Thursday, October 11, 2018

Môi trường sống của người dân Vĩnh Tân tiếp tục bị đe dọa bởi hàng triệu tấn tro xỉ than tồn đọng

RFA-2018-10-11  
Bãi xỉ than của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân. (ảnh minh họa chụp trước đây)

Bãi xỉ than của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân. (ảnh minh họa chụp trước đây)-RFA

Không có “đầu ra”

Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động chính thức, hiện bãi xỉ than của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân đã cao khoảng 20 m, có khoảng 4 triệu tấn tro xỉ than chưa có “đầu ra”, khiến môi trường sống của người dân khu vực này tiếp tục bị đe dọa.
Trung Tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, do Trung Quốc đầu tư 95% gồm có 4 nhà máy nhiệt điện, chạy bằng than đá, với tổng công suất lên đến 5.600MW và 1 cảng biển. Toàn bộ dự án được xây dựng tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Hiện nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 1 đã hoạt động thương mại, đồng thời dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng cũng đã hoàn thành xong trên 70%. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhà máy nào hoàn thành đề án tiêu thụ tro xỉ than.
Kể cả không có gió bấc về thì bụi bặm trong nhà lúc nào cũng đầy dẫy, tro nó bay trên bầu trời đấy.
-Người dân Vĩnh Tân
Được biết bãi xỉ than của nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và Vĩnh Tân 1 nằm sát nhau và chỉ cách đường quốc lộ 1 khoảng 1 km, cách tuyến đường sắt bắc - nam khoảng 300 m, và rất gần khu dân cư.
Với khối lượng xỉ than tồn đọng ngày lớn, người dân sống trong khu vực này cho biết, dù nắng hay mưa cũng đều lo lắng, nắng thì sợ bãi xỉ phát tán khói bụi vào khu dân cư. Mưa thì lo bãi xỉ có thể vỡ bờ bao.
Chúng tôi liên lạc với cơ quan chức năng địa phương để tìm hiểu thực tế thì được ông Võ Trần Duy Thạch, Phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Vĩnh Tân cho biết:
“Hiện giờ việc lu đèn bãi xỉ ở Vĩnh Tân 2 là tương đối đảm bảo, xe chuyên dụng chở tro ra bãi xỉ, đổ xuống rồi cho phun nước lên, và xe lu đầm lên cho nó nằm yên đó rồi lớp keo lên giữ lại, không cho phát tán bụi. Nên hiện giờ phán tán bụi đã giảm, cũng đỡ nhiều. Nhưng đầu ra cho xỉ than thì hơi khó, hiện chỉ xử lý thủ công, chứ đầu ra xử lý xỉ thì chưa có. Công ty đủ năng lực xử lý triệt để thì chưa có. Chính quyền cũng có thành lập ban chỉ đạo để chống việc sạt lở bờ bao, có hệ thống chống lũ nên nó cũng đảm bảo. Nhưng nếu mưa to kéo dài một tuần lễ cũng có nguy cơ có xảy ra vỡ bờ bao, hiện giờ thì chưa vô mùa mưa lớn.”
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Anh Hải ở thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân lo lắng:
“Sợ là sợ đến mùa bấc, từ tháng 9 đến tháng 3 âm lịch năm sau. Mùa bấc là gió từ hướng đó thổi về nhà dân đang ở. Cái bãi xỉ nằm ở phía bắc xã Vĩnh Tân, và nhà dân thì ở hướng tây nam, nếu mà gió thổi về hướng tây nam thì dân người ta chịu hết.”
Ảnh minh họa: Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2.
Ảnh minh họa: Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Photo: RFA
Tuy nhiên, một người dân không muốn nêu tên ở Vĩnh Tân thì cho rằng, dù không phải mùa gió bấc thì tro bụi vẫn phát tán ra môi trường:
“Kể cả không có gió bấc về thì bụi bặm trong nhà lúc nào cũng đầy dẫy, tro nó bay trên bầu trời đấy. Cứ mỗi một cái lò thì mỗi ngày thải ra khoảng 3.000 tấn tro, mà hiện nay nhà máy 1, 2, 4 đang chạy tổng cộng 6 lò, như vậy theo lý thuyết mỗi ngày thải ra khoảng 18 ngàn tấn tro. Mà đặc thù của tro than đá là rất nhẹ, chỉ một ngọn gió là nó bay.”
Khói bụi và xỉ than từ các nhà máy nhiện điện Vĩnh Tân từng được nhiều chuyên gia khoa học tại Việt Nam cảnh báo sẽ gây tác hại lâu dài đến môi trường. Không chỉ ô nhiễm không khí, mà những người làm nghề nuôi trồng thủy sản ở Vĩnh Tân cũng gặp không ít khó khăn do tôm, cá nuôi lồng bè bị chết nhiều. Vào cuối tháng 6 năm 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận cho biết  xuất hiện hiện tượng cá chết hàng loạt tại khu vực nuôi cá lồng bè gần nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân.

