SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Kể từ khi Uber rời bỏ thị trường Sài Gòn, và Grab độc quyền tha hồ “hô phong, hoán vũ.” Nhưng Grab “ca khúc khải hoàn” chưa lâu sau cuộc chiến “hạ gục” Uber. Thì mới đây, thị trường Sài Gòn lại tràn ngập màu áo đỏ của Go-Viet (công ty con của Go-Jek, Indonesia).
Chỉ sau có 3 ngày “tuyên chiến” với Grab ở Sài Gòn. Go-Viet tuyên bố đã chiếm lĩnh 10% thị phần. Đến hôm nay (sau 3 tháng) Go-Viet công bố đã chiếm được 35% thị phần, và tiếp tục “tung quân” ra Hà Nội để tiếp tục xâm chiếm thị phần độc quyền của Grab.
Chiêu thức của Go-Viet khi “xuống tay” với Grab là đưa ra giá khuyến mãi quá rẻ, chỉ 5 ngàn đồng cho một cuốc xe dưới 8km, tại 15 quận nội thành của Sài Gòn. Tài xế xe ôm công nghệ Go-Viet (Go-Viet chỉ chạy xe ôm hai bánh, chưa có dịch vụ 4 bánh như Grab), nhận từ khách hàng 5 ngàn đồng, công ty trả thêm cho mỗi cuốc xe là 25 ngàn đồng. Như vậy công ty bảo đảm bảo mỗi cuốc xe của Go-Viet thu nhập của tài xế xe ôm không dưới 30 ngàn đồng. Chẳng những không bị trừ tiền gọi xe (chiết khấu) cho công ty, mà công ty còn thưởng thêm cho tài xế xe ôm nào chạy được 13 cuốc xe/1 ngày, với số tiền thưởng là 220 ngàn đồng/1 ngày.
Chưa kể, dân Sài Gòn vốn tính hào phóng, cuốc xe 5 ngàn, nhưng nếu khách đưa giấy 10 ngàn, thậm chí 20 ngàn thì cũng “tip” luôn cho tài xế, ít ai đứng chờ lấy tiền thối. Vì dù gì, giá của Go-Viet cũng… rẻ rề. Vì vậy, thời gian này màu áo đỏ của Go-Viet miệt mài bao phủ ở Sài Gòn lo “cày” mà… “hái tiền” thấy phát ham.
Khi Uber “nhượng” thị phần Đông Nam Á lại cho Grab và đi khỏi Sài Gòn. Tài xế xe ôm của Uber đành phải về đầu quân cho Grab. Từ lúc độc quyền, Grab tăng giá chiết khấu từ 15% một cuốc xe ôm lên 20%, đồng thời nhiều khi khóa tài khoản của tài xế xe ôm với những lý do… trời ơi. Đang bực tức vì bị công ty Grab o ép đủ điều, thấy Go-Viet vung tay khuyến mãi, lại không bị chiết khấu, nhiều cựu Uber cũng như xe ôm Grab chạy qua đầu quân cho Go-Viet. Đó là lý do tại sao mà sắc đỏ của Go-Viet như vết dầu loang đang lấn dần sắc xanh (màu áo của Grab).
Đã thắng Uber tại thị trường Đông Nam Á như Grab đời nào chịu “khoanh tay” thúc thủ trước những chiêu thức của Go-Viet. Chờ khi Go-Viet tăng giá từ 5 ngàn đồng lên 9 ngàn đồng/1 cuốc xe (dưới 8km). Grab cũng tung ra những chiêu thức tương tự, đồng thời treo thưởng lên tới 300 ngàn đồng/1 ngày, cho tài xế xe ôm nào của Grab chạy đủ 18 cuốc xe/1 ngày (không phân biệt đoạn đường ngắn, dài).
Thế là các Grabbiker – sắc xanh của Grab lại hối hả “cày” tăng hiệu suất để được lãnh thưởng. Tạo ra sự cạnh tranh ráo riết với sắc đỏ của Go-Viet.
Người hưởng lợi khi hai vị đại gia nhà xe ứng dụng công nghệ đua nhau… “đốt tiền.” Chính là những quý vị khách hàng ở Sài Gòn. Đi học, đi làm, đi gì gì… cứ đặt xe với giá chỉ 5 ngàn đồng, còn rẻ hơn xe buýt, chẳng những không sợ kẹt xe, mà còn được đưa rước tận nhà, bất kể giờ giấc.
Dân Sài Gòn từng buồn, vì khi Uber rút đi, thì Grab trở nên… “chảnh” hơn bao giờ hết.
Nhưng khi Go-Viet vô Sài Gòn, thì “con tim đã vui trở lại,” dù ai cũng biết rằng “rồi mùa khuyến mãi cũng qua mau.” Nhưng rõ ràng, người dân ai cũng hiểu một điều đơn giản – Ở đâu có cạnh tranh thì ở đó có sự sinh động và… niềm vui.
