10/03/2018 - 05:15 — tuongnangtien
Les lois sont des toiles d’araignées à travers lesquelles passent les grosses mouches et où restent les petites. (Luật pháp là mạng lưới chỉ bắt được những con ruồi nhỏ).
Balzac qua đời năm 1850. Từ đó đến nay cả đống nước sông, nước suối (cùng với nước mưa, nước mắt) đã ào ạt chẩy qua cầu và qua cống. Theo thời gian, loài người mỗi lúc một thêm tiến bộ và văn minh hơn. Luật pháp – nói chung – cũng vậy, cũng được cải thiện dần dần, nghiêm minh và đàng hoàng hơn thấy rõ. Ruồi lớn, giờ đây, cũng bị vướng vòng lao lý đều đều.
Cả Tổng Thống Đài Loan (Trần Thủy Biển) lẫn Tổng Thống Nam Hàn (Park Geun-hye) đều bị ngồi tù chỉ vì lem nhem về tiền bạc. Mới đây, ngày 20 tháng 09 năm 2018, cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak cũng vừa phải vác chiếu hầu toà vì tội biển thủ công qũi.
Nhân loại – tất nhiên – không phải lúc nào cũng vui vẻ nắm tay nhau, hướng về phía trước, và cùng đồng nhịp tiến bước. Ở Zimbabwe, Tổng Thống Robert Mugabe (một con ruồi lớn) vừa thoát lưới dễ dàng vì luật pháp ở xứ sở này – xem ra – có hơi xộc xệch.
Nói vậy rất dễ gây ngộ nhận là (dường như) luật pháp tại Á Châu tiến bộ hơn ở Phi Châu chăng?
Chưa chắc hơn đâu!
Việt Nam thuộc Đông Nam Á, và hệ thống pháp luật của quốc gia này, rõ ràng, đang có khuynh hướng thụt lùi. Cựu T.T Nguyễn Tấn Dũng đã hạ cánh an toàn, không một phiên toà hay ngày tù tội gì ráo trọi, dù ông được công luận ghi nhận là một nhân vật “đầy tì vết tham nhũng” và “phá chưa từng có!”
Ngành tư pháp của đất nước Zimbabwe hình thành và lùi/tiến ra sao, nói thiệt, tui hoàn toàn mù tịt nên không dám lạm bàn. Còn ở VN của mình thì tui có biết (sơ) nên xin phép được nói qua chút xíu, nghe chơi, để rộng đường dư luận.
Đại Học Đông Dương khai giảng lần đầu vào năm 1907. Tác giả Trần Thị Phương Hoa (Institute for European Studies) cho biết thêm:
“Lần khai giảng thứ hai năm 1917 mở ra một hình thức mới cho trường - đó là mô hình bách khoa với nhiều trường kỹ thuật. Giai đoạn thứ ba từ 1932 đến 1945 khẳng định diện mạo của trường với ba thành tố: Trường Y, trường Luật và trường Khoa học.
Mặc dù trường đại học hạn chế số lượng thành viên, uy tín chuyên môn của Đại học Đông Dương tăng dần. Kể từ năm 1932, trường Y và trường Luật trở thành một phân hiệu của trường Y và Luật Paris.”
Không chỉ muộn màng, ngành luật học ở Việt Nam còn gặp rất nhiều trắc trở:
“Ngày 17-11-1950, Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 158-SL, quyết định việc bổ sung cán bộ công nông vào ngạch thẩm phán và thăng bổ các thẩm phán toà án nhân dân huyện lên toà án nhân dân tỉnh…Từ đây, theo ông Vũ Đình Hòe: ‘các thẩm phán huyện, đa số là đảng viên cộng sản, chỉ qua lớp chính trị và nghiệp vụ’. Quan điểm lựa chọn thẩm phán chủ yếu ‘đứng trên lập trường nhân dân’ của Hồ Chí Minh đã ảnh hưởng lâu dài đến nền tư pháp Việt Nam.” (Huy Đức. Bên Thắng Cuộc, tập II. OsinBook, USA: 2012).
Muốn biết “quan điểm lựa chọn thẩm phán ‘chủ yếu là đảng viên cộng sản’ và ‘đứng trên lập trường nhân dân’ của Hồ Chí Minh đã ảnh hưởng lâu dài đến nền tư pháp Việt Nam” ra sao, xin đọc qua một mẩu đối thoại (giữa quan toà và bị cáo) trong phiên toà xử Phan Thắng Toán và những người đồng vụ – vào năm 1971 – do nhạc sĩ Tô Hải ghi lại:
Chánh án: -Anh có nhận là đã đánh nhạc của tư sản, là đồi truỵ không?
Toán xồm: -Dạ! Thưa quý toà,con chỉ đánh những gì in trên đĩa của Liên Xô, của Tiệp Khắc, của Cộng Hoà Dân Chủ Đức thôi ạ!
Chánh án: -Anh nói láo! Thế Paloma, Santa Lucia là của ai?
