Từ sau Đại Hội 12, khi phát động chiến dịch “chống tham nhũng” với khẩu lệnh “việc cần làm ngay” vào Tháng Sáu, năm 2016 và đặc biệt từ sau vụ chỉ đạo bắt Ủy Viên Bộ Chính Trị Đinh La Thăng vào Tháng Mười Hai, năm 2017, dù đằng sau cái tên Nguyễn Phú Trọng đã dần mất đi biệt danh “lú” nhưng cách nói năng của ông ta vẫn hầu như giữ nguyên phong cách chân phương dân dã. Nó bao gồm cả lối nói vo, mà đã tạo nên một vệt logic nếu muốn phân tích và dự báo về chuỗi hành động chính trị tiếp nối của nhân vật này.
Từ quá khứ đến hiện tại
Đã có một sự thay đổi đáng chú ý, nếu không muốn nói là thay đổi lớn, trong phát ngôn về “chống tham nhũng” của Nguyễn Phú Trọng trong thời gian cuối năm 2018, đặc biệt sau cái chết bất ngờ và đầy nghi vấn của Trần Đại Quang vào Tháng Chín, năm 2018, có thể được xem là mốc khởi xướng “giai đoạn 3 đốt lò” của “Tổng chủ” Nguyễn Phú Trọng.
“Thực tế những vụ vừa qua ai cãi được không và tại sao được dân đồng tình như thế. Đây là bài học rút ra để làm tiếp. Các cử tri cứ yên tâm không bao giờ chùn lại, chùng xuống hay mệt mỏi. Ai nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm” – đại biểu Quốc Hội Nguyễn Phú Trọng “báo bài” trong một cuộc tiếp xúc cử tri tại hai quận Tây Hồ và Ba Đình thành phố Hà Nội vào ngày 24 Tháng Mười Một, 2018.
Một lần nữa trong khá nhiều lần, ông Trọng “lên gân” về tương lai công cuộc “đốt lò” của ông ta.
Nhưng đã hoàn toàn biến mất hai khái niệm “chống tham nhũng cần phải nhân văn” và “mở đường cho người ta tiến” trong phát ngôn trên của Nguyễn Phú Trọng, nếu so sánh với những phát ngôn về cùng chủ đề của chính ông ta trước đó.
“Ai đã trót nhúng chàm thì sớm tự giác gột rửa” và “mở đường cho người ta tiến” là những phát ngôn đượm nét xuôi xị của Tổng Bí Thư Trọng trong một cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội sau Hội Nghị Trung Ương 7 vào Tháng Năm, 2018, cho dù ông Trọng vẫn không quên dùng bổ túc từ “lò đã nóng rực.”
Tại Hội Nghị Trung Ương 7 đã không có bất kỳ xử lý một quan chức nào, thậm chí kết quả này còn tệ hơn cả Hội Nghị Trung Ương 6 vào Tháng Mười, năm 2017, khi hội nghị này còn kỷ luật và loại khỏi Ban Chấp Hành Trung Ương, nhân vật bí thư của Đà Nẵng là Nguyễn Xuân Anh.
“Mở đường cho người ta tiến” là một cách nói của ông Trọng vào năm 2017, trước thời điểm khởi tố bắt giam Đinh La Thăng. Khi đó, ông Trọng còn đang vướng vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” và không biết do chủ ý hay bởi lực bất tòng tâm, ông ta đã không xử lý cựu ủy viên trung ương, cựu bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng – tác giả của 2/3 trong số 12 dự án đầu tư ngàn tỷ đồng bị đắp chiếu gây lãng phí tại Bộ Công Thương, mà chỉ có thể thốt lên “bị kỷ luật như thế đã đủ đau chưa!” – như một cách nói đượm tâm thế bất lực của “bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo.”
“Nhân văn” cũng là một từ được “Người đốt lò vĩ đại” – một tụng danh mà Đài Tiếng Nói Việt Nam của Ủy Viên Trung Ương Đảng Nguyễn Thế Kỷ đặc cách dành để tôn cao Nguyễn Phú Trọng – lặp lại một cách đầy chủ ý kể từ lúc được phát ra lần đầu tiên vào trước Tết Nguyên Đán năm 2018. Đó là lần đầu tiên ông Trọng dùng đến khái niệm “chống tham nhũng cần nhân văn” – một biểu hiện cho thấy ông ta thỏa mãn quá sớm với bản thành tích chống tham nhũng còn quá ít ỏi của mình, trong khi tương lai trở thành “bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo” và “lưu danh sử xanh” của ông ta còn xa mới đạt tới.
Sau khi xuất hiện “chủ nghĩa nhân văn Nguyễn Phú Trọng,” đã có một luồng dư luận cho rằng thực ra ông Trọng là người thiếu kiên quyết trong chống tham nhũng và phần đa chỉ là giơ cao đánh khẽ, chủ đích nhằm răn đe để giữ đảng, thu hồi tài sản tham nhũng và lấy tiếng “sĩ phu Bắc Hà” hay “minh quân” cho cá nhân mình.
Những bằng chứng rõ nhất cho dư luận trên là cho tới nay và bất chấp quá nhiều bức xúc của cán bộ lãnh thành và nhiều cử tri Hà Nội, vụ biệt phủ của Phạm Sỹ Quý – em ruột bí thư Tỉnh Ủy Yên Bái Phạm Thanh Trà và vào năm 2017 còn là giám đốc Sở Tài Nguyên Môi Trường Yên Bái – vẫn chưa hề được xử lý rốt ráo. Không những không bị “thu hồi tài sản tham nhũng” như một chủ trương lớn của chính ông Trọng, Phạm Sỹ Quý còn được điều chuyển công tác trong cùng tỉnh về một chỗ đảm bảo “an toàn” và quả thực đã an toàn từ đó đến giờ mà không còn bị báo chí nắm tóc dựng dậy.
Từ sau Hội Nghị Trung Ương 6 vào Tháng Mười, năm 2017 và cho đến tận bây giờ, nhiều dư luận xã hội đã đặt một dấu hỏi lớn về liệu đã có một “thỏa thuận ngầm” nào đó giữa người đứng đầu đảng cầm quyền với một thế lực chính trị và nhóm lợi ích nào đó, để những vụ tày trời như Võ Kim Cự – cựu bí thư Hà Tĩnh và bị xem là một trong những thủ phạm gây ra nạn xả thải của nhà máy Formosa làm ô nhiểm biển 4 tỉnh miền Trung, Nguyễn Thị Kim Tiến – đương kim bộ trưởng Bộ Y Tế và là nhân vật phải chịu trách nhiệm về vụ công ty Pharma nhập thuốc ung thư giả gây phẫn uất trong dư luận, biệt phủ gây phẫn nộ dư luận của Phạm Sỹ Quý… được cho “chìm xuồng”…
Thậm chí Võ Kim Cự còn đang ung dung sang Canada xin định cư như một cách tránh thoát số phận tội đồ của y và đòn trả thù của nhân dân.
Rất tương đồng với những kẻ trên, Trương Minh Tuấn – Bộ trưởng Thông Tin Truyền Thông với dấu hiệu cố ý làm trái và tham nhũng trong vụ AVG – đã được ông Trọng “ẵm” từ chỗ chắc chắn phải tra tay vào còng như Phạm Đình Trọng, Lê Nam Trà… sang cái ghế phó trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương để ông Tuấn có điều kiện tiếp tục lên lớp báo giới về “đạo đức cách mạng sáng ngời”…
Đến giờ, ông Trọng đã khiến cho một bộ phận không nhỏ cán bộ lão thành, công chức và người dân vốn còn nặng tâm lý “theo đảng, tin đảng” một lần nữa vỡ tim vì thất vọng: ông ta chỉ thích đốt “củi rừng” mà không hề muốn chạm đến “củi nhà.”
Cuộc chiến được xem là “chống tham nhũng” của Nguyễn Phú Trọng cũng bởi thế đậm chất thiên vị và một chiều chứ không thể khách quan và công bằng.
Lối trấn an “phòng chống tham nhũng không bao giờ chùn lại” của ông Trọng cũng bởi thế chỉ mang sắc màu “chống tham nhũng một bên.”
Sài Gòn sẽ không còn “nhân văn” và “mở đường cho người ta tiến”?
Logic “chống tham nhũng một bên” và “chỉ đốt củi rừng” đang tiếp tục cái mạch xuyên suốt của nó và phát tiển vào thời “Hậu Quang.”
