Diễm Thi, RFA-2018-11-21
Cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh đang trả lời trước hội đồng xét xử tại phiên tòa xét xử vụ án đánh bạc qua mạng.Screen capture from video
Một trong những điều khiến công luận xã hội quan tâm và báo chí trong nước đồng loạt đăng tải trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ đang được xét xử, là sự bất nhất trong lời khai của hai vị cựu tướng trong ngành công an về vai trò của Công ty đầu tư và phát triển An ninh Công nghệ cao (CNC).
Ông Phan Văn Vĩnh, Cựu Trung tướng, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát, Bộ Công an thì cho rằng công ty CNC là công ty bình phong của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50), được thành lập năm 2011.
Cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, cựu Cục trưởng C50, lại phủ nhận toàn bộ tài liệu về việc lập công ty bình phong CNC và khẳng định CNC không phải là công ty bình phong.
Nhận xét về điều này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng:
Vấn đề là trước tòa thì người ta có thể từ chối hoặc nói không, nói có tùy theo quyết định là nói thế nào cho có lợi. Cho nên chuyện “ông nói gà bà nói vịt” cũng là điều dễ hiểu. Theo suy nghĩ của tôi thì công ty này chắc chắc là công ty bình phong.
Còn với Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, người đã từng có thời gian công tác tại Ban An ninh Nội chính thành ủy TP Hồ Chí Minh, điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì tâm lý chung của các tội phạm trước vành móng ngựa là đổ vấy trách nhiệm cho nhau, và bây giờ họ đang đổ luôn cho cố Chủ tịch nướcTrần Đại Quang, người từng nắm Bộ Công an khi vụ việc xảy ra.
Ở Việt Nam thì có một nghịch lý khủng khiếp, là cái doanh nghiệp bình phong lại không làm đúng chức trách của nó là phục vụ cho công tác tình báo của công an, mà lại lợi dụng thế lực của ngành công an, đặc biệt là Bộ Công an để làm ăn và trục lợi cá nhân và đem lại lợi nhuận cho rất nhiều quan chức công an. - Phạm Chí Dũng
Vậy công ty bình phong là gì, cựu Đại tá Công an Nguyễn Đăng Quang nhận dịnh:
Nói về ngữ nghĩa thì công ty bình phong là một công ty do một pháp nhân lập ra để hoạt động nhưng người ngoài không biết rằng chủ là ai, không biết đấy là một công ty của nhà nước. Người dân chỉ nghĩ đó một công ty của tư nhân thôi và tiến hành giao dịch bình thường, nhưng thực tế thì những giao dịch đó là theo chỉ đạo.
Đây là khái niệm mới chỉ có khoảng trên dưới chục năm nay trong hoạt động kinh tế thị trường cũng như các lĩnh vực khác trong xã hội.
Với nhà báo Phạm Chí Dũng thì công ty bình phong hay doanh nghiệp bình phong là một khái niệm, một thuật ngữ đặc biệt được dùng trong ngành tình báo của Việt Nam và cả trên thế giới. Trên thế giới cũng có rất nhiều cơ quan tình báo đã sử dụng những đặc tình của mình cài cắm vào các doanh nghiệp và cung cấp thông tin, tin tức cho các cơ quan tình báo. Nhà báo Phạm Chí Dũng giải thích sự khác biệt ở Việt Nam:
Ở Việt Nam thì có một nghịch lý khủng khiếp, là cái doanh nghiệp bình phong lại không làm đúng chức trách của nó là phục vụ cho công tác tình báo của công an, mà lại lợi dụng thế lực của ngành công an, đặc biệt là Bộ Công an để làm ăn và trục lợi cá nhân và đem lại lợi nhuận cho rất nhiều quan chức công an. Vì vậy mới có vụ công ty bình phong CNC.
Việc các công ty bình phong ở Việt Nam làm ăn bất chính đã từng xảy ra. Ví dụ gần đây nhất là trường hợp của Công ty TNHH Một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận của Thành ủy TP. HCM.