Dân “sợ” chính quyền không dám nói

Trước đó vào tháng 4 năm 2015, cư dân xã Vĩnh Tân huyện Tuy Phong bức xúc vì đã phải hít thở bầu không khí ngập ngụa khói bụi xỉ than được xả thải từ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, nên đã cùng nhau biểu tình chặn Quốc lộ 1A trong 30 giờ. Trong quá trình chặn quốc lộ 1A, nhiều người được cho là quá khích khi dùng đá, bom xăng tấn công lực lượng chức năng khiến nhiều người bị thương. Sau đó hàng chục người đã bị nhà cầm quyền truy tố vì quá khích gây rối.
Người dân không muốn nêu tên ở Vĩnh Tân cho biết thêm:
“Dân ở đây họ khờ khạo quá, họ ngây thơ quá. Nước tưới xỉ than nó thẩm thấu ra xung quanh khu người ta trồng cây trôm thì nó chết thôi. Còn cách đây khoảng hai tháng cá người ta nuôi lồng bè chết rất nhiều, mỗi hộ thiệt hại hàng trăm triệu, có hộ cả tỷ. Nói chung là nguy hiểm lắm nhưng không hiểu sao chính quyền họ làm ngơ. Bà con mình thì trình độ dân trí thấp, sau vụ biểu tình hồi năm 2015 chính quyền truy tố mấy chục người, rồi bây giờ họ sợ họ đâu dám rục rịch nữa. Ai mở miệng ra họ cũng sợ, thậm chí họ chấp nhận hít tro bụi chứ không dám nói.”
Theo Anh Phan Trúc, Trưởng thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân, đất xung quanh bãi xỉ đã nhiễm mặn hết, nên không thể nuôi trồng gì được, Anh nói tiếp:
“Nhiễm mặn từ cái bãi than nên hiện nay khu vực đó không trồng trọt cái cây gì được hết, trồng cây gì cũng chết, nước giếng cũng không sử dụng được, không có chăn nuôi được, vì nó nhiễm mặn rồi lấy đâu mà chăn nuôi.”
Sau vụ biểu tình hồi năm 2015 chính quyền truy tố mấy chục người, rồi bây giờ họ sợ họ đâu dám rục rịch nữa. Ai mở miệng ra họ cũng sợ, thậm chí họ chấp nhận hít tro bụi chứ không dám nói.
-Người dân Vĩnh Tân
Người dân thôn Vĩnh Phúc kể lại, cách đây không lâu, khi trời mưa, nước trong bãi xỉ tràn ra, không chỉ làm cây cối chết, mà còn làm ngập đường, nên nhà máy Vĩnh Tân làm một con kênh để thoát nước. Tuy nhiên, Anh Hải ở thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân lại tỏ ra lo lắng về giải pháp này:
“Bây giờ nó làm một cái mương thoát nước lớn lắm. Nó làm từ trong bãi xỉ về thẳng cầu Vĩnh Hảo, nếu có nước thì nước từ trong bãi xỉ chảy thẳng về cầu Vĩnh Hảo, rồi chắc chảy ra biển chứ chảy đâu nữa. Nước chảy về cầu, cầu chảy ra biển. Cái đó là nó ô nhiễm đến môi trường biển nữa.”
Chúng tôi nêu vấn đề tồn đọng xỉ than ở Vĩnh Tân với Giáo sư Phạm Ngọc Đăng, giám đốc Trung tâm Kinh tế Môi trường Đầu tư và Khu công nghiệp thuộc Đại học Xây dựng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng, thì được ông cho biết như sau:
“Theo tôi vấn đề này thì các nhà máy nhiệt điện ở phía bắc đều đã giải quyết được rồi, tức là cái bụi bay của xỉ than thì người ta làm phụ gia cho xi măng, vật liệu xây dựng, độn đường, gạch không nung… Vĩnh Tân thì mới quá, ở trong miền trung thì từ cơ quan địa phương, cơ quan chuyên môn cũng chưa biết cách giải quyết.”
Tuy nhiên, Ông Phạm Khánh Toàn, Viện trưởng Viện Năng lượng và Môi trường thuộc Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam EVN thì cho rằng cái khó là vấn đề tìm đầu ra cho giải pháp:
“Tóm lại cái giải pháp cho việc tồn đọng xỉ than có thể đưa ra, nhưng nói thật là đầu ra cho giải pháp đó lại không có. Thí dụ người ta phải sử lý cái xỉ than đó để làm vật liệu xây dựng. Nhưng vật liệu xây dựng từ xỉ than lại không có đầu ra cho nó.”
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên - Môi trường, giải pháp để ngăn nước thẩm thấu thì ta phải làm trước khi có bãi thải, từ khi hiết kế nhà máy. Theo ông, đây cũng là kinh nghiệm rất lớn để thấy rằng các giải pháp môi trường phải được tư duy từ sớm, từ khi mà xây dựng nhà máy, chứ không phải để xảy ra sự cố mới kêu gọi các giải pháp.

No comments:

Post a Comment