HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Trong bối cảnh tuyến tàu Cát Linh-Hà Đông đến nay hiện vẫn chưa rõ thời điểm nào mới đưa vào vận hành, báo VietNamNet hôm 9 Tháng Mười Hai cho hay, giới chức Hà Nội lại đang bàn tiếp tuyến tàu điện ngầm đoạn Ga Hà Nội-Hoàng Mai, với chi phí đầu tư gần $200 triệu cho mỗi km.
Tuyến này dài 8.7 km, đi ngầm qua bảy ga, với tổng mức đầu tư của dự án lên tới 38,656 tỉ đồng (hơn $1.5 tỉ) do Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư. Dự án dự trù tiến hành từ năm 2018 và đưa vào khai thác thương mại năm 2026. Tuy nhiên, nhìn vào tiến độ các công trình vận tải công cộng tại Hà Nội và Sài Gòn thì có thể thấy trước rằng những con số này chỉ có giá trị trên giấy.
VietNamNet tường thuật: “Việc lựa chọn hướng tuyến hợp lý, tích hợp đa chức năng không gian ngầm đô thị cho thấy khả năng thu hút vốn đầu tư mạnh mẽ từ xã hội cho công trình. Hy vọng với cách vận hành tài tình của nhà quản lý thành phố, tuyến tuyến tàu điện ngầm không những thu hồi đủ vốn đầu tư mà còn dư ra tiền bạc để đầu tư phát triển các tuyến đường sắt đô thị khác cho Hà Nội.”
Việc giới chức Hà Nội công bố chi phí đầu tư gần $200 triệu cho mỗi km tuyến tàu điện ngầm làm dấy lên tranh cãi trên mạng xã hội. Nhìn vào thực trạng các dự án đường sắt đang được triển khai ở Hà Nội, có thể thấy các công trình giao thông là cái máy ngốn tiền ngân sách khi tất cả các dự án đều chung kết cục đội vốn gấp đôi, gấp ba sau vài năm.
Cũng có suy đoán rằng các dự án BOT (đổi đất lấy hạ tầng) tại Việt Nam thường dùng chiêu thức khai khống suất đầu tư càng cao thì càng được đổi nhiều đất. Tương tự như trong các dự án BOT, tổng mức đầu tư càng cao thì chủ đầu tư ấn định số năm thu phí càng kéo dài. Do vậy mà hồi Tháng Năm, 2017, khi Thanh Tra Chính Phủ vào cuộc, dư luận ngỡ ngàng trước tin có đến 13 dự án BOT phải giảm tổng cộng 100 năm thu phí.
Trong một diễn biến khác, báo VNEconomy hôm 8 Tháng Mười Hai viết: “Hiện tại khối lượng xây lắp hoàn thành dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đạt khoảng 96%. Tuy nhiên, Bộ Giao Thông–Vận Tải cho biết, công tác nghiệm thu, thành toán, vận hành thử còn nhiều khó khăn, vướng mắc và có nguy cơ bị bàn giao chậm. Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là $552.86 triệu, sau đó tăng lên $868 triệu. Trong đó, vốn vay ODA của Trung Quốc là $669.62 triệu và vốn đối ứng là $198.43 triệu. Dự án khởi công từ Tháng Mười, 2011 với kế hoạch đưa vào khai thác thương mại trong quý 1 năm 2018. Tuy nhiên, kế hoạch trên bị ‘chậm lụt’ tiến độ thì phải đến cuối năm 2018, đầu năm 2019, công trình này mới có khả năng đưa vào khai thác thương mại.” (T.K.)
No comments:
Post a Comment