Thursday, August 2, 2018

Biểu tình và gây rối: ai biểu tình và ai gây rối?


Trúc Giang (VNTB) – Biểu tình là quyền hiến định. Nếu có xảy ra việc ‘gây rối’ trong cuộc biểu tình đó, thì trách nhiệm ở đây – chiếu theo Điều 167 Bộ Luật Hình sự, đó còn là bổn phận của lực lượng công an, vì họ có nhiệm vụ phải giữ gìn trật tự cho cuộc biểu tình.
***
Biểu tình đương nhiên phải là… tụ tập

Hôm 30-7, Tòa án Nhân dân thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) mở phiên hình sự sơ thẩm, xét xử 20 người về tội gây rối trật tự công cộng. Đây là những đối tượng mà cáo trạng cho rằng quá khích, tụ tập gây rối trong ngày 10-6 trên địa bàn TP Biên Hòa.

Trình bày tại phiên tòa, phía đại diện viện kiểm sát mô tả: “Mặc dù lực lượng công an đã phát loa tuyên truyền, nhắc nhở người dân tuân thủ pháp luật, không được tụ tập thành đám đông trên đường, nhưng đám đông đã không chấp hành mà tiếp tục quay lại ngã tư Lạc Cường chuyển hướng vào đường Dương Tử Giang…

Những đối tượng trên cùng đám đông khoảng 200 người đã gây rối trật tự nơi công cộng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương; làm ách tắc giao thông trên tuyến quốc lộ 1A, đường Phạm Văn Thuận, Dương Tử Giang kéo dài… Đến khoảng 16 giờ cùng ngày, 20 đối tượng trên bị Công an TP Biên Hòa lập biên bản phạm tội quả tang”. (dừng trích)

Ở đây, phía công tố đã không dùng từ “biểu tình” của một quyền hiến định, mà dùng cụm từ “tụ tập thành đám đông” nhằm để “gây rối”. Khi có đám đông gây rối, thì việc công an tiến hành bắt giữ hình sự và khởi tố là lẽ đương nhiên.

Trên thực tế thì lại không phải vậy. Đó là cuộc biểu tình đúng nghĩa, có điều ai là người khởi xướng cuộc biểu tình ấy thì trong cáo trạng, và diễn biến phiên tòa hình sự sơ thẩm nói trên đã không được đề cập.

Về mặt chính trị, ở đâu dân bất bình ở đó tất có tụ tập, nếu không, không thể nói dân làm chủ. Ngược lại, nếu nhà nước bất chấp và cấm đoán, tất nó (phản ứng, bức xúc xã hội) sẽ tích tụ, cộng hưởng ngày một lớn hơn cho tới khi quá ngưỡng, chuyển qua bạo động.

Cuộc biểu tình lan rộng ở nhiều tỉnh, thành phố hôm 10-6 là một phép thử cho điều đó; và ai đã đủ thế, đủ lực để tiến hành phép thử ấy mới là vấn đề mà tin chắc rằng không phải ngẫu nhiên chủ tịch Nước khi tiếp xúc cử tri, đã biểu thị sự đồng tình cần có Luật Biểu tình; và sau đó là quyết định đình bản 90 ngày tờ Tuổi Trẻ Online vì ‘dám’ đưa phát biểu này của chủ tịch Trần Đại Quang.

Biểu tình nhuốm màu bạo lực vì đám đông gây rối?

Trong một văn bản phát hành ngày 31-7-2018, hai đồng chủ tịch của Hội Cựu Tù nhân Lương tâm Việt Nam là bác sĩ Nguyễn Đan Quế tại Sài Gòn, và linh mục Phan Văn Lợi tại Huế, kêu gọi chính quyền Đồng Nai “hãy tuân thủ cam kết tôn trọng nhân quyền, trả tự do cho tất cả người người biểu tình ôn hòa bị kết án”.

“Quyền tự do tụ họp nói đến sự hiện diện của một số người tạm thời ở nơi công cộng hay nhà riêng vì một mục đính nào đó. Chỉ tụ họp ôn hòa mới được bảo vệ. Thuật ngữ “ôn hòa” được hiểu bao gồm các hành động có thể gây ra sự bực bội, phiền lòng hay ngay cả làm cản trở các hoạt động sinh hoạt của bên thứ ba. Người tham gia biểu tình cần phải tiết chế hành động bạo lực.

Sự sử dụng bạo lực của thiểu số sẽ không mặc nhiên đưa đến kết luận rằng đó là biểu tình bạo lực. Những cuộc biểu tình có sự phản kháng thụ động chống lại hành động vũ lực thì có thể xem như ôn hòa. Một thí dụ khác, một biểu tình viên không dùng bạo lực trong một cuộc biểu tình có ít nhiều bạo lực thì ngưới đó vẫn xem là biểu tình viên ôn hòa. Những hành vi có thể bị xem như “bạo lực” bao gồm cư xử bất nhân hay xúc phạm nhân phẩm.

Nghĩa vụ của nhà nước là phải tạo điều kiện và bảo vệ quyền tự do tụ họp ôn hòa. Cụ thể, nhà nước cần giữ an ninh địa điểm của người biểu tình và bảo đảm việc thông tin truyền thông về biểu tình được thực hiện mà không bị cản trở.

Các hạn chế, chế tài quyền tự do này cũng phải cân đối. Nhà nước chỉ nên áp dụng biện pháp can thiệp tối thiểu để đạt mục đích theo luật định. Nguyên tắc cân đối đòi hỏi nhà nước không được áp đặt biện pháp hạn chế một cách máy móc, làm lệch mục tiêu biểu tình, thí dụ như chuyển địa điểm biểu tình sang nơi ít dân cư”.

Tuyên bố “Kết án người biểu tình ôn hòa là vi phạm quyền con người” của Hội Cựu Tù nhân Lương tâm Việt Nam, biện giải như vậy.

Góc nhìn khác, một cán bộ đang công tác trong cơ quan trực thuộc Thành ủy TP.HCM, nói với người viết rằng tại sao không thử đặt câu hỏi về thủ lĩnh của những cuộc biểu tình, của ‘tụ tập gây rối’ kia là ai?

“Thử nghĩ coi có phải nhân vật Vũ nhôm trong vụ án ngân hàng Đông Á vừa bị trả hồ sơ điều tra, vốn liên quan tới tiết lộ bí mật quốc gia với các nội dung từng đăng tải trên trang web Chân dung quyền lực? Không có thủ lĩnh đủ tầm, đủ lực thì chắc chắn cuộc biểu tình, hay ‘tụ tập đông người’ khó thể kéo dài gần như suốt ngày, lan rộng và cả bạo động mà lực lượng công an vẫn khoanh tay đứng nhìn. Tương tự, nghề viết lách nếu không có ‘tin tức nội bộ’, thì làm sao khui được những chuyện ‘bán đứng nhau’ như trên trang Chân dung quyền lực?”. Vị cán bộ này đặt hàng loạt câu hỏi.

Nhìn lại cuộc biểu tình ở Đồng Nai, ở Bình Thuận rồi khi ra tòa thì lại xử tội tụ tập gây rối, xem ra có lẽ không hề có sự ngây thơ chính trị nào ở đây.

No comments:

Post a Comment