RFA-2018-10-19
Poster Phản đối Luật An Ninh Mạng-Amnesty International
Bảo vệ trật tự an ninh mạng?
Theo ý kiến của Luật sư Hà Huy Sơn nói với RFA, chính phủ luôn có xu hướng muốn quản lý tất cả động thái của người dân, do đó Nghị định dễ xâm phạm vào quyền của công dân vốn được Hiến pháp qui định. Và cũng theo Luật sư Sơn, những văn bản dưới luật như Nghị định, văn bản, thì không rõ ràng và trái ngược lại với chính Hiến pháp và không có cơ quan nào có thể điều chỉnh, hạn chế trong thể chế của Việt Nam hiện nay.
Vấn đề này cũng được nhà báo Mai Tú Ân đề cập trong một bài viết ký tên ông rằng: “Quả thực đây là một mớ văn bản lộn xộn dưới Luật đã được Bộ CA soạn thảo tỉ mỉ nhằm chống lại những kẻ thù của chính quyền trên mạng và sẽ để trình chính phủ và có Trời sập cũng không cản được văn bản này sẽ được ký kết và đưa ra thi hành vào đầu năm tới.”
Một ý kiến khác đối lập hẳn đến từ Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. HCM đưa ra sau khi so sánh với Luật An ninh mạng của các quốc gia khác.
“Theo Hiến pháp tại Việt Nam, Điều 14 có nói rằng “Quyền con người và quyền công dân chỉ bị hạn chế theo luật định” Do đó Luật An ninh mạng qui định hạn chế quyền của họ trong những trường hợp sau đây, đó là xâm phạm đến an ninh quốc gia, hai là xâm phạm trật tự xã hội của nước đó, ba là xâm phạm đến đạo đức xã hội và bốn là xâm phạm quyền con người, quyền riêng tư của 1 người, thì người ta có quyền hạn chế.
Do đó khi ban hành Luật An ninh mạng thì Việt Nam cũng đã nghiên cứu rất nhiều luật, ví dụ như Trung Quốc.”
Theo cách phân tích của Luật sư Nguyễn Văn Hậu, ông cho rằng mục đích chính của Luật An ninh mạng nhằm bảo đảm trật tự an ninh trên không gian mạng.
“Phải xác thực người dùng. Hiện nay không gian mạng phải có 1 trật tự, bởi vì họ xâm phạm, lừa đảo, nói xấu trên mạng, xâm phạm quyền con người và quyền công dân. Họ nói xấu thậm chí xuyên tạc lịch sử. Những vấn đề đó phải có trật tự.”
Phải xác thực người dùng. Hiện nay không gian mạng phải có 1 trật tự, bởi vì họ xâm phạm, lừa đảo, nói xấu trên mạng, xâm phạm quyền con người và quyền công dân. Họ nói xấu thậm chí xuyên tạc lịch sử. Những vấn đề đó phải có trật tự. - Luật sư Nguyễn Văn Hậu
Ông chia sẻ chính cá nhân ông và những đồng nghiệp khác rất quan tâm đến những thông tin không trung thực đang bị lạm dụng bởi mạng xã hội. Những thông tin đó đang xâm phạm đến lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân.
Cách hạn chế tác hại
RFA đặt vấn đề liệu văn bản Nghị định Luật An ninh mạng được thực thi sẽ dẫn đến hệ quả là có ngày càng nhiều những bản án với con số chục năm dành cho người dùng mạng xã hội để bày tỏ quyền tự do ngôn luận hay không? Trả lời vấn đề này, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai bày tỏ điều ông lo lắng:
“Tôi thì thấy có 1 điều rất khó tin và nguy hiểm, hướng dẫn do Bộ Công an làm đấy nó vô hiệu hoá Toà án và tư pháp, nó trở thành sự tuỳ tiện muốn nghi ai, bắt ai cũng được.
Đúng ra trong pháp luật, Hiến pháp Việt Nam khẳng định 1 người chỉ được, hoặc bị kết luận là phạm tội đều phải do 1 phán quyết của Toà án, chứ không như bây giờ là bất cứ cơ quan hành chính nào, cấp công an nào cũng có quyền quyết định người này hay người kia phạm tội.”
Nhận định này đã từng được Luật sư Đặng Đình Mạnh bày tỏ với ý kiến đồng thuận rằng:
“Nó lấn sân rất nhiều đối với cơ quan tài phán. Gần như là mọi hành vi của cơ quan công an và cơ quan an ninh sẽ vượt mặt cơ quan tài phán.”
