Saturday, August 11, 2018

Ai sẽ học ngành ‘thạc sĩ chống tham nhũng’?

Theo VOA--Trân Văn/09/08/2018
ĐHQG HN công bố chương trình thạc sĩ chống tham nhũng đầu tiên của Việt Nam hôm 2/8/2018.
 ĐHQG HN công bố chương trình thạc sĩ chống tham nhũng đầu tiên của Việt Nam hôm 2/8/2018.
Kế hoạch đào tạo “Thạc sĩ chuyên ngành Quản trị Nhà nước và Phòng – Chống tham nhũng” của Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội đã khuấy động dư luận suốt từ cuối tuần trước đến cuối tuần này. Cho dù bà Nguyễn Thị Quế Anh, Chủ nhiệm Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, hết lời biện bạch rằng kế hoạch ấy nhằm “đào tạo chuyên gia có kiến thức toàn diện, chuyên sâu cho cơ quan, tổ chức có nhu cầu về lĩnh vực này ở Việt Nam như: Cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng, tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, cơ sở học thuật, cơ quan truyền thông...” và chi phí đào tạo chỉ chừng 20 triệu đồng/cá nhân (1) nhưng nhìn chung, công chúng không đồng tình.
Chẳng riêng công chúng, một số viên chức làm việc trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo như ông Nguyễn Hoàng Giáp, Giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cũng không đồng tình. Công chúng không đồng tình bởi dưới mắt họ, kế hoạch đào tạo “Thạc sĩ chuyên ngành Quản trị Nhà nước và Phòng – Chống tham nhũng” là một kiểu “vẽ rắn thêm chân”, còn những người như ông Giáp không đồng tình vì không cần thiết. Ông Giáp lưu ý:Nghiên cứu phòng – chống tham nhũng hầu hết là cán bộ làm công tác xây dựng Đảng, công tác tổ chức và kiểm tracho nên đối tượng này mới cần được đào tạo”. Bởi thực tế đúng như ông Giáp nhận định nên một luật sư tên là Nguyễn Tiến Thơm cũng cho rằng: Đào tạo về quản trị nhà nước và phòng - chống tham nhũng nên được thực hiện trong nội bộ các trường Đảng, trường bồi dưỡng cán bộ” (2).
Nếu nhìn ở góc độ… thị trường, khi phòng – chống tham nhũng là “nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài” của toàn bộ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam và được quảng bá rầm rộ ít nhất cũng đã ba thập niên, rất dễ hiểu tại sao Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội sọan thảo, giới thiệu kế hoạch đào tạo “Thạc sĩ chuyên ngành Quản trị Nhà nước và Phòng – Chống tham nhũng”. Tuy nhiên kế hoạch tưởng như bám rất sát thị trường ấy khó khả thi vì phòng như thế nào, chống ra sao vẫn do giới lãnh đạo Đảng CSVN quyết định. Thường dân, kể cả thường dân có học vị thạc sĩ chuyên ngành “Quản trị Nhà nước và Phòng – Chống tham nhũng” cũng không có chỗ trong công cuộc phòng – chống tham nhũng.
***
Cách nay hai tháng, ông Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) Đảng CSVN, cựu Phó Ban Tuyên giáo BCH TƯ Đảng CSVN, hiện là Tổng Giám đốc Đài Phát thanh Quốc gia (VOV), công bố bài “Phòng, chống tham nhũng: Những bài học lịch sử và hành động của chúng ta hôm nay” (3).
Nhìn một cách tổng quát thì bài viết dài khoảng 6.000 chữ của ông Phó Giáo sư chưa từng dạy ở đại học nào và có học hàm Tiến sĩ chưa rõ ở đâu cấp (?) này không có gì mới. Tác dụng duy nhất của bài viết vừa dẫn dường như chỉ là gieo thêm hoang mang cho độc giả: Tại sao quyết tâm của giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam rất cao và hành động rất… quyết liệt (chỉ tính riêng từ 2014 đến nay, để phòng – chống tham nhũng, lãnh đạo Đảng CSVN đã ban hành chừng một chục Nghị quyết, Chỉ thị, song song với việc tổ chức hàng chục hội nghị, Quốc hội Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã soạn – sửa – bổ phiếu thông qua 94 luật, pháp lệnh, 88 Nghị quyết, Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành 694 Nghị định, 518 Nghị quyết, 281 quyết định,…) mà tham nhũng ở Việt Nam vẫn không giảm, hậu quả mà tham nhũng gây ra cho cả chính trị, kinh tế lẫn xã hội càng ngày càng nặng nề?
Giống như nhiều viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam, ông Kỷ tiếp tục khẳng định, phải củng cố vai trò lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng CSVN trong công cuộc phòng - chống tham nhũng và hứa hẹn “từng bước mở rộng hoạt động phòng – chống tham nhũng ra ngoài khu vực nhà nước, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng chống tham nhũng”.
Năm 2013 – thời điểm Việt Nam đang thu thập ý kiến để sửa Luật Hình sự 2009, từ sự gợi ý của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) và sự tiếp sức của tổ chức này thông qua “Dự án Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam”, một số viên chức của Quốc hội và Bộ Tư pháp Việt Nam đã đề nghị đưa thêm vào Luật Hình sự của Việt Nam tội “làm giàu bất chính” để truy tố những cá nhân giàu có một cách bất thường. Theo hướng này, nếu viên chức nào đó có tài sản lớn khác thường so với thu nhập hợp pháp và không thể giải thích hợp lý về nguồn gốc tài sản thì sẽ bị xem là phạm tội “làm giàu bất chính” để điều tra - truy cứu trách nhiệm hình sự (4). Năm 2015 - khi bỏ phiếu thông qua Luật Hình sự mới, rồi năm 2017 khi sửa Luật Hình sự mới sửa năm 2015, Quốc hội Việt Nam liên tục gạt bỏ đề nghị xác định hành vi “làm giàu bất chính” là tội phạm.
