Monday, December 10, 2018

Việt Nam ‘dở ông dở thằng’ trong bảng xếp hạng thịnh vượng 2018

Theo RFA-Nguyễn Hùng/07/12/2018 
Thứ hạng của Việt Nam năm nay là 81, tăng một bậc so với năm 2017. (Hình: Screenshot từ www.prosperity.com/globe/vietnam)
Thứ hạng của Việt Nam năm nay là 81, tăng một bậc so với năm 2017. (Hình: Screenshot từ www.prosperity.com/globe/vietnam)
Mặc dù đứng trên Trung Quốc một bậc trong bảng xếp hạng thịnh vượng Legatum của Anh, Việt Nam không có bước tiến đáng kể nào, nhất là trong lĩnh vực tự do cá nhân.
Thứ hạng của Việt Nam năm nay là 81, tăng một bậc so với năm 2017.
Chỉ số Thịnh vượng Legatum xếp hạng 148 quốc gia cộng thêm Đặc khu Hành chính Hong Kong, vốn xếp thứ 22, trên Trung Quốc tới 60 bậc. Nếu chỉ xét về mức độ tự do cá nhân, Hong Kong thậm chí hơn Trung Quốc những 82 bậc khi xếp thứ 51.
Trung Quốc cũng không chỉ xếp dưới Việt Nam một bậc về thứ hạng chung mà còn kém khá nhiều về tự do cá nhân khi đứng thứ 133 so với thứ hạng 117 của Việt Nam. Hà Nội cũng được cho là quản trị quốc gia tốt hơn Bắc Kinh với thứ hạng tương ứng của hai chính phủ là 90 và 118.
Về độ gắn kết xã hội, chỉ số đo sức mạnh của các mối quan hệ trong xã hội và sự tham gia của các tổ chức dân sự vào các hoạt động xã hội, Việt Nam xếp thứ 89 so với 132 của Trung Quốc. Ngay cả về môi trường, nước cộng sản đàn em xếp thứ 91 so với 119 của ông láng giềng.
Nhưng Trung Quốc hơn Việt Nam về chất lượng của nền kinh tế (xếp thứ 27 so với 47), độ mở của môi trường kinh doanh (43 - 74), giáo dục (44 - 51), y tế (54 – 79) và an toàn cá nhân cũng như an ninh quốc gia (50 – 58).
Điểm yếu kém nhất của Việt Nam là tự do cá nhân. Với thứ hạng 117, Việt Nam xếp sau một loạt các nước như Campuchia (77), Mông Cổ (84), Sri Lanka (107) và Indonesia (115).
Nhưng Việt Nam cũng đứng trên Lào (có thứ hạng 121), Malaysia (124) và Thái Lan (125).
Với một quốc gia luôn tự sướng với những “độc lập – tự do – hạnh phúc”, việc nằm ngoài 100 nước đứng đầu thế giới về tự do cá nhân là điều đáng hổ thẹn. Chỉ có điều có lẽ đó không phải là điều đáng ngạc nhiên vì dây thần kinh xấu hổ của nhiều quan chức đã đứt từ lâu rồi. Hay như có vị công an cấp tá ở thành phố Hồ Chí Minh đã nói cách đây nhiều năm “tự do cái con c**”.
Các vị lãnh đạo cấp cao không nói bậy như thế ở chốn công khai nhưng họ làm bậy. Tất cả những ai muốn tự do họ cho vé máy bay một chiều tới các nước khác. Mới đây nhất là blogger Mẹ Nấm, trước đó là luật sư Nguyễn Văn Đài, luật sư Cù Huy Hà Vũ, blogger Điếu Cày, blogger Tạ Phong Tần và những người khác nữa.
Về mặt trị quốc, Hà Nội đứng thứ 90/149, một thứ hạng không có gì đáng coi là “đất nước đã bao giờ được như thế này chưa”. Các quan chức vẫn hành xử như các ông vua con trong khi mấy ông bà trong bộ chính trị có lẽ coi các dân biểu chỉ như “lợn con”. Cánh báo chí, vốn là tấm gương phản chiếu xã hội, cũng lại chỉ nghe lệnh để phản ánh những gì được phép.
Một thứ hạng yếu kém khác của Việt Nam là môi trường khi đứng thứ 91 so với vị trí thứ 2 của nước Anh nơi tôi đang sống. Chính phủ Anh đang chịu sức ép phải cấm cho phép bán xe chạy xăng mới từ năm 2030. Hiện giờ các xe gây ô nhiễm môi trường nhất mỗi năm phải trả chừng 500 bảng thuế đường trong khi xe ít gây ô nhiễm có thể được miễn phí hay chỉ phải trả vài chục bảng.
Một lĩnh vực khác mà thứ hạng của Việt Nam không đi đến đâu là độ mở của môi trường kinh doanh. Việt Nam đứng thứ 74 so với vị trí thứ 4 của nước Anh. Tôi đã từng lập công ty trong năm ngoái và mọi việc đều có thể làm qua mạng với phí vài chục bảng. Tôi lười nên dùng một công ty trung gian, cũng hoàn toàn qua mạng, và chỉ hai ngày sau đã có giấy chứng nhận thành lập công ty. Chi phí tổng cộng hết hơn 100 bảng kể cả chi phí cho công ty trung gian. Đây là ví dụ cho thấy thủ tục hành chính không phải lấy hành làm chính.
Dĩ nhiên so Anh với Việt Nam cũng như bì phấn với vôi. Nhưng chẳng có gì là không thể cả. Việt Nam từng tự hào “đánh thắng” Mỹ. Vừa rồi đá bóng thắng liên tục mấy trận liền. Chỉ cần bỏ thói công an đá người, cô giáo tát học sinh và bộ chính trị đấm, đá, tát tất cả các định chế là lại thắng Anh thôi.

No comments:

Post a Comment