RFA-2018-12-04
Thông tin về sản xuất điện thoại thông minh của Vingroup-Ảnh chụp màn hình
Tập đoàn Vingroup của tỉ phú Việt Nam Phạm Nhật Vượng đã thu hút nhiều sự quan tâm của giới truyền thông, không những các kênh chính thống của nhà nước mà còn của mạng xã hội, nhất là từ khi công ty này tuyên bố sản xuất xe hơi tại Việt Nam.
Từ một công ty chuyên sản xuất mì ăn liền ở Ukraine, Vingroup phát triển hoạt động trong nhiều lãnh vực khác nhau: sản xuất xe hơi, mở một xưởng sản xuất điện thoại di động thông minh tại Hải Phòng, rồi một trường Đại học tại Hà Nội.
Chỉ trích đầu tiên được đưa ra đối với dự án sản xuất xe hơi tên gọi là Vinfast của Vingroup là dự án này nhập động cơ đã lỗi thời từ công ty BMW của Đức.
Việt Nam mua cái dây chuyền sản xuất và lắp ráp xe BMW X5 là đời cũ chỉ đạt tiêu chuẩn môi trường của Châu Âu là Euro 5 thôi. Vậy nếu sản xuất thì không thể bán được ở châu Âu.
-Nhà báo Lê Trung Khoa.
Một người tự xưng là làm việc lâu năm trong ngành xe hơi tại Nhật Bản có nick Facebook là Tony Pham, viết trên một trang blog có nhiều thông tin về tài chính là blog Phương Thơ (được cho là của một chuyên gia ngành ngân hàng Mỹ là bà Betsy Grasek), rằng động cơ xe của Vinfast là một tập hợp những sửa chữa không đồng bộ, và việc đưa ra sản xuất chỉ một thời gian ngắn sau khi vẽ kiểu xe là một sự phiêu lưu nhiều nguy hiểm.
Nhà báo Lê Trung Khoa của tờ Thời Báo tiếng Việt tại Berlin cho biết về vụ mua bán động cơ xe của Vingroup với hãng BMW, trích dẫn nguồn từ báo chí Đức:
“Việt Nam mua cái dây chuyền sản xuất và lắp ráp xe BMW X5 là đời cũ chỉ đạt tiêu chuẩn môi trường của Châu Âu là Euro 5 thôi. Vậy nếu sản xuất thì không thể bán được ở châu Âu.”
Một chỉ trích nữa đối với Vinfast là từ một tác giả viết trên Facebook là Quang Hữu Minh, cho rằng những quảng cáo về sản phẩm của Vinfast là không minh bạch, có thể dẫn đến những khuất tất về tài chính.
Chúng tôi không liên lạc được với Vingroup để xác nhận những thông tin này.
Tuy vậy một chuyên viên kinh tế người Việt hiện sống ở Na Uy là Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ lại cho rằng việc sản xuất xe hơi của Vingroup là một việc tích cực cho nền kinh tế Việt Nam.
“Điều này tùy thuộc vào việc Vinfast muốn sản xuất cái gì. Bước đầu họ có thể nhập dây chuyền và sản xuất theo thiết kế của họ. Rồi từ từ, với bộ phận nghiên cứu của mình họ cải tiến và thay thế. Đó là một cách mà tôi nghĩ họ có thể làm được hiện nay.”
Bình luận về việc sản xuất điện thoại di động của Vingroup, ông Vũ đưa ra một trường hợp đã thành công là công ty nổi tiếng Apple, khi khởi nghiệp đã dựa trên những phát minh và sáng chế của quân đội Mỹ, các trường Đại học Mỹ.
Bình luận về loại động cơ không còn phù hợp với tiêu chuẩn Châu Âu mà Vinfast nhập về từ Đức, Tiến sĩ Vũ nói tiếp:
“Vấn đề là nếu nó không phù hợp với châu Âu, nhưng vẫn phù hợp với tiêu chuẩn môi trường Việt Nam thì vẫn tốt. Vì ta không thể đòi hỏi tiêu chuẩn môi trường Việt Nam như châu Âu được vì như vậy vô tình bóp chết doanh nghiệp Việt Nam. Do vậy, chính phủ có thể dựa vào các tiêu chuẩn môi trường để nâng đỡ các doanh nghiệp.”
Không thấy những thông tin về tiêu chuẩn môi trường của động cơ Vinfast và tiêu chuẩn Việt Nam được báo chí Việt Nam bàn tới.
Ngành sản xuất xe hơi đã được một số công ty như Toyota, Ford,… đưa vào sản xuất tại Việt Nam từ nhiều năm nay. Nhưng nhìn chung Việt Nam vẫn chưa phải là một quốc gia có ngành sản xuất xe hơi phát triển. Một trong những cản trở được các nhà kinh tế nói đến từ nhiều năm nay là Việt Nam không có một ngành công nghiệp hổ trợ để sản xuất linh kiện xe.
Ta không thể đòi hỏi tiêu chuẩn môi trường Việt Nam như châu Âu được vì như vậy vô tình bóp chết doanh nghiệp Việt Nam.
-Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ.
Trả lời câu hỏi là liệu điều này có cản trở dự án xe hơi của Vinfast hay không, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh từ Hà Nội trả lời rằng:
“Tôi nghĩ rằng cái đó cần phải có thời gian, không thể mong đợi một sớm một chiều họ có thể làm được. Nhưng với những nổ lực ban đầu của Vinfast thì tôi thấy rất đáng khích lệ, tôi hy vọng là họ sẽ vượt qua những khó khăn ban đầu để đạt những hiệu quả tích cực.”
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng đánh giá cao hướng phát triển của Vingroup, từ kinh doanh bất động sản sang đa ngành là sản xuất xe hơi, điện thoại, xây dựng bệnh viện và trường đại học.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ cho ý kiến về con đường về lâu dài mà tập đoàn Vingroup cần theo đuổi.
“Về lâu dài họ cần phải có một đội ngũ nghiên cứu để phát triển sản phẩm, đó là cái cách mà các nước đi trước đã thành công. Họ có thể mở trường đại học để phát triển đội ngũ nhân sự của họ.”
Thông tin về trường đại học do Vingroup thành lập hiện nay rất ít ỏi, ngoại trừ việc công bố khánh thành tòa nhà của trường này. Hai chuyên viên hiểu biết về ngành giáo dục Việt Nam mà chúng tôi tiếp xúc cũng không có thông tin gì.
Theo đánh giá của Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, thì nếu theo những thông tin hiện có chính thức về Vingroup là đúng, nếu họ thực sự bước vào ngành sản xuất xe hơi, điện thoại di động,… thì là điều đáng hoan nghênh vì tạo công ăn việc làm cho người dân, và thứ hai là tạo sự phát triển về chất xám và công nghệ tập trung hơn.
No comments:
Post a Comment