Toán Xồm: -Dạ! Paloma là của nước bạn Cu Ba ạ! Còn Santa Lucia là dân ca Ý ạ! Nhà xuất Bản của nhà nước đã in và sân khấu nhà nước đã có nhiều ca sỹ biểu diễn ạ!
Chánh án: -Vậy anh có biết cha cha cha là cái gì không?
Toán Xồm: -Dạ! Có ạ!! Đây là một nhịp điệu xuất xứ cũng tại nước bạn Cu Ba ạ!
Chánh án: -Thế còn Tango bleu chắc anh cũng đổ cho Cu Ba hết hả?
Toán xồm: -Dạ không! Tango là một điệu nhảy Ác-giăng-tin nhưng đã được quốc tế hoá. Vừa giờ Đoàn xiếc Tiệp Khắc sang ta và các nước XHCN đều xử dụng cả ạ!
Chánh án: -Nhưng người ta đánh khác, còn anh đánh khác. Đừng có ngụy biện!
Toán Xồm: -Dạ! Đánh y hệt ạ! Chỉ có thua họ về nhạc cụ họ tốt hơn… chứ nếu chúng con có đầy đủ nhạc cụ như họ thì chúng con chẳng thua gì họ cả ạ!
Chánh án: -Anh hãy im miệng! Đồ ngoan cố!
Và cứ như vậy, suốt phiên tòa Chánh án chỉ sử dụng câu “Im miệng! Đồ ngoan cố” để cắt lời người bị buộc tội. Không hề có ai bào chữa.
Cuối cùng, toà luận án và tuyên án:
“Việc làm của bọn này đã gây ảnh hưởng xấu cho phong trào trật tự trị an, phá hoại việc thực hiện một số chính sách của Nhà nước, nhất là chính sách lao động sản xuất, chính sách nghĩa vụ quân sự… xâm phạm nghiêm trọng đến hạnh phúc, phẩm giá của phụ nữ, đến đạo đức và đời sống của nhiều người, và tuyên truyền xuyên tạc lại chế độ xã hội chủ nghĩa trong lúc cả nước đang chiến đấu chống Mỹ xâm lược.
Do tính chất nghiêm trọng của vụ án nói trên, toà quyết định xử phạt Phan Thắng Toán 15 năm tù giam và sau đó 5 năm bị tước quyền công dân; Nguyễn Văn Đắc, 12 năm tù giam và sau đó 5 năm bị tước quyền công dân; Nguyễn Văn Lộc 10 năm tù giam và 4 năm bị tước quyền công dân …” (“Phan Thắng Toán và Đồng Bọn Đã Bị Xét Xử” – báo Hà Nội Mới 12/ 01/1971).
Với truyền thống ban phát án tù vô tội vạ như trên, của nền tư pháp công nông (hóa) ở Việt Nam, nên không có gì ngạc nhiên khi ông Lê Đình Lượng đã bị kết án đến 20 năm tù – vào ngày 16 tháng 8 vừa qua – chỉ vì “có nhiều bài viết với nội dung tuyên truyền, kích động, xuyên tạc, phỉ báng chủ trương, đường lối của Đảng.” L.S Đặng Đình Mạnh còn cho BBCbiết thêm là “ông Lượng giữ quyền im lặng suốt phiên tòa, nên bị đánh giá là ngoan cố.”
Hơn ba tuần sau, vào hôm 14 tháng 9 năm 2018 – tại một phiên toà khác – ông Nguyễn Văn Túc bị kết tội “tổ chức phản động, hoạt động trái pháp luật, nhằm âm mưu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lật đổ chính quyền nhân dân, thay đổi thể chế chính trị.” Khác với ông Lê Đình Lượng, ông Nguyễn Văn Túc không giữ im lặng mà bật tiếng chửi thề. Sự kiện này khiến nhà thơ Thái Bá Tân đã buông đôi câu cảm thán:
Hôm qua xử phúc thẩm
Y án mười ba năm
Với anh Nguyễn Văn Túc
Một tù nhân lương tâm.
Y án mười ba năm
Với anh Nguyễn Văn Túc
Một tù nhân lương tâm.
Anh chấp nhận bản án,
Không van xin, kêu ca.
Nghe nói chỉ nhếch mép
Và chửi:“Địt mẹ tòa!”
Không van xin, kêu ca.
Nghe nói chỉ nhếch mép
Và chửi:“Địt mẹ tòa!”
FB Bùi Thị Minh Hằng bình phẩm: “Chắc chắn câu chửi thề này sẽ trở thành ‘dấu ấn ô nhục’ cho nền tư pháp cộng sản.”
Tôi thì nghĩ hơi khác, câu chửi thề này không phải là dấu ấn, mà là dấu chấm (hết) cho hệ thống tư pháp công nông mù loà và thô bạo của thể chế hiện hành. Từ nay, vẫn theo lời Thái Bá Tân:
Đừng nhắc đến công lý
Với tòa án nước ta.
Tôi, bị đem ra xử,
Cũng nói:”Địt mẹ tòa!”
Ai cũng đều nói thế cả thì kể như xong phim!
No comments:
Post a Comment