BÌNH THUẬN, Việt Nam (NV) – Khu vực bãi biển Mũi Né nổi tiếng ở thành phố Phan Thiết, hiện luôn tràn ngập rác, đến nỗi làm cho du khách thất vọng, bực tức bỏ đi và liên tục hủy hẹn đặt phòng.
Nói với báo Thanh Niên, chị Thu Trang, du khách ở Quảng Ninh đến, bất bình phản ánh, khi đặt mua phòng trên mạng Internet thì hình ảnh bãi biển Mũi Né rất đẹp. Nhưng khi đến nơi, nhìn thấy bãi biển đầy rác, gia đình chị đã quyết định quay ra Nha Trang thay vì nghỉ dưỡng ở Mũi Né tới ba đêm mới đi.
Sáng 6 Tháng Tám, 2018, phóng viên báo Thanh Niên đi hết các bãi biển mà người dân phản ánh thuộc phường Mũi Né và Hàm Tiến của thành phố Phan Thiết. Đây là khu vực được cho là nhiều rác thải nhất ở Mũi Né. Chỉ cần chạy xe theo con đường xuôi dốc từ xã Thiện Nghiệp, băng qua đường Nguyễn Đình Chiểu xuống bãi dừa là thấy một vạt biển dài toàn rác.
Suốt cả cây số dưới vườn dừa, ngay đối diện Ủy Ban Nhân Dân phường Hàm Tiến, rác từ biển trôi vào dày đặc. Phía biển giáp với phường Mũi Né do chính quyền phường và các chủ resort liên tục huy động người cào rác, nên lượng rác có ít hơn.
Nơi đây, lác đác vẫn có những “ông Tây, bà Đầm” đi bộ dưới bóng dừa, song dưới chân du khách thì rác nhiều vô kể.
Ông Jordan, từ Thụy Sĩ đến, cho biết ông thất vọng khi chứng kiến sự thật về bãi biển Mũi Né hôm nay và rất buồn vì phải đi đến bãi biển khác để nghỉ dưỡng.
Ông Nguyễn Tho, giám đốc điều hành một resort, than phiền cho biết hầu hết du khách ngoại quốc lẫn Việt Nam rất bất bình khi chứng kiến bãi biển đầy rác. Nhân viên resort phải xin lỗi, thậm chí có những khách khó tính, yêu cầu trả lại tiền để họ đi nơi khác. Điều này khiến các cơ sở du lịch phải dọn rác.
Ông Trần Văn Bình, phó chủ tịch Hiệp Hội Du Lịch Bình Thuận, cho hay năm nay rác không chỉ có từ khu dân cư, mà còn có “rác đại dương” là các mảnh nát của ngư lưới cụ ngoài khơi, theo dòng chảy của biển thổi vào bờ. Nguồn rác này “không thể thu gom hết được.”
“Dù chính quyền hai phường Mũi Né và Hàm Tiến, nơi có nhiều resort nhất hiện nay đã huy động hết các lực lượng liên tục thu gom rác, nhưng chỉ ngày trước ngày sau rác lại tràn ngập,” ông Bình nói.
Tương tự, tại bãi trước Mũi Né, nơi mà khách du lịch thường dừng xe hơi để chụp hình, nhiều người buôn bán hải sản tươi sống vô tư xả đầy rác. Bên cạnh đó, nước thải ô nhiễm từ khu dân cư góp phần khiến bãi biển nơi này bẩn và có mùi hôi ngạt thở khi nắng lên.
“Thế nhưng, toàn bộ khu vực Mũi Né chưa có một nhà máy xử lý rác, hay nơi chứa rác gây khó khăn khi thu gom rác biển. Chúng tôi phải thuê xe chở rác thải đi hàng chục cây số, rất tốn kém và thiếu hiệu quả,” ông Bình nói.
Trong khi đó, ông Ngô Ngọc Dũng, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân phường Hàm Tiến, cho rằng, đây là mùa “cao điểm” của rác biển. Năm nào cũng vậy, cứ từ Tháng Năm đến Tháng Tám rác táp vào bờ vô kể. Mặc dù phường cũng đã xin ý kiến thành phố Phan Thiết vận động kinh phí từ các cơ sở du lịch để thuê xe máy cào, máy xúc đến thu gom rác. “Tuy nhiên, việc thu gom rác triệt để là rất khó,” ông nói.
Cũng theo báo Thanh Niên, trước đó, hồi Tháng Năm, 2018, các bãi biển ở Mũi Né bị sạt lở và hết sức nhếch nhác do tình trạng người dân tự ý làm đê kè. Điều này đã làm cho nhiều resort điêu đứng vì thiếu vắng khách, kinh doanh thua lỗ.
Nay, hiện tượng rác liên tục tràn vào bãi biển Mũi Né, tạo nên hình ảnh thiếu thiện cảm trong mắt du khách, càng khiến việc kinh doanh du lịch ở nơi này ngày càng ảm đạm. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment