Trung Khang, RFA-2018-11-20
Ảnh minh họa chụp tại ngoại thành Hà Nội năm 2017.AFP
Báo cáo mới được công bố hôm 15/11 của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn - IPSARD cho thấy các rào cản thể chế ảnh hưởng tới sự phát triển của thị trường đất nông nghiệp Việt Nam, cản trở phát triển sản xuất nông nghiệp.
Đất đai nông nghiệp bị phân tán thành nhiều mảnh
Theo báo cáo của IPSARD, do lịch sử và thói quen canh tác, đất đai nông nghiệp ở Việt Nam bị phân tán thành nhiều mảnh, manh mún cản trở cho việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, thúc đẩy sản xuất hàng hóa và nâng cao chất lượng nông nghiệp… Gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc thu gom đất, không thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, vì gặp nhiều trở ngại trong các giao dịch chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do về vấn đề này, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn cũng cho rằng, cản trở phát triển nông nghiệp Việt Nam là vấn đề manh mún và đất đai nhỏ lẻ. Ngoài ra, khi tiến lên công nghiệp hóa và đô thị hóa thì việc rút lao động ra khỏi nông thôn là tương đối chậm, do đó vẫn còn gần 48% lao động làm trong ngành nông nghiệp, vì thế đất phải chia nhỏ cho lao động làm việc ở nông thôn. Ông nói tiếp:
Trung bình mỗi hộ khoảng 0,6 hecta, đây là tỷ lệ thấp nhất trong vùng, ít nước thấp như thế. Đặc biệt ở miền trung và miền bắc Việt Nam, còn chia làm nhiều mảnh nữa, một nhà có 4, 5 hay 7 mảnh.
-Tiến sĩ Đặng Kim Sơn
“Trung bình mỗi hộ khoảng 0,6 hecta, đây là tỷ lệ thấp nhất trong vùng, ít nước thấp như thế. Đặc biệt ở miền trung và miền bắc Việt Nam, còn chia làm nhiều mảnh nữa, một nhà có 4, 5 hay 7 mảnh. Cho nên quy mô lô ruộng còn nhỏ hơn rất nhiều. Quy mô nhỏ sẽ cản trở thủy lợi hóa, cơ giới hóa, cản trở áp dụng khoa học công nghệ. Đây là một trong những yếu tố lớn cản trở hình thành hợp tác xã hay liên kết với doanh nghiệp để sản xuất lớn.”
Theo Chỉ số Phát triển Thế giới –WDI do Ngân Hàng Thế Giới – WTO công bố năm 2017, tỷ lệ đất nông nghiệp chia theo đầu người ở Việt Nam rất nhỏ, chỉ đạt bình quân 0,07 hecta mỗi người, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 0,27 hecta mỗi người tại Thái Lan. Ngoài ra, tỷ lệ mảnh đất bình quân mỗi hộ nông dân còn ở mức khá cao, với cây hàng năm là 3,1 mảnh đất trên một hộ gia đình.
Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Việt Nam hiện có gần 14 triệu hộ nông dân đang sở hữu 78 triệu mảng ruộng nhỏ lẻ, quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất diễn ra khá chậm, vẫn còn hơn 70% mảnh đất sản xuất nông nghiệp có diện tích dưới 0,5ha.
Đài Á Châu Tự Do liên lạc với Anh Nguyễn Tiến Lựa, một người trồng lúa ở Bắc Giang, để tìm hiểu về thực tế trồng lúa tại địa phương, và được anh cho biết như sau:
“Cái này nó cũng tùy thuộc, nếu mà đủ điều kiện làm hợp tác xã hay cánh đồng lớn, thì mình làm… phát triển xã hội mà mở mang ra thì tốt. Như bọn tôi thì hiện nay chỉ làm nhùng nhằng mấy xào ruộng, kiếm mấy hạy thóc thôi. Nói ra thì cũng khó lắm, trong cái việc của mình, nhiều cái mình lực bất tòng tâm. Làm lớn không được thì làm nhỏ lẻ, chứ lật đi xong không lật lại được thì khó khăn lắm.”
Luật Đất đai không hợp lý
Luật Đất đai 2013 quy định người dân chỉ có quyền sử dụng đất với thời hạn 50 năm với các qui định về hạn điền. Cụ thể khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mỗi hộ chỉ được sở hữu tối đa 3 hecta và ngoài Đồng bằng sông Cửu Long là 2 hecta.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, cho rằng, một trong những rào cản thể chế, làm kéo dài tình trạng đất nông nghiệp manh mún nhỏ lẻ, ảnh hưởng sự phát triển của thị trường đất nông nghiệp Việt Nam là vấn đề hạn điền:
Mặc dù hiện nay đã tháo gỡ một phần nhưng vẫn không vượt quá 10 lần hạn mức giao đất của nhà nước. Mà hạn mức trước đây ở Đồng bằng sông Cửu Long là 3 hecta và ngoài Đồng bằng sông Cửu Long là 2 hecta, như vậy là 20 hecta và 30 hecta.
-Giáo sư Đặng Hùng Võ
“Câu chuyện hạn điền thì không hạn chế đối với doanh nghiệp nhưng lại hạn chế đối với hộ gia đình nông dân muốn có một quỹ đất lớn hơn để có thể phát triển quy mô lớn thì lại vướn phải hạn điền. Mặc dù hiện nay đã tháo gỡ một phần nhưng vẫn không vượt quá 10 lần hạn mức giao đất của nhà nước. Mà hạn mức trước đây ở Đồng bằng sông Cửu Long là 3 hecta và ngoài Đồng bằng sông Cửu Long là 2 hecta, như vậy là 20 hecta và 30 hecta.”
Giải thích thêm về tình trạng đất đai chia đều theo quy mô nhỏ lẻ và vấn đề hạn điền, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cho biết:
“Giai đoạn cải cách ruông đất hay còn gọi là cải cách điền địa, tức là chia đất của địa chủ lại cho người nông dân, người ta lấy đất của địa chủ chia cho nông dân, một mặt xóa bỏ được việc người nọ bóc lột người kia, có người có người có rất nhiều đất, có người phải đi làm thuê, nó cải thiện được tình trạng đó. Nhưng điều này lại nảy sinh tình trạng đất chia đều nhưng quy mô nhỏ lẻ.”
Cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực hiện vào những năm 1953–1956, nhằm xóa bỏ văn hóa phong kiến, địa chủ, cường hào... với mục tiêu xoá bỏ chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ, lấy đất địa chủ chia cho nông dân, thực hiện chế độ sở hữu ruộng đất của nông dân.
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cho rằng, khi kinh tế phát triển thì người làm giỏi có xu hướng tăng quy mô đất lên, còn người làm kém thì bỏ đất đai sang lao động phi nông nghiệp. Khi quá trình này diễn ra thì xuất hiện tình trạng tích tụ đất đai để hình thành sản xuất trang trại quy mô lớn dần. Đến giai đoạn nào đấy các nước từng cải cách ruộng đất bắt đầu bỏ mức hạn điền, không ngăn chặn quy mô đất đai tối đa của một hộ có thể mua hoặc chuyển nhượng. Theo ông Việt Nam đã đến lúc cần xóa bỏ hạn điền.
No comments:
Post a Comment