Saturday, August 11, 2018

Chúng cư ở Sài Gòn và giấc mơ Singapore



 Văn Lang/Người Việt

Một chúng cư thuộc vùng ven Sài Gòn. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Cả Cộng Sản Việt Nam lẫn Cộng Sản Trung Quốc đều “mơ” sẽ dẫn dắt dân chúng và xã hội đi tới một thiên đường mang hình bóng lý tưởng theo khuôn mẫu kiểu… Singapore. Giới cầm quyền hai đảng này muốn dùng Singapore để thay thế cho thiên đường Cộng Sản, dù trong thâm tâm cũng như trong lời nói, họ chưa bao giờ có ý định từ bỏ giấc mơ hoang đường về chủ nghĩa Cộng Sản.
Một cán bộ, đảng viên Cộng Sản ở Sài Gòn, cho rằng Singapore sạch sẽ, trật tự và thành đạt là bởi vì Singapore là một nước… nhỏ, nên dễ quản lý. Nhiều cán bộ Việt Nam đều “lý sự” như vậy. Thực ra ông Đặng Tiểu Bình lúc sanh thời, trong một dịp hội kiến “cha đẻ” của Singapore là ông Lý Quang Diệu cũng đã từng nói ra ý này.
Tuy nhiên, không phải nhỏ mà dễ quản lý. Như chuyện quản lý chúng cư (đời mới) ở Sài Gòn.
Mô hình “tổ dân phố” ở Sài Gòn hiện nay vẫn còn duy trì, nhưng nó không còn mạnh như thời bao cấp. Hơn nữa, những cuộc họp tổ dân phố theo hình thức “đấu tố,” trong nền kinh tế thị trường ngày nay xem ra không còn mấy ai… mặn mà nữa.
Việc hàng loạt chúng cư (building) mọc lên như nấm ở Sài Gòn hiện nay khiến nhà cầm quyền cũng “đẻ” ra một hình thức quản lý mới, với hy vọng mô hình chúng cư đó sẽ thay dần mô hình tổ dân phố, để đưa Sài Gòn “đến gần” với… Singapore hơn.
Theo quy định hiện hành, mỗi chúng cư sau khi được chủ đầu tư chính thức bàn giao lại cho cư dân. Thì cư dân trong chúng cư sẽ bầu ra ban đại diện gọi là “Ban quản trị chúng cư.”
Nhưng nội cái việc bầu ra ban quản trị thôi, cũng lắm nhiêu khê. Vì theo quy định, ban quản trị chỉ được nhà chức trách sở tại công nhận, khi cư dân tham gia bầu bán phải quá bán (tức trên 50% cư dân). Mà dân ta, vốn có thói quen sống… tà tà, khi nào động chạm tới quyền lợi cụ thể mới la ầm lên. Còn khi đi bầu người đại diện, thì nhiều khi vì lý do… làm biếng, nên tự ý vắng mặt.

Một chúng cư thuộc huyện Bình Chánh. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Sau nhiều lần tổ chức vận động bầu bán, thậm chí chấp nhận “bỏ phiếu” qua email, cuối cùng rồi cái ban quản trị chúng cư cũng được ra đời. Lúc này, việc chính của ban quản trị là phải “quyết đấu” với chủ đầu tư để đòi lại khoản tiền bảo trì chúng cư.
Phí bảo trì chúng cư theo luật định là 2% cho mỗi căn nhà chúng cư (apartment), thí dụ với một chúng cư loại bình thường (không phải deluxe), giá căn nhà chúng cư là 2 tỷ đồng (hơn $85,921), thì người mua phải đóng thêm phí bảo trì là 20 triệu đồng. Con số 2% nhân lên cho vài trăm căn nhà chúng cư của một chúng cư, chắc chắn sẽ ra một số tiền không hề nhỏ.
Nhưng trong thời gian chuyển giao từ chủ đầu tư sang ban quản trị, thời gian thường từ một tới hai năm (do quy định khi cư dân mua tới 80% căn nhà chúng cư ở chúng cư thì mới tiến hành chuyển giao “quyền lực”).
Thường trong khoảng thời gian này, đa số tiền bảo trì chúng cư đã kịp… “bốc hơi.” Dù ban quản trị  được dân bầu đều là những thành phần “ưu tú,” nhiều người có bằng cấp về ngành tài chánh, hoặc quản trị-kinh doanh. Nhưng khi ban quản trị yêu cầu “kiểm toán” đề nghị chủ đầu tư cung cấp các hóa đơn-chứng từ chứng minh việc chi phí bảo trì chúng cư để “quyết toán” thì đa số chủ đầu tư… phớt lờ, hoặc chây ì không chịu hợp tác, lại còn thách ban quản trị thưa… ra tòa.
Ban quản trị là những cư dân cùng chúng cư, do cư dân bầu và làm việc không ăn lương. Đa số họ cũng phải đi làm, do vậy việc kiện tụng, hay quyết đấu với chủ đầu tư để đòi tiền (cũng như sự công bằng) cho cư dân (và cho chính họ) cũng trở nên… lôi thôi, mất thời gian. Ai cũng rõ, chuyện tố tụng ở Việt Nam nó rất… lằng nhằng, hơn nữa “được vạ thì má đã sưng,” dù thắng kiện nhưng lúc chuyển qua giai đoạn thi hành án thì có lẽ đến 10 cái “Tết Công Gô” cũng chưa chắc lấy được tiền. Do vậy, dù tức anh ách, đa số ban quản trị chọn hình thức “của đổ hốt lại,” đòi được bao nhiêu hay bấy nhiêu, quan trọng là vớt vát… chút danh dự.

