Saturday, December 15, 2018

Kẻ chịu đựng giỏi là kẻ chiến thắng?

“…Cộng sản luôn có một phương châm rất thường được sử dụng là “vừa đàm vừa đánh”. Đó chính là điều mà Mỹ đang áp dụng ngược lại với chính Trung Quốc (gậy ông đập lưng ông), nếu không, đã chẳng có vụ bắt giữ Phó chủ tịch tài chính của Huawei…”
soi_trang
Cái cao tay của Hoa Kỳ chính là đã kéo Canada vào cuộc đấu với Trung cộng trong trận chiến với kẻ gian thương lưu manh bậc nhất thế giới này. Nếu chỉ đơn giản là để đấu tay đôi với Trung Quốc, hẳn là Mỹ đã chẳng khó khăn gì việc bắt giữ những gián điệp, tình báo (đã và vẫn đang làm) dưới mác các nhà khoa học hoặc doanh nhân ngay tại trong lòng nước Mỹ. Canada cũng đã phải lựa chọn việc đàm phán song phương và được coi là đã dàn xếp ổn thoả với Mỹ về các khoản thuế quan sau khi liên kinh châu Âu trở thành một cộng đồng đã đạt được các kết quả tốt về chính vấn đề giao thương kinh tế do Nội các của Trump phát động từ trước đó.
Sau Canada, sẽ là tới các nước châu Á (như Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc), tuy rằng không thông qua các biện pháp bắt bớ kiểu đang được áp dụng, mà sẽ là các biện pháp kinh tế (thương mại) như tuyên bố một số mặt hàng công nghệ hoặc nông phẩm không đạt tiêu chuẩn hoặc có nghi ngờ về phẩm chất (nguy hại và đầy rủi ro). Tiếp đó sẽ là các hành động để tạo ra các hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn các sản phẩm đến từ Trung Quốc. Các hiệp định song phương hoặc đa phương sẽ sớm kết thúc hoặc phải được đặt lên bàn nghị sự để thương thảo lại với các điều kiện nghiêm ngặt và chặt chẽ hơn về các điều khoản. Căng thẳng trên Biển Đông sẽ tạm được lắng lại, mặc dù các bên sẽ vẫn tiến hành âm thầm các biện pháp (hoạt động) quân sự và phòng thủ.
Việc chạy đua vũ trang chỉ là giải pháp để tăng chi ngân sách, trong khi biện pháp chính là làm sụp đổ nền kinh tế của Trung Quốc, vì một khi không có đủ ngân sách thì các biện pháp hoặc chính sách (đầu tư) quân sự sẽ bị đình trệ, trì hoãn hoặc buộc phải ngưng lại. Trong suốt thời gian qua, khối nợ trái phiếu mà Chính phủ Trung Quốc nắm giữ với Mỹ chẳng có tác dụng gì, thậm chí nó còn làm cho chủ nợ thấy bất an hơn nữa khi ngân khố tích trữ ngoại tệ (đang ngày cảng giảm nhanh chóng) trở nên mất cân đối. Việc bán trái phiếu cũng không giải quyết được các đòi hỏi hay điều kiện hoặc trước các đòn đánh của Hoa Kỳ về mặt thương mại giữa hai nước. Trái phiếu Mỹ, Trung Quốc có rao bán thì cũng không ai mua hoặc mua thì phải với một cái giá “rất rẻ mạt”, vì rằng nó không phải là hàng hoá có thể đưa ra giao dịch được lúc này hoặc ít nhất là cho đến khi cuộc chiến kết thúc và ngã ngũ. Trung Quốc sẽ găm giữ quyết liệt số trái phiếu này và thậm chí còn tăng việc thu vét ngoại tệ là đồng USD. Đồng Nhân dân tệ sẽ được điều chỉnh giảm xuống và điều này dẫn tới việc ngưng trệ sản xuất trong nước do giá cả và các chi phí tăng cao, tức mức lạm phát sẽ đội lên làm cho chi phí sản xuất tăng thêm, khiến doanh nghiệp khó khăn sẽ càng trở nên khó khăn hơn. Đến một thời điểm nào đó, đủ lâu về mặt thời gian mà không có biện pháp gì tích cực từ chính phủ để cầm cự, các doanh nghiệp sẽ lâm vào tình cảnh phá sản hàng loạt (trên diện rộng). Các doanh nghiệp, dưới bàn tay điều hành của Đảng cộng sản Trung Quốc, vốn như một con tin trong nền kinh tế, sẽ phải hy sinh đến đồng bạc cuối cùng (cùng tinh thần dân tộc chủ nghĩa với màu sắc cộng sản) để giúp chính phủ chống chọi lại cuộc chiến mà họ vừa là thủ phạm lại vừa là nạn nhân.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc mất tới khoảng 20% giá trị vốn hoá chỉ trong vòng một thời gian rất ngắn ngủi. Là nền kinh tế bị quốc tế đặt vào danh sách bị mất giá mạnh nhất trên thế giới kể từ trước cho tới nay. Hàng ngàn tỷ USD bị thổi bay chỉ trong chưa đầy một năm phải đối mặt với các đòn trả đũa của Hoa Kỳ. Và giờ là một số các quốc gia khác đang cùng đứng lên để chiến đấu với đồng minh Mỹ trong cuộc chiến không khoan nhượng.
Nỗi lo Trung Quốc bá quyền là có thật, không phải vì con số Tổng thu nhập quốc gia xấp xỉ với Mỹ sẽ soán mất ngôi vị cường quốc số một thế giới (thứ đó chỉ là hư danh và rất tốn kém), mà bởi nỗi sợ hãi về sự phá huỷ các nền tảng cơ bản trong nhiều lĩnh vực như cạnh tranh không lành mạnh và bất bình đẳng trong kinh tế quốc tế, tình trạng vi phạm nghiêm trọng nhân quyền và luật pháp, gây suy thoái môi trường và sự mất kiểm soát (chủ quyền, quân sự, độc tài) trong vấn đề toàn cầu hoá kiểu Trung Quốc - như thế giới nhận định là một thực dân phát xít mới.
Hầu như Trung Quốc trong suốt thời gian qua chỉ đi giải quyết và gỡ rối các sự vụ, tức là chạy theo các sự kiện và các hành động của Mỹ, không thấy sự chủ động hay thực thi các biện pháp thực tế để có thể đạt được lợi thế trong tất cả các vấn đề họ phải đối mặt. Châu Phi quá yếu đuối và xa xôi so với Trung Quốc, nơi họ cũng chỉ mới đặt chân đến chưa lâu với tư cách một kẻ cho vay nặng lãi đối với những quốc gia nghèo đói. Châu Phi không phải là bước đệm hay giúp được Trung Cộng trong việc phát triển kinh tế, mà chủ yếu về mặt hiện diện quân sự hoặc để thực thi các chính sách liên kết nhằm xoá mờ đi sự ảnh hưởng của Hoa Kỳ lên các quốc gia khác trên thế giới. Châu Phi chẳng ưa gì Mỹ hay châu Âu, nhưng họ lại có nhiều món nợ cũng như nhận được các bài học lịch sử, các hệ giá trị từ hiện tại để xây dựng các mối quan hệ thực chất và lâu dài với các quốc gia phát triển và văn minh này hơn là quốc gia độc tài bá quyền đến từ châu Á.
Vừa qua, Mỹ và Trung Quốc đã gặp mặt và đám phán lại một số vấn đề về thương mại. Thực ra đó là hành động không có gì khó hiêu hay để phải thắc mắc, khi nó là một sự kéo dài các hậu quả của cuộc chiến, làm dịu đi tình hình và thăm dò thực chất cái tâm tính của đối phương. Cộng sản luôn có một phương châm rất thường được sử dụng là “vừa đàm vừa đánh”. Đó chính là điều mà Mỹ đang áp dụng ngược lại với chính Trung Quốc (gậy ông đập lưng ông), nếu không, đã chẳng có vụ bắt giữ Phó chủ tịch tài chính của Huawei vào đúng thời điểm mà Mỹ-Trung đang thương thảo. Và đồng thời nó cũng khiến Trung Quốc phải căng thẳng thêm với một đối thủ mới trong cuộc chiến này.
Có lẽ, Trung Quốc đang thực thi chính sách: kẻ nào chịu đòn giỏi, kẻ đó sẽ chiến thắng. Nên chính quyền cộng sản Trung Quốc bằng mọi cách để có thể sống sót được qua các cơn bão đang tập trung dội vào chính mình từ khắp mọi hướng và từ rất nhiều đối thủ sừng sỏ, cả hiện hữu cho đến sẽ xuất hiện bất kể lúc nào. Vấn đề là Trung Quốc quá đơn độc trong mọi tình cảnh và trong các cuộc chiến.
Nhưng có thể Mỹ sẽ rút ra được bài học và tránh được vết xe lầy từ thời nước Đức sau thế chiến thứ nhất. Đó là tạo ra một Hitler với chủ nghĩa tàn sát cuồng bạo mà một chút nữa đã có thể xoá sổ cả thế giới khi chứng kiến nước Đức bị làm nhục và dồn đến tình cảnh khốn cùng sau khi thảm bại trong chiến tranh.
Lê Luân

No comments:

Post a Comment