Sunday, October 7, 2018

Lòng dân trăm mối tơ vò



Kể từ khi ông Nguyễn Phú Trọng được giới thiệu để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước, “lòng dân” lại được khai thác triệt để nhằm ủng hộ vị Tổng Bí thư.

Đơn cử, ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, phát biểu trên báo điện tử VOV rằng, “tôi rất mừng nếu Tổng Bí thư được bầu làm Chủ tịch nước bởi đây là phương án hợp lòng dân”.
Còn ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương Đảng, thì nói trên tờ Viettimes: “Tôi không ngạc nhiên, bởi đó là ý Đảng, lòng Dân.”
Một nhân vật khác, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cũng nói trên tờ Soha: “Đến nay, việc Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước đã chín muồi, là phương án tốt nhất, hợp lòng dân, phù hợp với xu hướng chung.”
Dường như một cỗ máy truyền thông đang rầm rộ “làm công tác tư tưởng” cho dân chúng và xây dựng tính chính danh cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, dọn đường dư luận cho ông nắm giữ vị trí nguyên thủ quốc gia trong vài tuần tới.

Tại sao phải dọn đường dư luận?

Việc ông Nguyễn Phú Trọng trở thành Chủ tịch nước giờ đây đã là thực tế hiển nhiên, không cần chờ Quốc hội quyết định. Trong cơ chế chính trị một đảng cầm quyền ở nước ta, Quốc hội không làm được gì nhiều hơn là cơ quan hợp thức hoá các quyết định của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Trọng được 100% uỷ viên của cơ quan quyền lực bậc nhất của đảng giới thiệu ra Quốc hội thì có nghĩa là mọi sự đã an bài, sao vẫn cần dọn đường dư luận?
“Lòng dân” là một trong những khái niệm quan trọng bậc nhất trong khoa học chính trị. Trong tiếng Anh, từ này được gọi là “the people’s will”, nôm na là “ý chí của nhân dân”, hay dùng chữ của triết gia Pháp Jean-Jacques Rousseau là “the general will”, hay là “ý chí chung”.
Vốn dĩ xưa kia vua chúa lên ngôi là do thừa kế từ hoàng tộc chứ không cần quan tâm đến lòng dân. Mọi sự chỉ thay đổi từ khi có một thứ gọi là “dân chủ” (democracy) ra đời. Dân chủ nghĩa là dân làm chủ, mà biểu hiện rõ nhất là người dân bầu ra người đứng đầu chính quyền. Cơ chế này ban đầu xuất hiện ở Hy Lạp và La Mã cổ đại, thời kỳ trước Công nguyên. Tuy nhiên, dân chủ thời đó cũng khác xa với dân chủ thời nay. Khái niệm “dân” thời kỳ đó cũng chỉ bao gồm đàn ông tự do và có tài sản. Phụ nữ, nô lệ, dân lao động chân lấm tay bùn không có cửa bước vào chốn quan trường.
Những nền dân chủ sơ khai đó tồn tại được vài trăm năm thì lụi tàn, thế giới quay trở lại với sự thống trị của vua chúa và các thế lực tôn giáo trong hơn 1.500 năm sau đó. Các cuộc biến đổi chính trị sâu sắc ở châu Âu đã dẫn đến thời kỳ Khai Sáng với sự ra đời của những học thuyết chính trị mới mẻ vào thế kỷ 17, 18. Trong đó, đáng kể nhất là khái niệm “khế ước xã hội” do các triết gia như Thomas Hobbes, John Locke, hay Jean-Jacques Rousseau khởi xướng.
Một ý niệm lạ lẫm ra đời: mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng, quyền lực trong xã hội thuộc về nhân dân, và chính quyền là do dân chúng lập ra thông qua các “khế ước xã hội”.
Đó là đòn kết liễu cho quyền lực của các “thiên tử” nhân danh Trời và thế lực thần quyền nhân danh Chúa thống trị thế giới. Nó mở ra thời kỳ ra đời của các nền dân chủ, nơi chính quyền được lập ra thông qua các cuộc bầu cử định kỳ, hoạt động dựa trên nguyên lý chính quyền “của dân, do dân, vì dân”, nghĩa là nhân danh Dân. Bản “khế ước xã hội” nổi tiếng nhất là bản Hiến pháp Mỹ, ra đời năm 1787, vốn mở đầu bằng cụm từ “we the people”, nghĩa là “người dân chúng ta”.
Điều đó có nghĩa rằng, tính chính danh của một chính quyền, cái lý do cho sự tồn tại của một chính quyền, cái lý do cho chiếc ghế quyền lực của một nguyên thủ quốc gia, nằm cả ở “lòng dân”. Chuyện này cũng chẳng cần ông bà triết gia Tây phương nào nói thì ta mới biết. Cụ Nguyễn Trãi xưa, từ thế kỷ 13, cũng đã tám lần nhắc đến “dân” trong “Bình Ngô đại cáo”, chẳng hạn như “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, “Nhân họ Hồ chính sự phiền hà, Để trong nước lòng dân oán hận”.
Ngày nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều tự xưng là các nền dân chủ và có tổ chức bầu cử định kỳ, trong đó có Việt Nam. Nếu có điều gì đó hay ho mà ông Hồ Chí Minh học được từ phương Tây thì đó chính là ý tưởng dân chủ, khi ông trích dẫn nguyên lý “mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng” trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 và thiết lập nên chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Các bản Hiến pháp của Việt Nam từ đó đến nay đều ghi nhận nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
Vậy nên lẽ dĩ nhiên, dù đã nắm chắc chiếc ghế quyền lực trong tay thông qua một hội nghị với gần 200 người của một đảng chính trị vốn chỉ có bốn triệu đảng viên trên 100 triệu dân, người ta vẫn cần viện đến “lòng dân” để biện minh cho quyền lực của vị Chủ tịch nước tương lai, cho dù vị Chủ tịch nước đó mang dáng dấp của một ông vua nhiều hơn là một lãnh đạo dân cử.

