Diễm Thi, RFA-2018-12-20
Người dân phải mang khẩu trang khi tham gia giao thông để hạn chế khói bụi.AFP
Lại phí chồng phí
Bộ Tài chính lại có văn bản gửi tới 6 Bộ: Xây dựng, Công Thương, Giao thông Vận tải, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường thúc giục xây dựng đề án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải. Trong khi đó thì đến ngày 1 tháng 1 tới đây phí bảo vệ môi trường đối với xăng tăng kịch trần lên 4 ngàn đồng một lít. Mức phí này từng bị phản đối mạnh mẽ nhưng Quốc Hội vẫn thông qua.
Giới chuyên gia cho rằng việc thu thêm phí bảo vệ môi trường đối với khí thải cần phải cân nhắc thật kỹ bởi thu như vậy là phí chồng phí, vì khi sử dụng xăng dầu, người dân đã đóng thuế bảo vệ môi trường để xử lý khí thải đó.
Báo trong nước trích lời ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội rằng chủ phương tiện giao thông đã phải đóng 4.000 đồng tiền thuế bảo vệ môi trường cho mỗi lít xăng từ 1/1/2019 khi mua xăng sử dụng. Vậy việc phụ thu khí thải ô nhiễm môi trường với phương tiện giao thông là không đúng, có hiện tượng phí chồng phí. Còn theo ông Nguyễn Văn Chánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM thì “khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp ngày càng yếu. Nay có quy định thu phí bảo vệ môi trường trên khí thải chắc doanh nghiệp càng thêm khó khăn chồng chất”.
Hồi tháng 10 vừa qua, khi Sở Giao thông Vận tải TP HCM đề xuất UBND TP xem xét xây dựng đề án kiểm soát khí thải đối với môtô, xe máy trên địa bàn trước thực trạng ô nhiễm môi trường do các loại xe này gây ra ngày càng gia tăng, Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), từng đưa ra nhận định với RFA rằng đã thu thuế bảo vệ môi trường vào xăng dầu, bây giờ lại thêm một loại phí nữa thì quả thật là gánh nặng cho người dân. Nhà nước cần phải xem xét hết sức thận trọng khi đặt ra thêm một loại thuế nào đó.
Cần phải cân nhắc
Bây giờ, khi Bộ Tài chính chính thức gửi văn bản tới 6 Bộ thúc giục xây dựng phương án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải dù chưa xác định cụ thể đối tượng thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải. Tại nhiều nước khác, việc thu phí khí thải được chia theo các nguồn thải lưu động như ôtô, xe máy và các nhà máy, cơ sở sản xuất, dịch vụ…
Nguyên Bộ trưởng Bộ tài nguyên - Môi trường Đặng Hùng Võ nói lên quan điểm của ông về vấn đề này:
“Tôi nói quan điểm riêng của tôi thì đây là một chuyện cần cân nhắc kỹ lưỡng là bởi vì muốn hay không thì việc đánh thuế vào những hàng hóa mà gây ô nhiễm môi trường thì cũng là một xu hướng đúng, nhưng cũng phải tính đến việc nó tăng chi phí cho quá trình thực hiện sản xuất nông nghiệp cũng như các dịch vụ phụ trợ. Theo tôi thì cũng chỉ nên thu tới một mức nhất định chứ cũng không nên theo tư duy đó mà tăng lên mức quá cao bởi nó sẽ ảnh hưởng tới phát triển kinh tế”.
Một chủ doanh nghiệp phân phối sản phẩm tiêu dùng trong nước bày tỏ với RFA rằng chi phí vận chuyển trong nước hiện đã rất cao. Nếu thêm phí môi trường lên xăng dầu, rồi phí cho khí thải nữa sẽ ảnh hưởng rất lớn đến xã hội và người tiêu dùng là thiệt thòi nhất, trước hết là họ không còn nhận được những món quà khuyến mãi, giảm giá bởi doanh nghiệp phải tìm mọi cách giảm chi phí:
“Khi chi phí vận chuyển tăng, vì sự sống còn thì doanh nghiệp phải tăng chi phí đầu này đầu kia. Nếu không còn chỗ nào để giảm chi phí thì cuộc phải tăng giá thành sản phẩm, và người tiêu dùng là người chịu. Bao giờ cũng vậy.
Nếu Bộ Tài Chánh áp thêm phí khí thải vô thì nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội, bởi chi phí vận chuyển ở Việt Nam rất lớn, hàng hóa sẽ rất đắt.”
Sử dụng thuế môi trường như thế nào?
Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) vào cuối tháng 11/2017 đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia có tình trạng ô nhiễm không khí hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Việc ô nhiễm không khí có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc xe gắn máy, xe hơi gia tăng quá nhanh trong những năm qua. Vì thế theo một số chuyên gia thì chuyện thu phí bảo vệ môi trường là điều nên làm nhưng cần xem xét thời điểm phù hợp. Hơn nữa việc sử dụng dòng thuế này như thế nào cho minh bạch, hợp lý cũng là điều được các chuyên gia đề cập đến.
Theo tính toán của Bộ Tài chánh, khi thuế bảo vệ môi trường đối với xăng được tăng kịch khung lên 4.000 đồng/lít, các mặt hàng dầu tăng kịch khung lên mức 2.000 đồng/lít, số thu từ dòng thuế này sẽ vào khoảng trên 55.000 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 14.368 tỷ đồng/năm.
Căn cứ theo điều 148 Luật bảo vệ môi trường 2014 thì phí bảo vệ môi trường là khoản phí mà tổ chức, cá nhân phải trả do hoạt động của họ hoặc sản phẩm họ dùng có ảnh hưởng bất lợi cho môi trường, làm phát sinh tác động xấu đối với môi trường. Nhà nước sẽ dùng khoản phí này vào việc bảo vệ, cải thiện môi trường. Tiến sĩ Phạm Chi Lan từng trao đổi với RFA về vấn đề này:
“Nếu chưa chứng minh được là sử dụng tốt thuế môi trường thì không có lý do gì mà thu thêm của người dân, bởi vì thu thêm mà vẫn như vậy thì không ai sẵn sàng đóng thuế cả.”
Theo Bộ Tài chính giải trình với báo chí trong nước thì các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật được tổng hợp đầy đủ vào cân đối ngân sách nhà nước theo nguyên tắc không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể. Do đó khoản thu từ thuế bảo vệ môi trường không phải là khoản thu mang tính đối giá và hoàn trả trực tiếp, không quy định sử dụng cho nhiệm vụ chi cụ thể nào mà để chi theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và được Quốc hội phê duyệt hàng năm.
Nhiều ý kiến thắc mắc không rõ tiền thuế từ trước đến nay thu đối với mặt hàng xăng dầu để bảo vệ môi trường có được sử dụng đúng mục đích hay không. Trong khi đó một thực tế mà người dân phải đối diện hằng ngày là môi trường mỗi lúc một ô nhiễm hơn.
No comments:
Post a Comment