Ngay sau Đại Hội 12, đã xuất hiện một giả thiết về tương lai lục đục chính trị giữa tân Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang và người đang có ý đồ “nhất thể hóa” là Nguyễn Phú Trọng. Đến năm 2017, đà “chống tham nhũng,” mà chủ yếu là thế tiến công vào “cánh Ba X,” của ông Trọng bị khựng lại với một trong những nguyên do mang tính giả thiết là “lực cản Trần Đại Quang.” Khi đó, đã xuất hiện những thông tin không chính thức về một mối quan hệ gần gũi nào đó giữa Trần Đại Quang và Nguyễn Tấn Dũng. Rồi đến khi nổ ra vụ Vũ “Nhôm” – kẻ được đồn đoán mang họ tên Trần Đại Vũ mà chẳng thấy Bộ Công An cải chính, những giả thiết trên xem ra đã có tính thực tế chứ không đến nỗi hoang đường.
Còn giờ đây, “lực cản” – nếu có thể gọi như thế, đã cùng với Trần Đại Quang ra đi mãi mãi. Chính trường Việt Nam cũng đã biến mất thế lực đối trọng đáng kể cuối cùng trong cuộc chơi với Nguyễn Phú Trọng.
Sau hai chiến dịch “thay máu” Đà Nẵng và Bộ Công An, từ quý hai năm 2018 đến nay đã xuất hiện ngày càng nhiều những dấu hiệu và biểu hiện cho thấy ông Trọng chọn Sài Gòn như một mục tiêu tiến công tiếp theo – mục tiêu chiến lược nằm trên sơ đồ tổng thể Nam Bộ, đặc biệt là khu vực các tỉnh thành ở miền Tây Nam Bộ, nơi mà “người Bắc có lý luận” như ông Trọng muốn “trấn Nam.”
Bàn cờ giai đoạn 3 của “đốt lò” cũng bởi thế nhiều khả năng sẽ tập trung vào Sài Gòn và một số tỉnh thành miền Tây Nam Bộ, và giai đoạn này có thể sâu hiểm nhất, sắt máu nhất, kể cả tàn nhẫn nhất kể từ đầu chiến dịch “đốt lò.” Nhiều quan chức Nam Bộ sẽ chính thức vào “lò” và làm “bạn chăn kiến” với Đinh La Thăng.
Không biết vô tình hay hữu ý, chỉ sau khi Trần Đại Quang chết, cựu Phó Chủ Tịch Sài Gòn Nguyễn Hữu Tín mới chính thức bị bắt giam, dù ông ta đã bị khởi tố bị can vào Tháng Chín, năm 2018.
Nguyễn Hữu Tín không chỉ liên đới mật thiết đến các phi vụ cấp “đất vàng” cho Vũ “Nhôm ở Sài Gòn, mà Tín còn được xem là một “đệ ruột” của “bố già” Lê Thanh Hải – cựu ủy viên Bộ Chính Trị – cựu bí thư Thành Ủy với triều đại của ông Hải đã thống trị Sài Gòn suốt 15 năm.
Cùng lúc, một “đệ ruột” khác của Lê Thanh Hải là Tất Thành Cang – Phó bí thư thường trực Thành Ủy và là con bài đắt giá nhất mà Lê Thanh Hải đã “cài” lại sau khi phải rời bỏ chức vụ vào đầu năm 2016, đang phải chịu nguy cơ không chỉ mất chức vì những sai phạm trong vụ “ăn đất” Nhà Bè và Thủ Thiêm, mà còn có thể vào nhà đá.
Chiến dịch “Bình Nam” của Nguyễn Phú Trọng đã chính thức bắt đầu ở Sài Gòn. Lê Thanh Hải – được xem là nằm trong “phe cánh chính trị Ba X” – đương nhiên là tiêu điểm. Hàng loạt người nhà của Lê Thanh Hải – vợ, con, em trai – đã bị mang ra “đấu tố”…
Vào lần này, hình như sẽ không có “nhân văn” và “mở đường cho người ta tiến.” Có lẽ Nguyễn Phú Trọng, với đà này, sẽ xử gọn, nhanh và mạnh nhóm quan chức Nam Bộ tham nhũng ngập mặt.
Trong khi đó, những Võ Kim Cự, Nguyễn Thị Kim Tiến, Phạm Sỹ Quý, Trương Minh Tuấn và cả bộ Trưởng Giáo Dục Đào Tạo đương nhiệm là Phùng Ngọc Nhạ ở miền Bắc vẫn “ung dung tự tại.” (Phạm Chí Dũng)
No comments:
Post a Comment