HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 31 Tháng Mười, Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Diện, công tác tại Viện Nghiên Cứu Hán Nôm, thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam, trả lời phỏng vấn với nhật báo Người Việt về vụ một “nữ học giả” Trung Quốc bị cáo buộc “chụp trộm tài liệu quý” của viện này.
Ông Diện cho biết: “Sáng hôm 30 Tháng Mười, một học giả Trung Quốc là bà La Yến Hà, công tác tại Viện Nghiên Cứu Nam Dương (Biển Nam Trung Hoa, tức là Biển Đông của Việt Nam) thuộc Đại Học Hạ Môn, Trung Quốc, đến thư viện của Viện Nghiên Cứu Hán Nôm đề nghị đọc một số tài liệu.
“Người này sau đó bị thủ thư của chúng tôi phát hiện dùng một chiếc kính bất thường, có tích hợp camera để chụp trộm tài liệu quý của Viện Nghiên Cứu Hán Nôm.”
“Dung lượng của kính này là 64 GB. Người này bị bắt quả tang, lập biên bản có sự chứng kiến của An Ninh A87, Bộ Công An.”
“Chỉ trong một lúc, bà này đã chụp được 175 trang sách và dữ liệu tự động được chuyển từ kính sang điện thoại mà không cần dây nối.”
“Chúng tôi tạm giữ laptop, điện thoại của bà này để kiểm tra nhưng sau đó đã trả lại, chỉ tịch thu tang vật là chiếc kính.”
“Từ nay Viện Nghiên Cứu Hán Nôm cấm cửa bà này.”
“Đây là lần thứ hai các học giả Trung Quốc bị bắt quả tang, lập biên bản khi chụp trộm tài liệu của viện.”
“Cách đây một, hai năm, cũng có một nhà nghiên cứu của Trung Quốc mang điện thoại chụp tài liệu của chúng tôi nhưng bị phát hiện và lập biên bản buộc xóa hình.”
“Trong vụ mới nhất, người của A87 chỉ đến quan sát, không chỉ đạo hoặc có hành động gì.”
Trong cuộc phỏng vấn với nhật báo Người Việt, ông Nguyễn Xuân Diện cũng cho biết rằng có nhiều học giả Trung Quốc tìm đến đọc tài liệu tại Viện Nghiên Cứu Hán Nôm trong những năm qua.
“Có người núp dưới danh nghĩa nghiên cứu thơ văn nhưng thực chất là họ nghiên cứu hải đảo, Biển Đông và được đài thọ cho việc này.”
“Chúng tôi sẽ tăng cường biện pháp giữ gìn, bảo vệ tài liệu tại Viện Nghiên Cứu Hán Nôm trong thời gian tới.”
Ông cũng nói thêm: “Học giả Trung Quốc bị bắt quả tang chụp tài liệu đã rõ ràng và có biên bản. nhưng việc trục xuất, gửi công văn đến Đại Sứ Quán Trung Quốc và cấm nhập cảnh vĩnh viễn đối với họ thì không thuộc quyền của Viện Nghiên Cứu Hán Nôm.”
“Tuy vậy, tôi nghĩ là cần phải xử lý họ theo nguyên tắc không có gì nhạy cảm hơn chủ quyền quốc gia và di sản của ông cha để lại.”
“Ngay cả quan hệ Việt-Trung cũng không quan trọng bằng di sản của người Việt,” ông Diện nói. (TK)
No comments:
Post a Comment