Đo lòng dân bằng cách gì?

Chiến dịch truyền thông “lòng dân”, trên thực tế, hết sức khiên cưỡng và nhiều khả năng phản tác dụng. Lý do là các cơ quan truyền thông của đảng đã tuyên bố giành được “lòng dân” mà không hỏi dân một lời.
Muốn biết lòng dân ra sao thì cách tốt nhất là phải hỏi dân. Trên thế giới, người ta có mấy cách hỏi.
Một là bầu cử. Muốn biết ông Nguyễn Phú Trọng có được “lòng dân” ủng hộ làm Chủ tịch nước hay không thì phải để cho người dân được bỏ phiếu một cách tự do. Bỏ phiếu tự do ở đây nghĩa là người dân có nhiều lựa chọn bên cạnh ông Trọng và bỏ phiếu cho bất kỳ ai họ thích, không bị ép buộc phải bầu cho ai. Điều này cũng tương tự như các cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp ở Pháp, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Indonesia, Đài Loan, Hàn Quốc, v.v. Một số nơi thì bầu cử tổng thống một cách gián tiếp như Mỹ chẳng hạn. Trong các nước theo chế độ nghị viện như Đức, Anh, Úc thì người đứng đầu chính phủ sẽ do đảng chiếm đa số trong quốc hội cử ra sau một cuộc bầu cử quốc hội.
Cách thứ hai là tổ chức trưng cầu dân ý. Trưng cầu bằng cách bỏ phiếu giống như bầu cử, tuy nhiên kết quả trưng cầu có thể có giá trị bắt buộc hoặc tham khảo, tuỳ trường hợp và tuỳ nước. Nhưng có lẽ chẳng có nước nào trưng cầu dân ý cho vị trí nguyên thủ quốc gia mà chỉ qua bầu cử như cách (1) mà thôi.
Một cách nữa để biết lòng dân là thông qua các cuộc khảo sát, thăm dò ý kiến. Ở nhiều nước có nhiều công ty được lập ra để chuyên đi khảo sát ý kiến công luận về đủ mọi vấn đề: thuế, môi trường, chiến tranh, chỉ số tín nhiệm của quan chức, v.v. Có thể kể ra vài cái tên như Pew, Gallup, ComRes, YouGov, v.v. Các tờ báo lớn cũng thường tự mình trưng cầu ý kiến công chúng hoặc thuê các hãng kể trên làm hộ. Dĩ nhiên, các khảo sát này chỉ hỏi ý kiến được một lượng nhỏ dân chúng, lên đến vài chục nghìn phiếu khảo sát đã là rất lớn. Khả năng kết quả khảo sát chêch lệch so với thực tế là đáng kể. Hồi năm 2016, hầu hết các bảng khảo sát đều cho thấy Hillary Clinton sẽ đắc cử tổng thống Mỹ, nhưng sau cùng Donald Trump mới là người chiến thắng.
Ngày nay, với cái gọi là dữ liệu lớn (big data) thu thập được từ Internet, người ta cũng có thể biết được lòng dân thông qua phân tích các dữ liệu này.
Với những cách thức như vậy, người ta biết được rằng, lòng dân cũng có năm bảy loại lòng. Barack Obama có giỏi lắm cũng chỉ kiếm được 51,1% phiếu phổ thông và 61,72% phiếu đại cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2012. Hay như ông Emmanuel Macron hồi năm 2017 cũng chỉ có 66,1% phiếu trong bầu cử tổng thống Pháp. Số còn lại là “thành phần chống đối” hoặc ít nhất là không ủng hộ.
Tuy nhiên, cách thức truyền thông của Đảng Cộng sản Việt Nam có vẻ như chủ ý lập lờ, không nói rõ các luồng ý kiến khác nhau trong công luận mà chỉ đưa ý kiến có lợi cho ông Trọng.

