SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Khi Starbucks khai trương quán cà phê đầu tiên tại Sài Gòn vào đầu năm 2013, đã vô tình đã thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam “mở mặt trận” tấn công cà phê bẩn vốn thống trị lâu nay tại Sài Gòn.
Cuộc chiến chống cà phê bẩn (có hóa chất độc hại), không phải là cuộc chiến về vấn đề đạo đức. Cũng chẳng phải do nhà cầm quyền phát động, đơn giản chỉ là cuộc chiến giành giật thị phần của người tiêu dùng vốn thích uống cà phê nhưng lại… sợ chết.
Vậy nên, muốn chiếm được thị phần cà phê ở Sài Gòn đầu tiên là phải chứng minh cho người tiêu dùng tin tưởng là cà phê của “bổn tiệm” sạch sẽ 100%, tức không dùng phụ gia và hóa chất độc hại. Sau nữa, quan trọng cũng không kém là vấn đề giá cả, phải hợp với túi tiền của đại chúng. Vì cà phê thuộc tốp “thượng tầng” như Starbucks, Trung Nguyên,… giá cả là một sự “cách trở” với số đông người ghiền cà phê có nhu cầu mỗi ngày.
Nhờ công của giới trẻ có học thức, biết quản lý và biết kinh doanh nên giá cà phê trở về với thực tế, hình thành thế trận bao vây và tiêu diệt cà phê bẩn.
Đầu tiên, kể từ 2013, truyền thông ở Sài Gòn sau loạt bài ồn ào bình luận về sự hiện diện của Starbucks, đã đồng loạt nã “pháo bầy” vô cà phê bẩn.
Nếu như trước kia, xuất hiện từ thời bao cấp nghèo đói, cà phê bẩn ở Sài Gòn chỉ là cà phê thiệt pha thêm bắp rang, đậu nành rang… Thì sang thập niên 90, theo như báo chí phân tích, kèm theo những phóng sự người thực việc thực, đã “bắt tận tay, day tận trán” những “lò” sản xuất cà phê bẩn táng tận lương tâm dùng hóa chất tạo bọt, tạo màu (đen), tạo vị đắng (nghét), được mua với giá rẻ mạt tại “chợ tử thần” Kim Biên.
Loạt bài của báo chí-truyền thông về cà phê bẩn tác động mạnh lên “tâm lý đám đông” của người dân Sài Gòn. Rõ ràng lâu nay, cà phê bẩn bao vây cuộc sống, đầu độc họ từng ngày mà họ… không biết, không để ý. Bây giờ, cầm ly cà phê lên, nhìn màu đen kịt của nó biết ngay là giả, nhìn bọt cà phê trong ly biết ngay là hóa chất tạo bọt… Đám đông sợ hãi, trước một thói quen, thức uống quen thuộc từng ngày nay chỉ còn là thuốc độc.
Chớp thời cơ, giới kinh doanh cà phê tung ra các thương hiệu: cà phê “Mộc”; cà phê “Nguyên Chất”; cà phê “Thiệt”… để chiếm thị phần cà phê.
Công bằng mà nói, những thương hiệu trên đều bán cà phê thứ thiệt, và có những thương hiệu vẫn tồn tại đến nay. Nhưng những thương hiệu trên vẫn kinh doanh theo lối cũ, từ cách pha chế, đến quản lý, do vậy sức lan tỏa trong cộng đồng dân uống cà phê không mạnh.
Chỉ đến khi xuất hiện chuỗi cà phê; cà phê nhượng quyền của những công ty kinh doanh theo lối mới nhưng dám “xông vô” thách thức cà phê bình dân thì lúc này cà phê sạch, cà phê thiệt mới thực sự lên ngôi, đẩy cà phê bẩn vô thế suy tàn…
Có thể kể đến thương hiệu cà phê, có nhượng quyền, là cà phê Milano.
Milano, với quán nhỏ, bài trí đơn sơ nhưng theo phong cách mới (sạch sẽ, bắt mắt). Với ly cà phê đen có giá 10 ngàn, và ly cà phê sữa với giá 12 ngàn (nay theo thời giá đã lên 15 ngàn).
