Theo VOA-Nguyễn Hùng/04/10/2018
Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (phải) và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hà Nội ngày 6/11/2015.
Habemus Papam! là những từ mà người ta thốt lên sau khi các Hồng Y họp kín để bầu ra Giáo hoàng. Đảng cộng sản cũng vừa nhóm họp hội nghị trung ương tám và họ quyết định tiến cử ông đốt lò Nguyễn Phú Trọng ngồi luôn ghế của cố Chủ tịch Trần Đại Quang, còn được gọi là ông ‘Sáng To’. Nhiều người mỉa mai hô ‘vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế’.
Người mới hồi năm 2015 còn cho rằng gộp hai chức bí thư và chủ tịch ở địa phương đã là ‘to quá’, giờ có lẽ đang sớm mong đến ngày ông sẽ là người tới họp tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tháng Chín mỗi năm thay vì để thủ tướng đi như vừa rồi.
Ông Trọng trả lời trang tin VTC về việc hợp nhất hai vị trí bí thư và chủ tịch hồi cách đây ba năm như sau:
"Đây là vấn đề đã được Trung ương bàn nhiều lần. Một số tỉnh, thành cũng đã tổ chức thí điểm không tổ chức HĐND [Hội đồng Nhân dân] ở một số nơi.
“Nhưng thực tế nhân dân là người làm chủ, ở đâu có nhà nước ở đó phải có giám sát của nhân dân.
“Bí thư kiêm chủ tịch thì to quá, ai kiểm soát ông?”
Nhưng đó là những phát biểu vào tháng 5/2015 khi mà ông Trọng chưa hoàn thành việc củng cố quyền lực và thủ tướng lúc đó, ông Nguyễn Tấn Dũng, được cho là đang nhắm tới chiếc ghế tổng bí thư. Tuy nhiên chỉ tám tháng sau đó ông Dũng đã phải ngậm đắng nuốt cay rời chính trường dù trẻ hơn ông Trọng tới năm tuổi. Vị tổng bí thư là người duy nhất được coi là ngoại lệ và được bầu lại vào Bộ Chính trị cũng như vị trí đứng đầu đảng dù khi đó đã ở tuổi 71.
Mặc dù Việt Nam là quốc gia duy nhất trong năm nước cộng sản còn sót lại trên thế giới chưa nhất thể hoá hai chức danh chủ tịch nước và tổng bí thư, một số người sợ rằng giao cả hai vị trí này vào tay một người có thể dẫn tới tình trạng tập trung quyền lực quá lớn như chính ông Trọng từng phát biểu.
Đây là mối lo không phải không có cơ sở. Quốc hội Việt Nam chỉ được coi là con dấu mà đảng chỉ đâu đóng đấy vì đại đa số đại biểu là đảng viên cộng sản. Ví dụ điển hình là hội nghị trung ương của đảng vừa chỉ định đảng trưởng của họ ngồi vào ghế chủ tịch. Các đảng viên trong Quốc hội tới đây gần như chắc chắn sẽ bỏ phiếu theo chỉ đạo của đảng và thông qua việc nhất thể hoá này. Thay vì đưa một vấn đề hệ trọng liên quan tới hợp nhất chức danh của bên đảng và chính quyền ra để quốc hội bàn, họ chỉ bàn trong đảng và tự quyết với nhau. Quốc hội chỉ việc gật là xong.
Quốc hội với thói quen gật đầu cố hữu đã làm cho Việt Nam có một loạt các điều luật đi ngược lại với văn minh nhân loại về tự do hội họp và tự do ngôn luận. Từ Hiến pháp công nhận đa đảng hồi năm 1946, các ông nghị gật đã giúp Việt Nam đi giật lùi tới một loạt các Hiến pháp chỉ công nhận duy nhất một đảng về sau này. Họ cũng hình sự hoá những phản kháng ôn hoà của người dân đòi những quyền con người căn bản khiến hàng trăm người đang chịu cảnh tù đày chỉ vì dám nói, viết, xuống đường đòi các quyền tự do có trong các công ước quốc tế mà chính Việt Nam đã ký kết.
Điều trớ trêu là chính các nước tư bản thường bị Việt Nam coi là mô hình nhà nước kém ưu việt hơn lại đòi Việt Nam trả tự do cho các công dân quả cảm và trong nhiều trường hợp cho họ tị nạn chính trị.
Một lý do khác khiến lo ngại ‘quá to’ có cơ sở là hệ thống tư pháp của Việt Nam cũng là đàn cừu của đảng. Nhiều vụ án chính trị bỗng trở thành án hình sự và đàn cừu thông minh tới mức có thể tiêu hoá được ngồn ngộn chứng cứ trong có một ngày và kết án người ta một thập niên ở tù.
Hiển nhiên những điều này không phải là mối lo của ông Trọng khi ông nói việc hợp nhất là ‘quá to’. Có lẽ ông chỉ lo người ta tham nhũng ‘quá to’ như những năm gần đây. Mấy hôm vừa rồi tôi nghe ngóng thấy người ta bàn chuyện thay đổi nhân sự mà giật cả mình. Ở chỗ riêng tư người ta còn bảo giống như ‘thay đĩ với phò’. Dường như nhiều người đã quá mệt mỏi với việc chờ đợi những thay đổi không bao giờ tới với họ và người thân của họ.
No comments:
Post a Comment