Đó là lý do đến nay, dân chúng Việt Nam chỉ có thể dè bỉu viên chức này khi ông ta biện bạch, sở dĩ ông ta giàu nứt khố đổ vách nhờ… bện chổi, viên chức kia phân bua tiền xây nhà cao cửa rộng là khoản tích lũy do… chạy xe ôm,… rồi… thôi! Còn hệ thống tư pháp thì vẫn tiếp tục khoanh tay ngắm các viên chức sống như những ông hoàng, bà hoàng, thi thoảng cả hệ thống tư pháp nghiêng mình nghe dân chửi rồi… lắc đầu vì Đảng chưa cho phép“mở rộng hoạt động phòng – chống tham nhũng ra ngoài khu vực nhà nước”tới mức có đủ cơ sở loại bỏ vĩnh viễn những câu chuyện thoạt nghe thì khôi hài song dẫu ráng thiên hạ cũng không thể cười đó.
Tương tự, dẫu đã ký Công ước Phòng - Chống tham nhũng (United Nations Convention against Corruption - UNCAC) năm 2003 nhưng bảy năm sau (2009), Việt Nam mới chịu phê chuẩn UNCAC. Tại sao xác định tham nhũng là quốc nạn, viên chức tham nhũng là một thứ “giặc” nguy hiểm mà giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam lại tỏ ra hết sức ngần ngại trong việc phê chuẩn một văn kiện quốc tế mà mục tiêu chỉ nhằm nâng cao hiệu lực giải trừ tham nhũng thông qua việc đặt định hàng loạt qui ước, chuẩn mực về tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, buộc công chức phải tuân thủ các tiêu chí chung về hành xử khi thi hành công vụ, hệ thống tư pháp phải độc lập, hệ thống công quyền phải minh bạch, phải để các tổ chức dân sự tham gia giám sát, chưa kể phê chuẩn còn giúp Việt Nam gia tăng hợp tác đa quốc gia nhằm cùng truy tìm – thu hồi tài sản thủ đắc từ tham nhũng trên phạm vi toàn cầu? Còn một điểm khác đáng thăc mắc không kém là tại sao đã hứa “mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng chống tham nhũng” nhưng khi phê chuẩn UNCAC, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đột nhiên tuyên bố giành quyền bảo lưu (không thực thi) một số nội dung của UNCAT? Tại sao hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính, thực hiện thủ tục dẫn độ… lại… chưa phù hợp và vì lẽ gì mà Việt Nam vẫn đòi thực hiện UNCAC theo Hiến pháp và pháp luật thực định của Việt Nam chứ không áp dụng trực tiếp các qui định của UNCAT (5)?
Vì sao phòng – chống tham nhũng đã được xác định là “không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ” mà Dự luật sửa luật phòng – chống tham nhũng liên tục được nâng lên rồi bị đặt xuống suốt ba năm vừa qua (6)? Đã “không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ”thì tại sao giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam nhất loạt đòi gạt bỏ chuyện xử lý tài sản của những viên chức bị xác định là kê khai gian dối sang một bên và dứt khoát không tán thành đề nghị giải quyết tài sản của những viên chức không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc bằng cách định giá rồi buộc nộp thuế theo tỉ lệ 45% tính trên tổng giá trị, hoặc tịch thu sung công, nếu cần, truy cứu trách nhiệm hình sự vì làm giàu bất chính (7)? Chuyện đơn giản nhất: Chỉ công bố bản kê khai tài sản mà các viên chức đã nộp – mà ông Nguyễn Phú Trọng, người dẫn đầu công cuộc phòng chống tham nhũng ở Việt Nam - cũng cho là “nhạy cảm”, “rất khó” (8) thì lúc nào mới thực sự “mở rộng hoạt động phòng – chống tham nhũng ra ngoài khu vực nhà nước, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng chống tham nhũng” để “không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ”?
***
Thật ra kế hoạch đào tạo “Thạc sĩ chuyên ngành Quản trị Nhà nước và Phòng – Chống tham nhũng” của Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội bám rất sát đường lối, chủ trương của giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam. Chỉ có điều khoảng cách từ đường lối, chủ trương đến tính khả thi và hiệu quả, luôn luôn rất lớn và gần như không thể thu hẹp. Đâu phải tự nhiên mà ông Nguyễn Hoàng Giáp, Giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định chắc nịch, phòng tham nhũng thế nào, chống tệ nạn này ra sao là công việc do các cán bộ của Đảng CSVN đảm nhận, quyết định. Còn khuya mới có chỗ cho các Thạc sĩ “Quản trị Nhà nước và Phòng – Chống tham nhũng” tương lai thi thố sở học. Triển vọng thăng tiến nghề nghiệp tất nhiên sẽ chỉ là một số không tròn trĩnh.
Ngay cả khi học phí chỉ 20 ngàn (chứ không phải 20 triệu) chắc cũng chẳng có bao nhiêu thường dân mặn mà vì ít nhất cũng phải dùi mài kinh sử vài năm song cầm chắc là chẳng đến đâu. Nói theo kiểu bình dân, đào tạo “Thạc sĩ chuyên ngành Quản trị Nhà nước và Phòng – Chống tham nhũng” của Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội là một kế hoạch giàu trí tưởng… bở. Thường dân giờ đã rất khôn, số người giàu trí tưởng… bở hiện rất hiếm, không dễ thành công đâu.
Chú thích

No comments:

Post a Comment