Wednesday, August 22, 2018

Dân quyền: Điều ‘bất biến’ cần có cho một nền độc lập

RFA-2018-08-21   
Ca sĩ Nguyễn Tín, một trong những người bị bắt và đánh đập trong đêm liveshow “Sài Gòn Kỷ Niệm” đêm ngày 15/8 ở thành phố Hồ Chí Minh.
Ca sĩ Nguyễn Tín, một trong những người bị bắt và đánh đập trong đêm liveshow “Sài Gòn Kỷ Niệm” đêm ngày 15/8 ở thành phố Hồ Chí Minh.Courtesy Amnesty International & FB Dương Đại Triều Lâm
Tại Hội nghị Ngoại giao Việt Nam lần thứ 30 diễn ra ở Hà Nội từ ngày 13 đến 17 tháng 8 vừa qua, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh công tác đối ngoại phải góp phần gìn giữ cho một môi trường hòa bình, ổn định và phát triển, cho rằng đây là nhiệm vụ rất khó. Người đứng đầu chính phủ Hà Nội còn nhắc lại lời của ông Hồ Chí Minh“Dĩ bất biến, ứng vạn biến” như là trọng trách cần hoàn tất cho công tác đối ngoại của Việt Nam hiện nay.
Trong thực tiễn phát triển của Việt Nam hiện nay đường hướng này được nhìn nhận ra sao?

