KHÁNH HÒA, Việt Nam (NV) – Hải sản chết hàng loạt, ngư dân mất tiền tỷ ở vịnh Vân Phong vì tảo độc xuất hiện dày đặc.
Hôm 14 Tháng Mười Một, 2018, báo Người Lao Động cho hay, vịnh Vân Phong (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) là nơi tập trung nuôi tôm hùm và cá bớp của tỉnh Khánh Hòa, nhưng gần đây hải sản chết liên tục ở khu vực này.
Theo kết quả phân tích mẫu nước biển tại vịnh Vân Phong của Viện Hải Dương Học Nha Trang, các thông số về nhiệt độ, độ mặn, PH, hàm lượng muối dinh dưỡng và Chlorophyll đều bình thường nhưng thành phần tảo thu nhận tại đây quá cao.
Tại điểm lấy mẫu Hòn Ông, mật độ tảo tầng mặt 384,445 tế bào/lít, tầng đáy 874,763 tế bào/lít, trong khi mật độ trung bình là 30,000 đến 50,000 tế bào/lít.
Ngoài ra, ghi nhận tại một số loài tảo có khả năng gây hại như Noctiluca scintillans, Psedo-nitzschia spp, Tripos furca, Tripos fusus, Tripos trichoceros. Đây là các loài tảo có khả năng sinh sản độc tố.
Báo InfoNet dẫn tin từ Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn tỉnh Khánh Hòa cho biết, các loài tảo này tuy không sản sinh độc tố, nhưng khi xuất hiện với mật độ dày là một trong các nguyên nhân làm suy giảm mạnh hàm lượng oxy của vùng nuôi, nhất là oxy tầng mặt khu vực đặt lồng nuôi (oxy hòa tan thấp hơn 5.0 mg/L).
Theo báo Khánh Hòa, tảo phát triển dày đã bám vào mang cá, gây hiện tượng tắc nghẽn mang, ảnh hưởng đến quá trình hô hấp của cá khiến cá chết do ngợp thở. Bên cạnh đó, thủy sản nhiễm bệnh (cá bớp nhiễm Streptoccus spp., Vibrio sp., tôm hùm nhiễm bệnh sữa và đỏ thân) cũng là một trong những nguyên nhân gây thiệt hại thủy sản nuôi.
Trước tình hình này, Chi Cục Thủy Sản tỉnh Khánh Hòa khuyến cáo người nuôi nên di dời lồng bè đến vùng đã được quy hoạch, bảo đảm độ sâu khi thủy triều thấp là 8 mét để đủ lượng oxy hòa tan cho loài nuôi; thường xuyên kiểm tra, vệ sinh lưới, vớt rác, tạo môi trường thông thoáng cho loài nuôi phát triển.
Báo Người Lao Động cho hay, cuối Tháng Mười, thủ phủ nuôi tôm hùm, cá bớp của tỉnh Khánh Hòa và khu vực Nam Trung Bộ hải sản chết liên tục. Hàng trăm ngư dân bị thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Hiện toàn huyện có khoảng 9.,00 ô lồng nuôi tôm hùm, tập trung chủ yếu ở các địa phương như Vạn Thạnh, Vạn Hưng, Vạn Giã… Tỷ lệ hao hụt do các loại bệnh trong quá trình nuôi tôm hùm thời gian liên tục tăng cao. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment