SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Khoảng 7 giờ 30 phút sáng 20 Tháng Mười Hai, các hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy Vườn rau Lộc Hưng ở quận Tân Bình, Sài Gòn, đã bị hàng chục công an và các lực lượng công quyền kéo đến bố ráp, cô lập khu vực này. Có tin công an trang bị dùi cui và súng, tạo nên cảnh tượng huyên náo tại hiện trường.
Vườn rau Lộc Hưng được hiểu là nơi khai hoang mở đất của hàng trăm gia đình Công Giáo người Bắc 1954 và người theo đạo Phật đã đến khu đất Lộc Hưng gầy dựng cuộc sống như những nông dân.
Sau hàng thập kỷ, hiện tại, đây là nơi sinh sống của hơn một trăm hộ dân. Trong bối cảnh giá nhà đất mỗi năm mỗi tăng chóng mặt, Vườn rau Lộc Hưng với diện tích 50,000 mét vuông, tiếp giáp quận 3, quân 10, quận Phú Nhuận và quận Bình Tân, cũng được coi là “khu đất vàng” trong lòng thành phố Sài Gòn.
Còn với một số nhà hoạt động từ các địa phương khác phải tìm đến đây lánh nạn do họ bị sách nhiễu ở quê nhà, đây còn là điểm tương đối an toàn vì họ nhận được sự bảo bọc, che chở của người dân địa phương.
Nguồn tin của nhật báo Người Việt cho biết, trong hôm 20 Tháng Mười Hai, Công An phường 6, quận Tân Bình đến yêu cầu các hộ dân “không được xây dựng, không được sử dụng canh tác trên mảnh đất của mình và thực hiện theo lệnh phong tỏa khu vực nơi buộc phải di dời.”
Sau một hồi đôi co, các hộ dân đóng cửa, tình trạng cự cãi diễn ra căng thẳng giữa các bên.
Blogger, nhà báo tự do Phạm Đoan Trang, tường thuật trên trang cá nhân: “Khu vực này vốn dĩ là mảnh đất vàng nằm giữa một quận trung tâm, nên đã bị chính quyền để mắt thèm khát từ lâu. Riêng trong năm 2018, không dưới chục lần công an đổ quân vào cưỡng chế, rồi… vật nhau với người dân, rồi quay phim, cứ thế cướp quay dân, dân quay cướp mà nỗ lực cướp chưa thành.”
“Gần đây, sau ít nhất ba lần thương lượng mà người dân vẫn không chấp nhận mức đền bù do chính quyền đưa ra (quá rẻ mạt đối với một mảnh đất ở trung tâm), phía công an tuyên bố thẳng là sẽ san bằng khu vực này trước ngày 31 Tháng Mười Hai, 2018. Bên cạnh đó, công an cũng đã kịp gửi giấy triệu tập (với cáo buộc tội “Chống người thi hành công vụ”) đến một số người dân từng quay phim, chụp ảnh đoàn cưỡng chế,” bà Đoan Trang viết.
Nhà báo tự do Đoan Trang, tác giả cuốn “Chính Trị Bình Dân,” một trong ba người vừa được trao Giải Nhân Quyền Việt Nam, nhận định thêm: “Tấn công xóm đạo ngay trong mùa Giáng Sinh là một thủ đoạn tác nghiệp quen thuộc của công an Việt Nam. Ngoài ra, bắt bỏ tù những người chống đối cũng là việc công an thường xuyên làm mỗi lần được huy động đi cướp đất. Đã thành một thực tế, là cưỡng chế đất của dân luôn đi kèm với bỏ tù dân. Vụ cưỡng chế đất nào cũng có người bị bắt tù.” (T.K.)
No comments:
Post a Comment