“Bất biến” phải là nền độc lập

Phương hướng Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 diễn ra ở Hà Nội được nêu rõ “Đẩy mạnh ngoại giao phục vụ phát triển trong thời kỳ Hội nhập quốc tế sâu rộng".
Trả lời RFA về sự thích ứng của đường hướng ‘dĩ bất biến, ứng vạn biến’ trong bối cảnh thực tiễn của xã hội Việt Nam cũng như trong tương quan giữa Việt Nam và thế giới, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu - Ban Dân vận Trung ương phân tích bằng cách đặt ngay câu hỏi:
“Cái nội hàm của bất biến của từng thời đại hay từng thời gian, không gian là có những sắc thái khác nhau, ngay cả cái gọi là bất biến. Vì thế cho nên chúng ta phải xác định  ngay cái bất biến của Việt Nam hôm nay là gì? Và cái vạn biến thì rõ ràng nó đang khác nhiều so với mấy chục năm trước.”
Cái nội hàm của bất biến của từng thời đại hay từng thời gian, không gian là có những sắc thái khác nhau, ngay cả cái gọi là bất biến. Vì thế cho nên chúng ta phải xác định  ngay cái bất biến của Việt Nam hôm nay là gì? Và cái vạn biến thì rõ ràng nó đang khác nhiều so với mấy chục năm trước. - Ông Nguyễn Khắc Mai
Cụ thể hơn, theo ông, tình hình của thế giới, khu vực, và ngay chính trong Việt Nam cũng đã và đang có những điều thay đổi theo thời gian.
Những thay đổi đó, gọi là “vạn biến”.
Do đó, để lý giải tư tưởng “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” theo hàm ý của ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai cho rằng cần phải hiểu rõ cái bất biến  của Việt Nam hiện nay là gì.
“Nếu hiểu cái bất biến là giữ chế độ toàn trị này thì đó là cũ rích, sai lầm, thậm chí là phản động. Nhưng nếu nói bất biến là quyền lợi của dân tộc Việt Nam hiện nay là cái không thể đổi thay. Cái quyền lợi ấy hôm nay mình phải hiểu nó là gì? Là 1 nền độc lập thật sự của dân tộc trong tình thế toàn cầu hiện nay. Và cái nền độc lập ấy bảo đảm được rằng anh thật sự là bạn bè của tất cả thế giới.”
Từ nhận định này, ông cho rằng hiện nay, Việt Nam cho dù khẳng định là “bạn bè của tất cả’ nhưng thực chất chỉ đang theo 1 ý thức hệ, đó là ý thức hệ Cộng sản Trung Quốc. Ông khẳng định:
“Như thế anh đã nhầm cái bất biến rồi. Anh không hiểu gì cái bất biến cả. Bất biến hiện nay là một nền độc lập.”
Thật ra, từ năm 1945, 1946 đã từng tồn tại một nền độc lập ngay trong chính ý thức của thế hệ thanh niên thời đó, nó thể hiện trong ca từ của bài hát “Chiến sĩ” của cố nhạc sĩ Văn Cao, đó là “Lập quyền dân/ tiến lên Việt Nam”.
Và cho đến nay, kể từ khi đất nước Việt Nam được nhìn nhận là một quốc gia hoàn toàn độc lập từ năm 1975, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai nhìn nhận rằng trong cái bất biến của nền độc lập ấy, vẫn phải có 1 điều bất biến, đó là “lập quyền dân”.
“Hiện nay là cướp quyền dân. Các quyền của dân bị cướp đoạt, chiếm đoạt, thay thế gọi là đánh tráo khái niệm. Cho nên trong nền độc lập mới hiện nay, vấn đề lập quyền dân trở thành 1 câu chuyện lớn, đó mới là một cái bất biến, không được thay đổi nó mà phải làm cho nó có nội dung.”
Đây cũng chính là tư tưởng của hai nhà văn hoá Việt Nam, Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu, từng nói rằng: “Nếu giành được độc lập mà dân không có quyền thì vô nghĩa.”
Trở lại với phát biểu của ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong bối cảnh “vạn biến” của thế giới hiện nay, kêu gọi dùng cái “bất biến” để ứng phó gìn giữ cho môi trường hoà bình, ổn định, liệu có gặp phải những bất cập với cái “vạn biến” của xã hội Việt Nam hay không?
Rõ ràng, theo phân tích của nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, điều Việt Nam đang thiếu đó là “quyền dân”.
Quyền dân hay dân quyền- tức quyền của người công dân một nước và bao hàm trong nhân quyền- tức mọi quyền mà một con người được hưởng; đó là vấn đề lớn đối tại Việt Nam và cũng chính là sự quan tâm của rất nhiều tổ chức giám sát nhân quyền cũng như các quốc gia theo đường hướng dân chủ trên thế giới. Nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Chí Tuyến khẳng định người dân Việt Nam ngày càng hiểu rõ hơn để đứng lên đòi lại điều cơ bản mà họ đang bị lấy mất:
“Khi người dân đủ hiểu biết, đủ can đảm, đủ sự trưởng thành về chính trị và ý thức về pháp luật thì người ta sẵn sàng thách thức quyền lực độc tôn đó. Khi số lượng ngày càng đông, nhận thức ngày càng sâu về các quyền của họ thì họ đòi hỏi những cái đó, tạo thành các áp lực với nhà cầm quyền Việt Nam.
Cộng thêm những áp lực về mặt ngoại giao, dần dần buộc nhà cầm quyền Việt Nam phải trao lại quyền cho người dân, từ nhân quyền cho đến quyền về chính trị và dân sự khác.”
Vụ án Trịnh Xuân Thanh là 1 vụ làm chấn động và ảnh hưởng sâu rộng đến quan hệ tầm ngoại giao giữa Việt Nam và các nước khác. Tuy không nói rằng Việt Nam đang gặp một cơn khủng hoảng lớn về ngoại giao, nhưng Giáo sư Vũ Tường, thuộc Bộ môn chính trị, Đại học Oregon, Hoa Kỳ trong 1 lần trả lời RFA đã có nhận xét về 1 tính chất mang tính “bất biến”.
“Tôi không nghĩ là một khủng hoảng lớn nhất, nó chỉ là một cuộc khủng hoảng thôi. Chuyện vừa rồi cho thấy họ vẫn quen cách làm cũ như thời chiến tranh lạnh.”
Tôi không nghĩ là một khủng hoảng lớn nhất, nó chỉ là một cuộc khủng hoảng thôi. Chuyện vừa rồi cho thấy họ vẫn quen cách làm cũ như thời chiến tranh lạnh. - Ông Vũ Tường
Vấn đề ngoại giao được chính ông Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Vũ Hải Hà chia sẻ với phóng viên trong nước bên lề Hội Nghị Ngoại giao lần thứ 30 rằng cần phải có sự đóng góp quan trọng của Đối ngoại Quốc hội. Hay nói cách khác, sự đóng góp của ngoại giao Quốc hội trong tổng thể ngoại giao Nhà nước  có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng có nhận định rằng “Việt Nam đang rất cô độc và đang đối diện trước sức ép phải cải thiện từ các quốc gia khác.”
Điều này được sự đồng thuận từ nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến khi ông chia sẻ “Việt Nam đang hoàn toàn đơn độc trong mọi khía cạnh từ kinh tế đến ngoại giao.”
Nhận định về tư tưởng “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” ứng phó trong tình hình ngoại giao cũng như Đối ngoại Quốc hội của Việt Nam hiện tại, cụ thể là vụ Trịnh Xuân Thanh cũng như tình hình nhân quyền, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai hoàn toàn không có niềm tin. Ông cho rằng “với ý thức hệ như hiện nay, ngoại giao Việt Nam đứng bên ngoài tất cả sự kiện đau lòng trong mối quan hệ quốc tế của dân tộc.”

No comments:

Post a Comment