Những người lên tiếng trên mạng phải có dẫn nguồn thông tin, xem xét thông tin đó có xác thực hay không để mình chịu trách nhiệm về những thông tin đó, từ đó đưa ra quan điểm bình luận. Khi đưa ra quan điểm thì cũng nên nói rõ là quan điểm cá nhân. Vì luật pháp không cấm quan điểm cá nhân và vấn đề nhận thức. - Luật sư Hà Huy Sơn
Tuy là Luật An ninh mạng đến ngày 1/1/2019 mới chính thức có hiệu lực, nhưng nhiều nhà hoạt động xã hội đã lên tiếng nói rằng luật này đã và đang được âm thầm thi hành từ nhiều tháng qua. Nhà báo Mai Tú Ân có viết rằng: “Mặc dù phải đến đầu năm tới thì luật An Ninh Mạng (Bộ luật mà Quốc Hội Việt Nam đã thông qua ngày 12/6/2018) mới chính thức áp dụng nhưng những "làn sóng xung kích" của bộ luật này đã lai rai tàn phá cộng đồng mạng, trong đó có việc đóng cửa khóa nick facebook của một số người viết phản biện đông khách của Việt Nam.”
Không chỉ riêng động thái gỡ bài, khoá tài khoản mạng xã hội, người dân trong nước và cả giới luật sư còn cho rằng với dự thảo Nghị định Luật An ninh mạng được ban hành, thì những bản án khắc nghiệt như của nhà hoạt động Lê Đình Lượng, 20 năm tù giam sẽ diễn ra rất nhiều trong xã hội Việt Nam. Họ lo ngại sẽ có rất nhiều những con người bị kết án bởi Điều 88, Điều 256, Điều 79.
Tuy nhiên, khi RFA đề cập sự lo ngại này với Luật sư Nguyễn Văn Hậu thì có ý kiến phản biện với dư luận trong nước:
“Đúng là trong thời gian qua có 1 số bản án oan với 1 số người. Những bản án đó đã được công khai trên báo chí và Toà án Nhân dân tối cao đã có những án lệ rút kinh nghiệm những việc xử đó.
Việc bình luận bản án đúng hay sai mỗi người có 1 quan điểm riêng. Ví dụ như mọi người thấy sai nhưng tôi thấy đúng. Nhưng với góc độ chuyên gia thì chúng ta phải căn cứ vào những luật mà Việt Nam qui định. Ví dụ cái luật đó và bản án đó chỉ có cơ quan đại diện quyền lực là cơ quan Tư pháp quyết định đúng hay sai.
Cho nên chúng ta có quyền bình luận cái đúng hay sai, nhưng sự bình luận đó đừng bao giờ xâm phạm vào quyền riêng tư hoặc xâm phạm vào 1 cơ quan tổ chức khác, 1 người thứ 3 khác. Chúng ta có thể bình luận nhưng cái bình luận đó phải có lý và có văn hoá. Tôi không đồng tình với những bình luận không có cơ sở và căn cứ.”
Tôi thì thấy có 1 điều rất khó tin và nguy hiểm, hướng dẫn do Bộ Công an làm đấy nó vô hiệu hoá Toà án và tư pháp, nó trở thành sự tuỳ tiện muốn nghi ai, bắt ai cũng được. - Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai
Quan điểm này cũng là ý kiến được chia sẻ từ Luật sư Hà Huy Sơn.
“Những người lên tiếng trên mạng phải có dẫn nguồn thông tin, xem xét thông tin đó có xác thực hay không để mình chịu trách nhiệm về những thông tin đó, từ đó đưa ra quan điểm bình luận. Khi đưa ra quan điểm thì cũng nên nói rõ là quan điểm cá nhân. Vì luật pháp không cấm quan điểm cá nhân và vấn đề nhận thức.”
Trở lại với ý kiến của luật sư Nguyễn Văn Hậu, ông nhấn mạnh thêm ở không gian mạng, mỗi người trong xã hội có quyền bình luận hoặc khác nhau về chính kiến, nhưng tuyệt đối đừng bao giờ xâm phạm đến người khác.
Và theo ông, điều mà ông gọi là “trật tự không gian mạng” này phải được Luật An ninh mạng qui định.
Hiện tại trên mạng xã hội có rất nhiều ý kiến, bài viết cá nhân bày tỏ quan điểm bất bình về văn bản Dự thảo Nghị định Luật An ninh mạng.
Về phía quốc tế, ngày 12/6/2018, có 17 nhà lập pháp Mỹ kêu gọi giới chức điều hành cấp cao Facebook và Google chống lại Luật An ninh mạng mà chính phủ Việt Nam vừa thông qua hôm 12 tháng 6.
Riêng nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai dự liệu rằng, nếu chính phủ Việt Nam đồng ý thông qua văn bản Nghị định này, thì sẽ “đẩy xã hội Việt Nam đi tới 1 thái độ bất tuân dân sự - quyền cuối cùng của người dân Việt Nam.”
No comments:
Post a Comment