Milano thời kỳ đầu thường chọn điểm mở quán gần các công sở, trường đại học. Nơi dân uống cà phê trọng nhất là sức khỏe, phong cách hiện đại – sạch sẽ, và giá thành không quá cao.
Biết cách chọn địa điểm, biết cách quản lý thương hiệu, thời hưng thịnh, Milano phát triển trên cả hàng ngàn quán, riêng tại Sài Gòn.
Sau này, loại cà phê tầm trung này xuất hiện những tên tuổi mới, như “Viva café”; “The coffee house”… Với cà phê pha bằng máy, địa điểm thoáng rộng, phong cách phục vụ tốt. Giá cả trong tầm từ 21 ngàn cho tới 39 ngàn/1ly. Những thương hiệu này hoàn toàn theo phong cách mới, từ quản lý thương hiệu tới khâu phục vụ, hình thành một chuỗi cà phê nằm ở các quận giáp ranh với quận 1 và quận 5. Làm cho thị trường cà phê mới ổn định được nội lực, khi người dân các quận vùng ven với túi tiền không cao, vẫn có thể thưởng thức ly cà phê “Starbucks – Việt Nam.”
Gần đây, thương hiệu cà phê Napoli ra đời, cạnh tranh trực tiếp với cà phê Milano.
Napoli với quán lớn hơn, nhiều quán được đầu tư máy pha cà phê (khá đắt tiền). Nhưng giá thành cũng chỉ cao hơn Milano chút ít (15 ngàn ly cà phê đen/đá, 18 ngàn ly cà phê sữa).
Bằng nhiều hình thức khác nhau và với ưu thế của cà phê thiệt sạch đã gần như thắng thế và chế ngự được cà phê bẩn.
Chưa hết, cà phê bẩn vẫn còn bị truy sát tận hang cùng, ngõ cụt của Sài Gòn.
Chưa hết, cà phê bẩn vẫn còn bị truy sát tận hang cùng, ngõ cụt của Sài Gòn.
Trên đường phố Sài Gòn, thậm chí tận những quận vùng ven Sài Gòn, như miệt Hóc Môn, xuất hiện những xe bán cà phê dạng mang đi “take away.” Đây là việc làm thêm của sinh viên, vừa bán hàng vừa tiếp thị cà phê sản phẩm sạch cho những thương hiệu của công ty cà phê tới tận tay người tiêu dùng.
Rất thiếu sót, nếu trong trận chiến với cà phê bẩn mà quên không kể tới cà phê “Mo-to.” Là thương hiệu bản quyền mới của một nhóm trẻ sinh viên, dùng xe mô-tô (Honda) đi bán dạo cà phê tự chế biến sạch. Nay kết hợp mở thêm quán cố định (như là bản doanh) để tạo sự tin tưởng của khách hàng. Đồng thời, nhóm này dự định sẽ liên kết với các doanh nghiệp vận tải, như Grab chẳng hạn, để mở thêm dịch vụ giao cà phê ngon-sạch, tới tận tay các bác tài xế trên bất kỳ con đường nào.
Với cà phê xe tiếp thị trên hè phố, cà phê Mo-to len lỏi trong từng hang cùng, ngõ hẻm với giá cả hết sức cạnh tranh. Đây là hai đòn chí mạng cuối cùng, giáng xuống một “sinh phần” đang hấp hối là cà phê hóa chất (bẩn).
Từ một quán cà phê Starbucks, như “vết dầu loang” đã hình thành ra phong cách kinh doanh cà phê kiểu Mỹ ở Sài Gòn. Đồng thời cũng thay đổi “gu” thưởng thức cà phê ở Sài Gòn, đoạn tuyệt hẳn với lối pha cà phê vợt (của Tàu), xa dần lối pha cà phê phin (filter) – hậu thuộc địa của Tây. (Văn Lang)
No comments:
Post a Comment