HÀ NỘI 29-10 (NV) .- Quốc hội CSVN dành trọn ngày hôm Thứ Hai 29/10/2018 “thảo luận sâu” về ngân sách nhà nước và kế hoạch đầu tư công trung hạn mà ai cũng biết chỉ làm chiếu lệ để thông qua.
TTXVN đưa tin nói “Phiên thảo luận được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi” trong cuộc thảo luận chỉ vỏn vẹn có một ngày về các vấn đề “kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019-2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017. Đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020.”
Với những đề tài lớn lao như thế, nếu thảo luận và mổ xẻ, phân tích đến nơi đến chốn từ những nhà lập pháp chuyên môn có khả năng hiểu biết đầy đủ, một tháng có thể chắc gì xong nếu là một quốc hội dân chủ do dân bầu thực sự.
Các cuộc thảo luận, nói về các khoản phân chia ngân sách đều đã được dựng thành kịch bản, phân công ai hỏi gì, ai trả lời gì, giới hạn của mức độ “bức xúc”. Cuối cùng thì bản ngân sách vẫn sẽ được thông qua, không có chuyện chống đối đến không thông qua như từng xảy ra nhiều lần tại Mỹ.
“Đại biểu quốc hội” CSVN là các đảng viên của đảng Cộng sản, được cài cắm làm “đại biểu nhân dân” từ trung ương tới địa phương đồng thời cũng là các chức sắc cầm quyền. Nó là một thứ đại biểu “vừa đá bóng vừa thổi còi” không do dân chúng lựa chọn và bầu lên như quốc hội của các nước có dân chủ thật sự. Báo chí khi tường thuật các phiên họp của quốc hội cũng chỉ tường thuật trong chừng mực cho phép, không thể viết ra những điều cấm kỵ, gây phẫn nội quần chúng.
Theo những con số được TTXVN nêu ra căn cứ trên dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 do Bộ Tài Chính của chế độ soạn thảo, “tổng thu cân đối ngân sách nhà nước” CSVN năm 2019 “khoảng 1,411.3 nghìn tỷ đồng, tăng 3.9% so với ước thực hiện năm 2018. Tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 23% GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 20% GDP.”
Vì ngân sách của chế độ Hà Nội luôn luôn “bóc ngắn cắn dài” nên mức bội chi ngân sách năm 2019 dự trù “222 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 3.6% GDP” và “Đến hết năm 2019, dự kiến nợ công bằng khoảng 61.3% GDP, nợ Chính phủ bằng khoảng 52.2% GDP, nợ nước ngoài quốc gia bằng khoảng 49.9% GDP”.
Với mức thu và bội chi ngân sách nhà nước như vừa kể, “dự kiến tổng chi cân đối ngân sách nhà nước năm 2019 là 1,633.3 nghìn tỷ đồng, tăng 7.2% so với dự toán năm 2018”, TTXVN kể.
Trước khi quốc hội CSVN bắt đầu khóa họp, ngày 16/10, Kiểm toán nhà nước CSVN gửi tới Quốc hội bản báo cáo “tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước 2018, dự toán ngân sách 2019”.
Theo bản báo cáo vừa kể được VNExpress thuật lại “thu ngân sách Nhà nước năm nay (2018) ước đạt trên 1.35 triệu tỷ đồng; chi ngân sách hơn 1,56 triệu tỷ đồng. Như vậy, bội chi ngân sách 204.000 tỷ đồng (khoảng 8,8 tỷ USD), bằng 3,67% GDP, tương ứng với tỷ lệ bội chi kế hoạch Quốc hội giao.”
Các con số “ước đạt” cả thu và chi ngân sách CSVN thấy liệt kê như thế không tương ứng với “bội chi ngân sách” từng được quốc hội chế độ thông qua ngày 13/11/2017.
Ngày Chủ Nhật 15/10, đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) kêu rằng nguồn thu của ngân sách nhà nước “hẹp dần” trong khi “cửa” chi của chế độ thì vẫn cứ “phình ra”. Bản tin VOV viết rằng “tốc độ tăng chi ngân sách nhà nước lớn hơn tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước, dẫn đến cân đối ngân sách nhà nước khó khăn, bội chi cao, điều này đe doạ tính bền vững của ngân sách nhà nước”.
VNExpress dẫn báo cáo của Kiểm toán Nhà nước nói “bội chi ngân sách 204.000 tỷ đồng (khoảng 8.8 tỷ USD), bằng 3.67% GDP” chứng tỏ con số này chỉ đưa ra để tuyên truyền và qua mặt những ông bà ngồi bấm nút theo chỉ thị ở quốc hội.
Quốc hội CSVN thông qua ngân sách nhà nước 2018 ngày 13/11/2017 đặt mức giới hạn cho chính phủ đi vay để bù đắp lỗ hổng ngân sách là 363,284 tỉ đồng.
Chỉ 5 tháng sau đó, ngày 24/4/2018, tờ Pháp Luật dẫn “Quyết định 437/QĐ-TTg” do ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký về “kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ và các hạn mức vay nợ năm 2018”, nói chế độ Hà Nội đi vay “384,000 tỉ đồng, gồm: Vay trong nước 275,970 tỉ đồng và nước ngoài 108,030 tỉ đồng. Trong đó, vay cho cân đối ngân sách nhà nước 341,770 tỉ đồng, vay để bù đắp bội chi là 195,000 tỉ đồng và vay để trả nợ gốc là 146,770 tỉ đồng, vay về cho vay lại 42,230 tỉ đồng.”
Con số mà quốc hội biểu quyết thông qua để chính phủ thi hành “vênh” nhau hơn 20 ngàn tỉ đồng với cái “quyết định” của chính phủ dù chưa được nửa năm thi hành. Nói cách khác, bội chi ngân sách của chế độ Hà Nội vẫn tiếp tục phình ra to hơn, vì như VOV thuật lời ông Nguyễn Minh Tân, Vụ phó Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính, “tỷ trọng các khoản thu từ sản xuất kinh doanh có xu hướng giảm xuống cho thấy dư địa thu ngân sách ngày càng hạn chế.”
Ngân sách nhà nước CSVN dự trù cho năm 2019 rồi cũng sẽ vẫn “vênh” giữa con số biểu quyết ở quốc hội và thực chi trong thực tế không khác gì những năm trước từng đã diễn ra.(TN)
No comments:
Post a Comment