi nhiều. Đây là một điều rất bất công. Chỉ vì thành tích ảo mà bán rẻ chính con đẻ của mình.
3) Thị trường lao động giá rẻ:
Để tạo ưu thế thu hút đầu tư, ngoài những ưu đãi về thể chế, thuế…thì lao động giá rẻ là rất quan trọng. Chính vì vậy mức thu nhập của người lao động trong khối FDI nói riêng và mặt bằng thu nhập chung vẫn bị kìm lại ở mức “rẻ mạt” so với thị trường thế giới và gọi là tạm đủ so với mặt bằng chi tiêu trong nước, đôi khi còn thiếu bởi vì đa số người lao động vẫn phải thắt chặt chi tiêu để phù hợp với mức thu nhập.
4) Tài nguyên, khoáng sản:
Cơ cấu dòng vốn FDI đổ vào nước ta theo đánh giá, thống kê của các chuyên gia vẫn là những ngành tiêu tốn tài nguyên rất mạnh. Rõ ràng họ chiếm tài nguyên giá rẻ của ta để tinh chế, sản xuất hàng hóa rồi xuất khẩu, lợi nhuận họ mang về nước. Chính nhà nước đã cố tình muốn bán cho họ để kiếm tiền tươi mà không tính đến tương lai của con cháu. Rõ ràng đây là ăn hết phần con cháu, đó là còn chưa tính họ bán tài nguyên thô như dầu mỏ, than, quặng nhiều loại.
5) Môi trường:
Việc nới lỏng thể chế để thu hút, trong đó có cả việc làm ngơ để các doanh nghiệp giảm chi phí khâu xả thải, nhất là việc bảo kê cho doanh nghiệp của Trung Quốc có công nghệ sản xuất thấp và công nghệ xử lý chất thải kém đã gây hậu quả rất nghiêm trọng trong quá khứ như Formosa, Leman hay Boxit Tây nguyên . Thanh tra chỉ là cho có lệ rồi nhận phong bì rồi về, nhất là sự bảo kê của chính quyền địa phương. Nó không chỉ gây ô nhiễm cho hiện tại mà là cả tương lai của con cháu chúng ta. Nguy hại đến sức khỏe người lao động, dân cư lân cận và chất lượng giống nòi.
Và đặc biệt để khắc phục hậu quả của việc xả thải này là cần thời gian dài và kinh phí rất lớn. Nhưng nhà nước hiện nay không thèm quan tâm đến vấn đề này mà thay vào đó là bưng bít, che đậy, lèo lái dư luận và xử lý cho có lệ.
6) Chủ quyền lãnh thổ:
Vấn đề chủ quyền lãnh thổ này chỉ có Trung Quốc. Các dòng vốn ưu đãi đi kèm điều kiện cho vào của các doanh nghiệp FDI của Trung Quốc (thường là các tập đoàn nhà nước) mang theo bẫy nợ, siết trực tiếp dự án, thế chấp lãnh thổ là rất nguy hiểm. Điển hình là Formosa hay Boxit Tây nguyên là những nơi cho thuê với xóa re dài hạn và bất khả xâm phạm. Ngoài ra còn các dự án ODA như cơ sở hạ tầng, nhiệt điện, điện mặt trời, giao thông…đều là các bẫy nợ rất kinh khủng.
7) Hội nhập sớm:
Việc hội nhập sớm khi năng lực cạnh tranh của khối doanh nghiệp nội còn kém nhưng khối doanh nghiệp FDI lại mạnh và chiếm đến 70% tỷ lệ đóng góp GDP như thế sẽ chỉ phần lớn là tạo lợi thế, lợi ích cho khối doanh nghiệp FDI mà thôi. Còn khối doanh nghiệp nội sẽ bị bóp chết ngay trên chính sân nhà và trên sân chơi thương mại quốc tế. Nhất là khi CPTPP được thực thi thì còn gay go nữa cho khối doanh nghiệp nội.
8 ) Bãi rác công nghệ:
Việc các doanh nghiệp nước ngoài mang công nghệ yếu kém, tiêu tốn năng lượng, nhiên liệu, hiệu suất thấp là khá nhiều, nhất là Trung Quốc(yếu kém so với nước họ, có hại cho nước họ nên họ chuyển sang ta). Nhất là năm 2019 sẽ có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tràn sang để né thuế, chiến tranh thương mại, đón đầu CPTPP và mang theo công nghệ thấp, tiêu tốn tài nguyên, năng lượng, xả thải nhiều, hàm lượng cao khiến đất nước chúng ta sẽ lâm vào tình trạng trở thành bãi rác công nghệ và ô nhiễm mạnh hơn.
9) Nguy cơ rửa tiền:
Theo cảnh báo của WB thì Việt Nam sẽ bị các tổ chức rửa tiền quốc tế chọn làm mục tiêu vì hệ thống thanh tra, giám sát, hệ thống kế toán và tìm hiểu khách hàng ở nước ta còn kém phát triển, mức độ sử dụng tiền mặt và các luồng chuyển tiền không chính thức còn cao. Bên cạnh đó, Việt Nam đang trên con đường mở cửa kinh tế và được đánh giá là nền kinh tế có tính chất mở hàng đầu thế giới. Việc kiểm soát lỏng lẻo các dòng tiền vào ra đã tạo điều kiện thuận lợi để tội phạm thực hiện hoạt động rửa tiền. Nguồn vốn FDI có thể là một kênh thuận lợi cho việc tổ chức hoạt động rửa tiền. Các tổ chức phi pháp có thể tiến hành đầu tư vào nước ta với hình thức doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài nhưng thực chất không phải để hoạt động mà nhằm hợp pháp hóa các khoản tiền bất hợp pháp.
10) Chuyển giao công nghệ:
Việc thúc đẩy chuyển giao công nghệ là chưa thực hiện được và nước ngoài họ cũng không muốn chuyển giao công nghệ cho ta. Nên khi họ rút đi là chúng ta chẳng biết làm gì. Chúng ta hoàn toàn không thể tự chủ sản xuất hoàn thiện một sản phẩm mà hiện tại chỉ là lắp ráp và gia công.
11) Chuyển giá:
Đây là một mảng rất dài và phức tạp. Các bạn có thể lên internet tìm hiểu chuyện chuyển giá. Nói nôm na là báo lỗ để cơ cấu lại doanh nghiệp để tiếp tục hưởng ưu đãi và mở rộng quy mô hay báo giá trị thấp để lách thuế hay gì gì đó dài lắm.
Trên đây là những điều cơ bản về cái giá mà nhà nước Việt Nam hiện nay mang ra đánh đổi để có được con số tăng trưởng GDP 7,08%. Và người phải trả cái giá này chính là nhân dân, đất nước và tương lai dân tộc chứ lại không phải là đảng cộng sản. Lợi ích của khối doanh nghiệp FDI mang đến cho Việt Nam cũng có nhưng không tương xứng và bù đắp được hậu quả, thiệt hại mà nó mang lại./.

No comments:

Post a Comment