Công ty này nguyên là Công ty Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận, được UBND TP. HCM phê duyệt phương án chuyển đổi thành Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận) trực thuộc Ban Tài chính Quản trị Thành ủy. Khi đã là doanh nghiệp của Thành ủy TPHCM, Công ty Tân Thuận đã được giao thực hiện và chuyển nhượng nhiều khu đất, dự án.
Một trong những vụ nổi cộm là phi vụ mua bán 32 ha đất công tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè và phường Tân Phong, Quận 7, TP.HCM với Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai.
Ngày 4/6/2018, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM ra thông báo quyết định thi hành kỷ luật đối với 5 cán bộ lãnh đạo Công ty Tân Thuận do những vi phạm về vai trò, trách nhiệm tại Dự án khu dân cư Phước Kiển, Nhà Bè.
Riêng trong vụ án đánh bạc hàng nghìn tỷ đồng liên quan đến CNC, hai cựu tướng công an đang phải hầu tòa bị cáo buộc tội lợi dụng chức vụ quyền hạn và bị đề nghị mức án tù từ 7 đến 8 năm. Hai viên cựu tướng công an này hiện còn bị điều tra tham nhũng lên đến hàng triệu đô la.
Mối liên kết giữa CNC và C50
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng thường các công ty bình phong luôn luôn lợi dụng cái thế của nó để kiếm những khoản lời bất chính, nhưng về mặt pháp lý thì có thể có vẻ là hợp pháp.
Một công ty được thành lập bởi Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) lại là nơi tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng internet với gần 43 triệu tài khoản tham gia thì đó là điều khác biệt của Việt Nam so với thế giới, như nhận định của Nhà báo Phạm Chí Dũng. Ông nhận định chính C50 mới là bình phong cho CNC:
Chuyện CNC đã chứng minh một điều là về mặt thực chất thì nó không còn là công ty bình phong của Bộ Công an hay của Tổng cục Tình báo Bộ Công an (đã bị giải thể), mà chính Tổng cục Tình báo đó lại là bình phong cho CNC để làm ăn trục lợi. - Phạm Chí Dũng
Chuyện CNC đã chứng minh một điều là về mặt thực chất thì nó không còn là công ty bình phong của Bộ Công an hay của Tổng cục Tình báo Bộ Công an (đã bị giải thể), mà chính Tổng cục Tình báo đó lại là bình phong cho CNC để làm ăn trục lợi. Tức là không những không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ tình báo, mà các cơ quan quản lý, điều hành tình báo lại đi làm chỗ dựa, làm bình phong cho một doanh nghiệp để làm ăn trục lợi. Đó là sự khác biệt giữa tình báo Việt Nam và tình báo thế giới.
Truyền thông trong nước trích dẫn cáo trạng cho biết theo Quyết định 158 ngày 14/5/2015 do ông Vĩnh ký, Tổng cục Cảnh sát công nhận CNC là công ty bình phong thì C50 góp 20% vốn trong tổng số vốn điều lệ 20 tỷ đồng, đồng thời cử nhân lực tham gia điều hành công ty. Trên thực tế, C50 không đóng góp 20% vốn và nhân lực.
Cáo trạng còn cho biết Tổng giám đốc công ty CNC, bà Dương Thị Hồng đưa 600 triệu đồng tiền tết cho C50 do Võ Tuấn Dũng - trưởng phòng 1, nhận (năm 2015 là 100 triệu, năm 2016 là 500 triệu đồng.)
Một công ty được gọi là bình phong của công an thường có hai chức năng là vừa làm kinh tế, vừa tìm hiểu, thu thập thông tin và cung cấp thông tin ngược lại cho Bộ Công an. Công ty CNC cũng không là ngoại lệ. Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng nói thêm về chức năng làm kinh tế của CNC là khái niệm xã hội hóa kinh tế từ ngành công an ra tới bên ngoài. Chức năng làm kinh tế có cơ sở pháp lý đàng hoàng, có tất cả mọi thứ, thậm chí còn vượt hơn những doanh nghiệp bình thường về mức độ ưu đãi và cả mặt pháp lý.
No comments:
Post a Comment