Một chúng cư thuộc quận 7, bị nước triều cường cô lập. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Nhưng khi chúng cư cần tiền để bảo trì, lúc này mới phát sinh mâu thuẫn giữa ban quản trị và cư dân (những người đã bỏ phiếu bầu ra ban quản trị). Là vì, với nhiều cư dân lúc bỏ tiền ra mua căn nhà chúng cư sau khi đã đóng thêm “một cục” phí bảo trì thì họ nghĩ vậy là… xong. Bây giờ lại bị thu tiền bảo trì nữa thì họ từ chối không đóng. Mà sự vận hành của chúng cư có “trơn tru” hay không lại phụ thuộc tiền… bảo trì.
Ví dụ như muốn không bị thang máy kẹt nửa chừng, phải được bảo trì hàng tháng (do kỹ thuật của chính hãng cung cấp dịch vụ), hư hỏng gì đó phải sửa chữa ngay để bảo đảm an toàn. Lúc nhìn hóa đơn bà con mới tá hỏa là mấy thứ dịch vụ này không hề rẻ như vẫn lầm tưởng. Rồi phải bảo trì, nâng cấp hoặc thay thế hệ thống báo cháy… hàng trăm thứ “bà rằn.” Mà thứ nào cũng là tiền, tiền, và… tiền. Chưa kể, hàng tháng mỗi căn nhà chúng cư phải đóng tiền quản lý phí cho ban quản lý (là một công ty dịch vụ do ban quản trị chọn thuê).
Khi không thu được tiền, ban quản lý đi “méc” với ban quản trị để đòi cắt điện, cắt nước của cư dân. Ban quản trị nói là họ cũng không có quyền, muốn cắt điện, cắt nước thì phải nhờ tới chức trách sở tại. Nhưng chính quyền lại nghĩ, mấy vấn đề dân sự đó thì ban quản trị và cư dân tự giải quyết, chức trách không muốn can thiệp. Do đó dẫn tới tình trạng, một người “chây ì” thì bao nhiêu cư dân ở chúng cư bị… vạ. Tỷ như việc cấm nuôi chó, mèo để giữ vệ sinh chúng, hay những quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy…
Tóm lại, chúng cư là một “mô hình” ở chung với nhau, nhưng rất nhiều người vẫn cư xử theo thói quen như vẫn đang ở… riêng.
Thêm nữa, mô hình ban quản trị chúng cư có con dấu riêng, có tài khoản ở ngân hàng, giống như một công ty… cổ phần. Nó mâu thuẫn ở chỗ ban quản trị làm việc không lương, không phải “full time.” Và trong nền kinh tế thị trường, các công ty dịch vụ chào mời các thành viên ban quản trị có trách nhiệm như là các… đối tác. Thí dụ, để thắng được “gói thầu” thay mới toàn bộ hệ thống báo cháy cho chúng cư.
Công ty cung ứng thiết bị này sẽ mời vị ủy viên ban quản trị phụ trách kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy đi… cà phê, và “bỏ nhỏ” những “lợi ích” mà vị này sẽ được hưởng nếu như chịu ký hợp đồng với công ty. Nơi nào có quyền lợi và quyền lực thì nơi đó phát sinh “chủ nghĩa lợi ích cá nhân” – Đó là bài học sơ đẳng nhất của quản trị nhân sự. Không lẽ, sau khi bầu ra ban quản trị thì lại phải bầu thêm một ban giám sát ban quản trị?
Chưa kể, khi đụng chuyện thì các thành viên ban quản trị chúng cư cũng cãi nhau như “mổ bò.” Như vị cán bộ đảng viên lúc trước phát biểu Singapore thành công vì là một đảo quốc nhỏ dễ quản lý. Vị này cũng đã tham gia ban quản trị chúng cư và chỉ sau không quá… 10 ngày đã khóc ròng xin từ chức, vì không chịu nổi sự phức tạp của mô hình quản trị chúng cư – “Kiểu chín người, mười ý!”
Mơ thành Singapore, nhưng cả Cộng Sản Việt Nam lẫn Cộng Sản Trung Quốc đều cố tình quên đi nền tảng của Singapore hoàn toàn không dính dáng gì tới “ý thức hệ” Cộng Sản. (Văn Lang)   

No comments:

Post a Comment