Khi hai vị đại gia Go-Viet và Grab đua nhau đốt tiền để giành thị phần. Thì doanh nghiệp Việt chỉ còn biết “lặng lẽ đứng nhìn” vì không có đủ tiền để mà “đốt đua” với thiên hạ.
Như hãng taxi Mai Linh, ngay từ khi Grab còn cạnh tranh ráo riết với Uber, đã tuyên bố không đi kiện hai hãng trên, mà sẽ trang bị công nghệ để… cạnh tranh. Nhưng công nghệ không chưa đủ, mà còn phải có tiền. Nhất là khi doanh nghiệp ngoại vung tiền để “quét sạch” doanh nghiệp nội địa. Mà bài học nhãn tiền là các hãng bia ngoại, cũng như nước ngọt Pepsi và Coca…
Trong khi Go-Viet đưa giá xe ôm xuống… đáy, thì giá xe ôm (dịch vụ mới ra sau này của Mai Linh) vẫn phải giữ giá là 2km đầu có giá 11 ngàn đồng, km thứ ba trở đi có giá là 3 ngàn 700 đồng/1km.
Nhưng có lẽ thảm nhất trong cuộc chơi không cân sức này, chính là giới xe ôm truyền thống ở Sài Gòn.
Gặp T., một người chạy xe ôm trước một trung tâm thương mại ở Sài Gòn. T. cho biết, trước kia ngày chạy cũng kiếm được 5-6 “xị” (5-6 trăm ngàn), thì bây giờ bị xe ôm công nghệ cạnh tranh bằng chiêu “đại hạ giá” nên ngày chỉ còn kiếm được trên trăm ngàn. Mà với thời giá hiện nay, theo T. thì trên trăm ngàn thì sống cái nỗi gì với giá xăng đã trên 21 ngàn/1 lít? Dù T. đã rất cố gắng, thậm chí còn phải bận đồ giả làm xe ôm công nghệ để “gạt” khách, nhưng cũng không khá hơn. T. tính chuyện chuyển qua nghề làm bảo vệ, dù lương thấp, chỉ chừng 3-4 triệu đồng/tháng.
H. chạy xe tại quận 1, Sài Gòn cho biết. Lúc trước bến xe này có 10 người chạy xe ôm truyền thống. Thì nay đã hết 7 người chuyển qua chạy xe công nghệ, còn 3 người trong đó có H. là vẫn chạy như cũ, dù càng ngày càng ít khách. Hỏi lý do, H. cho biết đã lớn tuổi không biết xài smartphone, thậm chí điện thoại có người “nhá” máy, cũng không biết làm sao để gọi lại…
Nhiều người chạy xe ôm truyền thống ở Sài Gòn không chuyển qua xe ôm công nghệ được. Ngoài lý do không biết xài smartphone, còn có lý do khác – là không có giấy tờ để đăng ký với hãng. Họ là những người trước kia bỏ vùng kinh tế mới về Sài Gòn, hoặc những người như T. đã quá nửa đời người chịu cảnh “vào tù, ra khám.” Họ là những cư dân cố cựu của Sài Gòn, nhưng vì thời cuộc (dưới chánh thể Cộng Sản) họ bỗng biến thành “cư dân lậu” của Sài Gòn. Để rồi phải chịu nhiều thiệt thòi, lầm lũi bước đi bên lề guồng máy kinh tế đang hồi quay nhanh và ngày càng thêm khốc liệt…
Như T. đã nói: “Xe ôm trước kia là dành cho những người già, những người không có nghề nghiệp, không có giấy tờ đi làm hãng. Thì ngày nay, tuổi trẻ có học đi chạy xe ôm công nghệ, là cướp đi miếng cơm của nhiều người đã tới… bước đường cùng!”
Như trước kia, khi Coca và Pepsi càn quét thị trường nội địa Việt Nam bằng nguồn tài chánh quá lớn, thì nhà cầm quyền Cộng Sản cũng hiểu ra và ban hành “đạo luật” “Cấm khuyến mãi dưới giá thành sản phẩm” (để bảo vệ doanh nghiệp trong nước), dù đã quá trễ.
Chủ trương của Go-Viet với công ty mẹ là Go-Jek, dự định tung khoảng 500 triệu Mỹ kim thôn tính thị trường mấy nước, đầu tiên là Việt Nam sau đó là Thái Lan, Philippines, Singapore.
Việc khuyến mãi “dưới giá thành sản phẩm” của Go-Viet rõ ràng vi phạm luật cạnh tranh tại thị trường Việt Nam. Nhưng giới chức quyền vẫn làm ngơ, có lẽ tiền bạc làm mơ mắt lương tâm chức nghiệp chăng?
Chỉ có tiếng thở dài ngao ngán của những bác xe ôm – già, xưa cũ của Sài Gòn là chẳng thấu tới tai ải tai ai. (Văn Lang)
No comments:
Post a Comment