HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp xã hội tại Việt Nam “chưa được thu hẹp,” một cách nói gián tiếp của nhà cầm quyền Việt Nam, qua một bản báo cáo về khoảng cách giàu nghèo ngày càng trầm trọng.
Thông Tấn Xã Việt Nam hôm Thứ Hai, 17 Tháng Chín 2018, tường thuật phiên họp của “Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội thảo luận, cho ý kiến vào báo cáo của chính phủ về việc thực hiện nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020.”
Trong đó, Bộ Lao Động-Thương Binh-Xã Hội của chế độ “khoe” thành tích tính đến hết năm 2017 “tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 6.7% (giảm 1.53% so với cuối năm 2016); ước đến cuối năm 2018 còn dưới 6%.”
Tuy nhiên báo cáo tuy nói kết quả giảm nghèo trong hai năm 2016-2017 “đạt mục tiêu Quốc Hội giao” nhưng “kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, chênh lệch giàu-nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.”
Báo cáo nhìn nhận “dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 60-70%. Tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm trên 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước (cuối năm 2017), thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 2/5 mức thu nhập bình quân của cả nước. Nguyên nhân chính là do tách hộ, do hậu quả của thiên tai, lũ lụt, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.”
Những gì được báo cáo ở Quốc Hội CSVN khác với những gì được Ngân Hàng Thế Giới nghiên cứu.
Hồi Tháng Tư 2018, Ngân Hàng Thế Giới đưa ra bản phúc trình nói tuy khoảng 70% người dân tại Việt Nam tương đối an toàn về mặt kinh tế nhưng khoảng cách giàu nghèo giữa các giai tầng xã hội lại ngày càng gia tăng.
Về tình trạng đói nghèo, Ngân Hàng Thế Giới nói Việt Nam vẫn còn 9 triệu người nghèo (tức khoảng hơn 10% dân số) trong đó 72% là dân tộc thiểu số. Trong khi đó, theo tổ chức Oxfam, lợi tức một năm của nhóm 210 người siêu giàu tại Việt Nam đủ để đưa 3.2 triệu người thoát nghèo, chấm dứt nghèo cùng cực trên cả nước.
Mười năm trước, đảng và nhà cầm quyền Việt Nam đưa ra chương trình “xây dựng nông thôn mới” với tham vọng cải tiến đời sống nông dân về mọi mặt. Chương trình đặt chỉ tiêu đến năm 2015 phải có 20% các xã đạt tiêu chí “nông thôn mới” và đến năm 2020 phải tăng lên thành 50%. Những số thông kê người ta biết được thì đến năm 2015, chỉ có 14.5% các xã trên cả nước nhận được danh hiệu “nông thôn mới.”
Vì áp lực của nhà cầm quyền trung ương, nhà cầm quyền các tỉnh đã ép các ấp xã thi hành lệnh qua những khoản vay nợ (tiền ứng trước) dẫn đến tình trạng nợ nần phổ biến.
Theo thống kê hồi năm 2016 được VietNamNet nêu ra, vào thời điểm này, có đến 53/63 tỉnh, thành phố có nợ đọng đối với nhà cầm quyền trung ương trong chương trình “xây dựng nông thôn mới” với số tiền khoảng 15,277 tỷ đồng. Các xã nợ phổ biến một vài tỉ đồng mà thậm chí có xã không có khả năng trả nợ.
Theo một số ký sự của VietNamNet hồi năm 2015, nhiều xã đã phải mánh mung kiểu “giật đầu cá, vá đầu tôm” hầu đạt danh hiệu “nông thôn mới.” Gần đây, VietNamNet hôm Chủ Nhật, 1 Tháng Bảy, 2018, viết về chương trình “xây dựng nông thôn mới” tại Việt Nam kể rằng nhà cầm quyền địa phương “Bắt cả trẻ đang bú đóng tiền xây dựng nông thôn mới.”
Nguồn tin kể , xã Cẩm Minh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, đếm đầu từ trẻ con mới 6 tháng tuổi đến người già dưới 80 tuổi, dù là hộ nghèo đói không đù ăn. Tất cả đều phải “đóng gần chục khoản cho thôn, xã để xây dựng nông mới.” Vì áp lực của nhà cầm quyền ấp, xã, “Nhiều gia đình phải đi vay mượn để nộp.”(TN)
No comments:
Post a Comment