Theo BBC-5 giờ trước
Ý kiến luật sư sau vụ một phụ nữ ở Khánh Hòa chết trong đồn công an, cho rằng cần giám sát để đảm bảo minh bạch khi dân làm việc với chính quyền.
Thêm một vụ dân chết trong đồn công an
Nạn nhân là bà Huỳnh Thị Nhung (1973, ngụ Dục Mỹ, Ninh Xiêm, Ninh Hoà, Khánh Hoà).
Ông Chinh, chồng bà Nhung nói với BBC hôm 15/10 rằng gia đình đã đưa bà Nhung về nhà để lo hậu sự. Ông Chinh cũng cho biết hiện tại gia đình quá bối rối và ông không muốn nói gì thêm.
Theo thông tin từ Facebook của nhà báo Hoàng Khương, anh họ ông Chinh, sự việc xảy ra hôm 13/10, khi công an thị xã Ninh Hòa "ập vào nhà" vợ chồng em ông.
Ông Khương viết trên Facebook: "Đến 15 giờ cùng ngày, em dâu tôi là Huỳnh Thị Nhung (1973, ngụ Dục Mỹ, Ninh Sim, Ninh Hoà, Khánh Hoà) bị đưa về trụ sở công an thị xã lấy lời khai về việc kinh doanh nhà trọ có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
8 giờ sáng hôm nay, 14-10, em họ tôi nhận được điện thoại từ chủ tịch xã Ninh Sim thông báo Nhung đã chết tại cơ quan điều tra Công an thị xã Ninh Hoà, hiện đang khám nghiệm tử thi.
Khi gia đình em tôi có mặt tại trụ sở Công an thị xã thì một vài vị công an mặt thường phục lạnh lùng thông báo em dâu tôi đã tự sát vào lúc 22 giờ. Trong lúc lấy lời khai, Nhung đã chụp chiếc kéo để sẵn trên bàn và tự đâm nhiều nhát vào ngực, cổ...
Thêm một cái chết đầy... kịch tính xảy ra tại trụ sở công an như biết bao vụ việc đã xảy ra. Lần này là Nhung, em tôi, người đàn bà quê lam lũ, ít học, hiền lành và là mẹ của đứa con... Có ai thống kê giùm trong 3 năm, 5 năm hay 10 năm trở lại đây đã có biết bao người đã chết tại trụ sở công an, nhà tạm giữ, tạm giam..."
Chính quyền nói gì?
Ông Phan Văn Cường, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Khánh Hòa, nói với tờ Pháp Luật TP Hồ Chí Minh là "cơ quan điều tra đang làm rõ nguyên nhân cái chết của bà Huỳnh Thị Nhung".
"Công an thị xã Ninh Hòa mới báo cáo chung chung. Đương sự đến cơ quan công an làm việc, sau đó có xảy ra hiện tượng gì đó, được đưa đến bệnh viện cấp cứu, sau đó nạn nhân tử vong. Sự việc cũng như nguyên nhân tử vong chưa kết luận được. Hiện nay đang điều tra," ông Cường nói.
Ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa, thì cho biết bà Nhung được mời đến công an xã để làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật tại nhà nghỉ do bà Nhung kinh doanh.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn báo Lao Động, một lãnh đạo Hội đồng Nhân dân xã Ninh Sim, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) cho biết: "Sau khi làm việc với công an thì bà Nhung nhìn thấy kéo cắt giấy trên bàn và đâm vào cổ, dẫn đến tử vong".
'Cần có giám sát khi dân làm việc với chính quyền'
Theo quy định hiện nay, trong quá trình làm việc, đối với các vụ việc cơ quan điều tra thực hiện thì trong quá trình lấy lời khai đều phải có camera theo dõi, luật sư Nguyễn Văn Quynh nói với BBC hôm 15/10.
"Nhưng thực tiễn thì đến thời điểm này nhiều cơ quan vẫn trang bị các hệ thống đó."
"Gần đây tôi có làm việc với cơ quan tỉnh Bình Dương trong vụ việc mà tôi đang đảm nhiệm, thì ở đó vẫn chưa có camera. Hỏi thì họ nói là vẫn chưa trang bị được."
"Tuy nhiên không có chế tài nào để xử lý các cơ quan không lắp camera."
Luật sư Quynh cũng cho hay, theo luật tố tụng hình sự, người dân khi được mời lên làm việc với chính quyền thì hoàn toàn có quyền mời luật sư đi cùng để đảm bảo quyền lợi của mình.
"Tuy nhiên cái vướng mắc hiện nay là có một số luật sư, dù đã làm đầy đủ các thủ tục cần thiết, thì sau đó lại công an lại không cho họ làm việc."
"Ví dụ gần đây ở Khánh Hòa có vụ việc chủ tịch xã đã đuổi luật sư ra ngoài, trong khi người dân mời luật sư đi cùng chỉ để tham dự một buổi hòa giải liên quan đến tranh chấp đất đai."
"Những vụ việc này cho thấy các cơ quan công quyền cũng chưa thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, dù được nhà nước giao phó."
Luật sư Quynh nói, theo luật hiện hành, nếu người dân chết trong đồn công an thì công an không chịu trách nhiệm liên đới nào cho tới khi nguyên nhân cái chết được làm rõ.
"Tôi cho rằng trên hết cả người dân và chính quyền đều phải thượng tôn pháp luật. Đối với người dân, không loại trừ có những trường hợp tự tử [trong đồn công an] do bức xúc. Nhưng những vụ việc như vậy cần được làm rõ và có kết luận cụ thể.
"Để đảm bảo có sự minh bạch, cần phải có sự giám sát trong quá trình dân làm việc với chính quyền. Ngoài việc có luật sư, hoặc do chính quyền chỉ định, hoặc do người dân lựa chọn, còn cần có các công cụ như camera giám sát, ghi âm, ghi hình," luật sư Quynh nói với BBC.
Vụ việc bà Nhung chết trong đồn công an chỉ là một trong số nhiều vụ việc tương tự gây bức xúc trong dư luận.
Theo một số liệu của Bộ Công an, từ năm 2011 đến 2014, có 226 người chết trong các trại tạm giữ, tạm giam, chủ yếu do tự sát và bệnh lý.
No comments:
Post a Comment