BÌNH PHƯỚC, Việt Nam (NV) – Thay vì phát tiền cho người dân tự mua thuốc bảo vệ thực vật theo yêu cầu của tỉnh, thì 13 xã thuộc huyện Bù Đăng lại phát thuốc bảo vệ thực vật “dởm” khiến vụ điều của người dân mất trắng.
Theo báo Tiền Phong, nhiều nhà dân trồng điều được hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật ở thôn 9, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, cho biết sau khi phun thuốc hỗ trợ nhận từ ủy ban xã khiến vườn điều của họ bị mất mùa.
Ông Điểu Đông, ở thôn Đắk La, xã Đắk Nhau, cho biết vào giữa Tháng Hai, 2018, lúc vườn điều của ông đã ra nhiều bông, có cây đã đậu trái non thì ông cho phun thuốc lấy từ xã hỗ trợ. Tuy nhiên, sau khi phun thuốc ít ngày, phần lớn cây điều bị cháy bông và khô trái non, chỉ thu khoảng 60 kg hạt.
Già làng Điểu Xung, thôn Sơn Tùng, xã Thọ Sơn, buồn bã nói: “Tôi được nhận thuốc ở xã, sau Tết mới phun. Lúc phun thuốc thì cây điều đã ra bông và đậu trái non rồi. Khoảng một tuần sau, hàng loạt cây điều bị khô bông, rụng trái non. Kết thúc vụ chỉ thu hoạch được khoảng 150 kg hạt.”
Báo Tiền Phong cho hay, thay vì hỗ trợ bằng tiền mặt cho người dân trồng điều theo quyết định của tỉnh, thì huyện Bù Đăng có 13/16 xã, thị trấn đã tự ý hỗ trợ bằng thuốc bảo vệ thực vật “dởm” khiến vụ điều của người dân thiệt hại.
Điều đáng nói, hồ sơ thanh toán tiền của 13/16 ủy ban xã nói trên không ghi là hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật mà ghi đã chi tiền 500,000 đồng (hơn $21)/nhà dân.
Theo ông Huỳnh Giang, trưởng Trạm Trồng Trọt Bảo Vệ Thực Vật huyện Bù Đăng, hai loại thuốc trừ sâu các xã phát cho người dân nằm ngoài danh mục đề nghị sử dụng của Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn tỉnh Bình Phước. Tuy nhiên, trước khi mua và cấp phát cho dân, các xã đều không bàn bạc hay trao đổi gì với cơ quan chuyên ngành.
Tin cho biết, tình trạng mất mùa, mất trắng vụ điều năm 2018 xảy ra phổ biến ở gần 17,000 hécta điều với 6,499 nhà dân thuộc diện hỗ trợ của huyện Bù Đăng. Năng suất điều bình quân của toàn huyện chỉ đạt 820 kg/hécta. Thiệt hại nặng nhất là xã Đăng Hà, năng suất bình quân chỉ đạt 50 kg/hécta. Trong khi ngược lại, phần lớn các vườn điều không sử dụng thuốc hỗ trợ đều có năng suất khá hơn, có vườn đạt năng suất 3 tấn/hécta.
Trước sự việc trên, Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn tỉnh Bình Phước có công văn đề nghị Ủy Ban Nhân Dân huyện Bù Đăng báo cáo kết quả công tác hỗ trợ nông dân mất mùa điều vụ mùa 2017.
Tuy nhiên, trái với thực tế đã diễn ra, phúc trình do ông Lê Thanh Hải, phó chủ tịch huyện Bù Đăng, ký trả lời có dấu hiệu bưng bít sự thật cho rằng: “Cách thức hỗ trợ người dân bị thiệt hại là huyện cấp kinh phí cho các xã, thị trấn; giao cho các xã, thị trấn hướng dẫn người dân mua thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc cây điều niên vụ 2017-2018.”
Nói với báo Tiền Phong, bà Phạm Thị Ánh Hoa, chánh văn phòng ủy ban tỉnh Bình Phước, cho biết Sở Nông Nghiệp tỉnh đã có kiến nghị ủy ban tỉnh chỉ đạo Thanh Tra tỉnh tiến hành thanh tra bất ngờ việc triển khai thực hiện hỗ trợ nông dân trồng điều bị sâu bệnh hại thời gian vừa qua. “Kết quả ra sao tỉnh sẽ báo cáo cơ quan báo chí,” bà nói. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment