"Nhiều người nói tôi đi khiếu nại khi tóc còn xanh mà bây giờ nhìn xem tóc tôi đã bạc trắng." - Trần Thị Mỹ, cư dân Thủ Thiêm.
S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) - “Một lần tôi quay cảnh ông thăm đồng bào nông dân ở Hải Dương, mùa hè năm 1957. Sáng sớm hôm ấy trời mưa to, trên đường còn lại những vũng nước lớn. Ðến một đoạn đường lầy lội ông tụt dép, cúi xuống xách lên. Trong ống ngắm của máy quay phim tôi nhìn rõ hai bên vệ cỏ không bị ngập. Tôi chợt hiểu: ông không đi men vệ đường bởi vì ông muốn chưng đôi dép.
Vì lòng kính trọng đối với ông, không muốn rồi đây người xem sẽ nhận ra trên màn ảnh lớn diễn xuất lộ liễu, tôi tắt máy. Nghe tiếng cái Eymo 35 đang kêu xè xè đột ngột im tiếng, ông ngẩng lên nhìn tôi, nhưng ngay đó ông hiểu ra.” (Vũ Thư Hiên. Đêm Giữa Ban Ngày. California: Văn Nghệ, 1997).
Nhờ “lòng kính trọng” của tác giả đoạn văn thượng dẫn nên màn “chưng dép” của ông Hồ Chí Minh đã không gây ra điều tiếng eo sèo gì ráo. Thiệt là quý hoá và may mắn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có sự may mắn tương tự với dầy và dép. Cách đây hai năm, có hôm, nhật báo Người Việt ái ngại loan tin:
Từ chiều 25 Tháng Năm, trên các mạng xã hội lan truyền “chóng mặt” hình cán bộ vừa rời khỏi xe công vụ liền được một ông bảo vệ cõng đưa lên bậc tam cấp của hội trường, khiến dư luận “dậy sóng.”
Tin Tuổi Trẻ cho biết, người được bảo vệ cõng trong hình là ông Nguyễn Ngọc Niên, tổng biên tập báo Nhà Báo và Công Luận của Hội Nhà Báo Việt Nam.
Tấm hình này được chụp trước bậc tam cấp của hội trường Học Viện Chính Trị Quốc Gia Hồ Chí Minh vào sáng 25 Tháng Năm, nơi chuẩn bị tổ chức “hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết đại hội lần thứ XII đảng,” dành cho trên 850 lãnh đạo các cơ quan báo chí, xuất bản của 25 tỉnh, thành phố phía Bắc.
Nói qua điện thoại với Tuổi Trẻ sau khi bức ảnh được phát tán trên mạng, ông Nguyễn Ngọc Niên cho biết không biết ai chụp và vì sao lại đưa bức ảnh này lên mạng...
Ảnh: CTV
Tôi cũng có nỗi thắc mắc tương tự: Chuyện có gì lạ đâu “vì sao lại đưa bức ảnh này lên mạng?” Báo Dân Trí, số ra ngày 19 tháng 9 năm 2018, vừa cho hay:
“Cứ 7 lao động phải ‘nuôi’ 1 công chức, viên chức và người hưởng lương. Theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 01/07/2017, cả nước có hơn 3,8 triệu cán bộ công chức, viên chức và người hưởng lương, mức tăng 11,3% so với năm 2012. Nếu so sánh với tổng số lao động hơn 26,9 triệu lao động, bình quân cứ 7 lao động đang làm việc sẽ phải nuôi một cán bộ công chức, viên chức và người hưởng lương.”
Toàn dân nai lưng nuôi nấng cán bộ trọn đời như thế mà có ai dám ta thán gì đâu. Thỉnh thoảng - vào lúc gió mưa - cõng mấy ổng/mấy bả thêm năm ba phút (cho khỏi ướt giầy) nào phải là chuyện lớn, đáng để phàn nàn. Điều cần phàn nàn, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan là: “Không có lý gì mà người dân và doanh nghiệp phải nộp thuế để nuôi các cán bộ gây cản trở cho mình và ‘lạnh tanh với sự phát triển của đất nước.”
