QUẢNG BÌNH, Việt Nam (NV) – Muốn cho trâu bò ra đồng ăn cỏ, người dân xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, phải đóng “phí đồng cỏ” cho hợp tác xã. Dù họ rất bất bình nhưng không dám nói vì sợ bị chính quyền trù dập.
Theo báo Tiền Phong, người dân thôn Thống Nhất, xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, cho hay nhiều năm qua, người dân nơi đây muốn đưa trâu ra ăn cỏ ở cánh đồng buộc phải đóng lệ phí cho Hợp Tác Xã Dịch Vụ Nông Nghiệp Thống Nhất và Hợp Tác Xã Dịch Vụ Hoành Vinh.
Ngoài “thu phí đồng cỏ,” hai hợp tác xã này còn “thu phí bảo trì đường bộ” đối với những nhà dân có máy cày, máy gặt muốn ra đồng sản xuất. Không những vậy, hai hợp tác xã này còn đặt ra khoản “thu phí đồng ruộng” cho gà, vịt.
Báo này cho hay, để được chăn, thả đàn trâu, bò ra cánh đồng trước nhà mình, mỗi năm bà Võ Thị Lệ (ở thôn Thống Nhất) phải đóng gần cả triệu đồng tiền phí cho Hợp Tác Xã Thống Nhất.
“Gia đình tôi làm nông nên phải nuôi thêm trâu để kéo cày, xe. Việc chăm sóc đã vất vả, tốn kém nay lại phải đóng phí cho hợp tác xã mỗi năm. Có năm họ thu phí cao gia đình tôi đóng gần cả triệu bạc,” bà Lệ bất bình nói.
Không chỉ riêng bà Lệ, hàng chục nhà dân khác tại thôn Thống Nhất đang rất tức giận trước những khoản thu khó hiểu của hợp tác xã này.
Theo báo Tiền Phong, hầu hết các nhà dân tại xã An Ninh đều có nuôi trâu, bò. Nhà nào nuôi ít thì một đến hai con, nhà nào nhiều từ năm đến bảy con. Mức thu phí mà Hợp Tác Xã Thống Nhất áp dụng cũng có sự “linh động” theo giá cả của từng loại gia súc.
Nếu nhà nào không đóng phí đồng cỏ mà đưa trâu, bò ra thả thì sẽ bị người của hợp tác xã xua đuổi. Còn nếu trong lúc chăn thả để trâu bò ăn lúa dưới ruộng thì sẽ bị phạt tiền.
Tương tự, cách thôn Thống Nhất không xa, người dân thôn Hoành Vinh, xã An Ninh, cũng đang tức giận khi Hợp Tác Xã Hoành Vinh tổ chức “thu phí đồng cỏ” trâu bò của người dân.
Chiều 7 Tháng Tám, 2018, nói với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Trương Văn Long, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã An Ninh, khẳng định việc thu tiền trâu bò ăn cỏ, bảo trì đường bộ đối với những người có máy cày, máy gặt không phải chủ trương của xã.
“Nói xã bán đồng cỏ, thu lệ phí đồng cỏ thì thực chất không phải vì xã cũng không có đồng cỏ để bán thu lệ phí đâu. Việc thu lệ phí bảo trì đường bộ cũng vậy, xã không có chủ trương thu các khoản này,” ông nói.
Ông Long cho biết, tại địa phương có một số bờ đập ở khu nội đồng liền kề với đất sản xuất thì hợp tác xã thống nhất với các nhà dân về việc ai có nhu cầu khai thác những vạt cỏ đó để chăn nuôi thì ghi danh.
“Việc thu phí nhằm gắn trách nhiệm của người được phép sử dụng đồng cỏ cho trâu bò ăn phải có trách nhiệm bảo vệ diện tích cây trồng. Các hợp tác xã cho biết mục đích việc thu này nhằm bảo vệ đồng lúa. Vì nếu không có các khoản thu, người dân sẽ ồ ạt thả trâu, bò ra các bờ đê để gặm cỏ. Lúc đó không thể quản lý được, dễ dẫn đến việc phá hại các đồng lúa,” ông nói.
Trong khi đó, ông Phạm Trung Đông, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Quảng Ninh, cho biết “Huyện sẽ lập đoàn kiểm tra xuống tận nơi nắm tình hình, trên quan điểm nếu có sai phạm thì sẽ xử lý nghiêm và trả lại tiền phí cho bà con.”
Theo ông Đông, đoàn công tác sẽ xem lại khoản đất đồng cỏ mà hợp tác xã thu phí là đất của nhà nước hay đất của tư nhân để làm căn cứ xác định sai phạm.
“Nếu đất chung của cộng đồng thì không được quyền thu phí. Còn nếu là đất của cá nhân mà người dân tự đưa trâu bò vào ăn khi chưa có thỏa thuận dân sự thì không được phép. Cho nên huyện sẽ xuống kiểm tra lại, nếu đúng đất công thì sẽ chấn chỉnh ngay,” ông Đông nói.
Báo Pháp Luật TP.HCM cũng cho hay, trước đó, ở Thanh Hóa cũng từng xảy ra tình trạng tương tự. Để trâu bò ra đồng gặm cỏ, nhiều nhà dân ở xã Thiệu Dương, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, phải đóng phí cho hợp tác xã. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment