Tuesday, December 4, 2018

Dân Thủ Thiêm trở về dựng nhà trên nền cũ lúc nửa đêm


Nhà bà Nguyễn Thị Xuân Ngọc đang trát nền. (Hình:Tiền Phong)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Giải thích lý do dựng nhà trên nền cũ, người dân cho rằng, từ khi chính quyền đập nhà lấy đất ở Thủ Thiêm, họ sống lay lắt nay đây mai đó, giờ bệnh tật, họ làm liều.
Báo Tuổi Trẻ ngày 4 Tháng Mười Hai, 2018, dẫn lời đại diện Ủy Ban Nhân Dân Quận 2 cho biết, theo ghi nhận của quận, hiện có ba gia đình về dựng lại nhà tôn trong khu vực đất thuộc dự án Khu Đô Thị Mới Thủ Thiêm.
Trong đó, có hai gia đình ở khu phố 1, phường Bình An nằm trong ranh dự kiến khu 4.3 héc ta được Thanh Tra Chính Phủ xác định nằm ngoài ranh quy hoạch Khu Đô Thị Mới Thủ Thiêm, gia đình còn lại ở phường An Khánh. Còn ở phường Bình Khánh, người dân chỉ rào đất lại chưa xây dựng nhà.
“Hiện Quận 2 đã lập biên bản và xử lý theo đúng quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng,” vị đại diện cho biết.
Theo báo Tiền Phong, “nhà” giống như mội cái chòi, nhưng bà Nguyễn Thị Xuân Ngọc, ngụ B19/6A, đường Lương Định Của, phường An Bình, quận 2, nói: “Dựng tạm nhà để có chỗ tựa tạm cái lưng, không tốn tiền thuê trọ chú à. Họ cưỡng chế lấy đất xong không sắp xếp cho dân chỗ tạm cư. Hơn 6 năm qua tôi mang đơn đi cầu cứu khắp nơi nhưng không nơi nào giải thích thỏa đáng. Tiền không còn, bệnh tật bủa vây, tôi chỉ còn cách về đây trú tạm.”
Cũng theo bà Ngọc, vào năm 2012, nhà bà bị chính quyền cưỡng chế giải tỏa.
“Tài sản của gia đình tôi chở đi đâu giờ tôi không rõ. Họ chỉ biết phá nhà, không tạo điều kiện cho dân nơi tạm cư và đưa ra mức giá bồi thường hợp lý. Hơn sáu năm qua, tôi cùng hàng chục gia đình ở năm khu phố mang đơn đi cầu cứu khắp nơi nhưng vô vọng. Không nhà, không cửa, bệnh tật bủa vây. Tiền dành dụm dưỡng già đã hết, giờ tôi không biết đi về đâu, lúc vô vọng tôi chỉ nghĩ nơi quê cha đất tổ… và về dựng tạm mấy tấm tôn để che mưa che nắng,” bà Ngọc nói thêm.
Sợ chính quyền phát giác, bà Ngọc cùng những người giúp đỡ, cũng là những người dân Thủ Thiêm bị cưỡng chế giải tỏa, dựng nhà vào ban đêm. Tuy nhiên, việc làm rất khó khăn do đường sá bị cày xới, san lấp, xe chở vật liệu vào không được, họ phải chở vật liệu xây dựng  bằng xe máy. Từng bao cát, xi măng, miếng tôn… đều phải vận chuyển như vậy.
Hiện các tuyến đường ra vào khu nhà bà Ngọc đều có lực lượng dân phòng, cảnh sát khu vực ngồi chốt chặn. Ngoài bà Ngọc ra, hiện có một hộ khác có động thái xây dựng nhưng chính quyền can thiệp, giải thích, yêu cầu giữ nguyên hiện trạng.
Một người dân nói: “Dân Thủ Thiêm tuy khó khăn, thiếu thốn về vật chất nhưng ở khía cạnh tình làng nghĩa xóm thì chúng tôi không nghèo. Hay tin bà Ngọc dựng tạm chỗ ở thì mọi người cùng chung tay giúp đỡ cho hoàn thành. Tôn dựng nhà phần lớn là tôn cũ, do những người buôn bán ve chai cho. Còn xi măng và các vật dụng khác những người có điều kiện hơn gửi tặng.”
Sáng ngày 4 Tháng Mười Hai, nói với báo Tuổi Trẻ ngoài hành lang kỳ họp Hội Đồng Nhân Dân thành phố, về việc một số gia đình tại Khu Đô Thị Mới Thủ Thiêm quay trở lại dựng nhà, làm rào trên đất đã di dời, ông Nguyễn Thiện Nhân, bí thư Thành Ủy cho biết: “Đã làm việc phải đúng thủ tục pháp luật, nếu làm ngược sẽ phức tạp thêm.”
Theo ông Nhân, việc giải quyết vấn đề Thủ Thiêm đang được các cơ quan trung ương và thành phố  triển khai, vấn đề là thời gian. Chính quyền thành phố cam kết làm đúng luật pháp, còn cần phải có thời gian để xác định ranh đất và chính sách…
Do những chính sách này từ trước tới nay chưa từng được đưa ra nên sau khi xây dựng phải tham khảo ý kiến các bộ ngành và trình Hội Đồng Nhân Dân để thông qua mới áp dụng được.
“Quan điểm là giải quyết đúng pháp luật còn hơn làm vội vàng không phù hợp, phải sửa chữa nữa sẽ rắc rối. Giải quyết là để tăng niềm tin, chứ không giải quyết làm mất niềm tin thêm. Người dân cần bình tĩnh không để chính mình phải khổ thêm,” ông Nhân nói thêm. (Tr.N)

No comments:

Post a Comment