Bà Lan nói đúng nhưng e chưa đủ. Cán bộ nhà nước không chỉ “cản trở” công ăn việc làm của người dân, và “lạnh tanh với sự phát triển của đất nước” mà còn “ăn của dân không từ thứ gì” ráo - kể cả đất đai. Trong vụ ăn đất ở Thủ Thiêm lại vừa có “sự cố” không hay, liên quan đến chuyện dép dầy, được fb Hoàng Minh mô tả là chiếc dép đi vào lịch sử:
“Cả nhà nuôi giấu cách mạng, cha là tù chính trị, nhưng cả nhà chị Nguyễn Thị Thùy Dung lại bị mất đất trong uất ức. Hôm nay, chị là một trong 5 người đến sớm nhất nhưng khi đăng ký ‘phiếu phát biểu’ lại là số 39 trong khi mọi người chỉ được phép phát biểu trong 120 phút. Những uất ức dồn nén vào chiếc dép hiệu Uyên (sản xuất tại quận 2) đã bay thẳng vào cán bộ.”
FB Lê Luân Quang cho biết thêm đôi ba chi tiết:
“Đây là chiếc guốc của một cô gái trẻ ném thẳng vào mặt bà Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm tại Hội nghị tiếp xúc cử tri quận 2 vào sáng ngày 20/10/2018. Đây cũng là ngày lễ kỷ niệm Phụ Nữ VN trên toàn quốc.
Được biết, cô gái ấy tên là Nguyễn Thị Thùy Dung, người đại diện ‘bất đắc dĩ’ cho hàng ngàn dân oan bị chính quyền cướp đất tại Thủ Thiêm, q2, mà họ đã khiếu kiện các cấp chính quyền lẫn CP suốt 20 năm ròng nhưng không có kết quả. Đó là sự phản kháng trong bế tắc của đại diện cho cái nôi cách mạng...
Cũng như chiếc dép ném thẳng vào mặt Phó Chánh toà cao cấp Trần Văn Tuân trong buổi xin lỗi ông Hàn Đức Long, người bị tuyên án tử hình oan và ngồi tù 11 năm, ngày 25/4/2017. Chiếc guốc của chị Dung là một cuộc đấu tranh tự phát, thể hiện sự vùng lên cuối cùng trong nỗi cô đơn đầy tuyệt vọng.
Nhưng đó cũng là dấu ấn khởi đầu cho một vùng đất mà sự bùng nổ của nỗi uất hận vì bị đối xử bất công đã lên đến tột đỉnh của sự kiềm chế. Nó cũng đánh dấu cho sự ô nhục và bất lực của một chế độ không kiểm soát được quyền lực của băng nhóm tư bản đỏ tham tàn. Và cũng có thể, chiếc guốc này báo hiệu cho một sự suy tàn không thể cứu vãn của đế chế độc tài tàn bạo tại VN.”
FB Khang Nguyên gửi theo đôi ba lời bình:
“Bất lực trước đất đai, nhà cửa bị ‘cưỡng chiếm’; bất mãn trước cách giải quyết kém cỏi, trơ trẽn của giới lãnh đạo, người dân đã chọi chiếc giầy vào mặt những kẻ này để bày tỏ sự bức xúc, nỗi bất mãn và sự xem thường những kẻ luôn mang tiếng rằng sẽ đại diện, mang lại công bằng cho họ.
Cái mà người ta vẫn thường đeo hàng ngày để bảo vệ đôi chân tránh đạp phải những thứ bẩn thỉu, nhơ nhuốc thì nay bay thẳng vào mặt chính quyền. Tôi nói thật, không có cái nhục nhã nào bằng khi kẻ quyền lại bị người dân khinh rẻ đến thế.”
FB Uyên Vũ cũng thế:
“Tuy chưa trúng đích nhưng khi chiếc dầy bay đi nó đã thoát thân phận để biểu thị cho lòng dân.”
FB Thu Hồng Trần kết luận:
“Tôi thật sự sợ ! Không phải sợ chiếc chiếc giày sandal mà sợ lòng dân vì chính họ bảo không còn gì để mất... đêm nay không biết lãnh đạo có họp khẩn không ? Hay ngủ ngon !? Ái da ... tức nước thì bờ vỡ thôi!”
Chắc chưa thể vỡ ngay đâu nhưng cũng sắp rồi!
21.10.2018
No comments:
Post a Comment