Những thứ không được coi là lòng dân

Nhìn lại quá khứ, đảng dường như chỉ cần đến một thứ lòng dân do họ tưởng tượng ra hoặc khuyếch đại lên mỗi khi cần biện minh cho một việc làm nào đó gây tranh cãi nhưng có lợi cho họ. Còn những biểu hiện thực tế của lòng dân mà bất lợi cho họ thì ít khi được tính đến và không bao giờ được nhắc đến.
Hãy lấy vụ biểu tình Formosa năm 2016 làm ví dụ. Đầu tháng 5/2016, liên tiếp hai cuộc biểu tình ngày 1 và ngày 8 diễn ra với hàng ngàn người ở Hà Nội và Sài Gòn, phản đối việc công ty Formosa xả thải ra biển và yêu cầu chính quyền xử lý thích đáng. Nhiều cuộc biểu tình khác cũng nổ ra rải rác từ đó cho đến nay ở vùng Nghệ An, Hà Tĩnh với quy mô thậm chí còn lớn hơn. Tuy nhiên, không có lãnh đạo, nguyên lãnh đạo hay cơ quan báo chí nhà nước nào gọi đó là “lòng dân”. Kết quả là cho đến nay, Formosa vẫn hoạt động bình thường ở Việt Nam sau một thoả thuận bí mật bồi thường 500 triệu đô-la, trong khi hầu hết các thông tin khác về kết quả xử lý đều không được công khai.
Một cuộc biểu tình phản đối Formosa ở Sài Gòn, ngày 1/5/2016. Ảnh: Chưa rõ nguồn.
Một ví dụ khác là Luật An ninh mạng năm 2018. Nếu quan sát phản ứng trên Internet và kể cả ngoài đường, người ta dễ dàng nhận thấy làn sóng phản đối là rất lớn. Nó lớn đến đâu thì không ai dám chắc, nhưng dù sao đó vẫn là “lòng” của một bộ phận “dân”. Tuy nhiên, đảng lẫn Quốc hội đều không tính đến thứ lòng dân đó và kiên quyết thông qua đạo luật này vào ngày 12/6.
Còn một thứ lòng dân nữa, âm ỉ hơn nhưng rộng lớn hơn và quyết liệt hơn, đó là dòng dân oan bị cưỡng chế đất hoặc bị xét xử oan sai. Kể tên ra thì vô cùng nhiều, nhưng có thể kể đến dân oan mất đất hoặc có thể mất đất ở Văn Giang, Dương Nội, Đồng Tâm, Thủ Thiêm, hay người dân bị xét xử oan sai như Hồ Duy Hải, Lê Văn Mạnh, Nguyễn Văn Chưởng, Đặng Văn Hiến, v.v.
Tất cả những biểu hiện đó không được gọi là “lòng dân”. Thứ họ bị chính quyền chụp vào đầu là “chống đối”, “phản động”, “bị giật dây”, “Việt Tân”, v.v. Nhiều người trong số họ còn bị đánh đập, bắt bớ và bỏ tù. Ngay cả khi hoãn Luật Đặc khu năm 2018 hay ngừng chặt cây xanh ở Hà Nội năm 2015, chính quyền cũng không gọi những cuộc biểu tình trước đó là “lòng dân”.
Cứ cho rằng ngày hôm nay lòng dân đang ủng hộ ông Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước, liệu mai kia khi đã ngồi vững trên chiếc ghế đó rồi, ông có để ý đến những lòng dân còn đang ngổn ngang trăm mối kia không?
Trịnh Hữu Long 

No comments:

Post a Comment