AN GIANG, Việt Nam (NV) – Nước lũ đang lên nhanh trên các tuyến sông, kênh chính cộng với tin đập thủy điện ở Nam Lào bị vỡ hôm 24 Tháng Bảy, 2018, khiến nhiều nông dân ở miền Tây thấp thỏm lo âu.
Nói với báo Người Lao Động, ông Võ Văn Lâm và ông Lê Văn Khiêm (ngụ ấp Phú Nhơn, xã Nhơn Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang) cho biết đã gieo sạ được gần 30 công lúa. Tuy nhiên, đợt lũ vừa rồi, ông Lâm thu hoạch theo kiểu vớt vát được 8 công, số còn lại mất trắng.
Tiếc của, vợ chồng ông Lâm định thuê người cắt lúa với giá 500,000 đồng (khoảng $22)/công nhưng cũng không ai dám nhận vì lúa đã nằm quá sâu trong nước lũ.
Trong khi đó, ông Khiêm đành ngậm ngùi chịu cảnh trắng tay với 8 công lúa đang trong giai đoạn chín sau bốn ngày nước lũ tràn vào ruộng.
“Năm nay, bà con đều mang nợ vì lũ về sớm và lớn hơn mọi năm. Bây giờ mà đi giăng câu, thả lưới cũng khó sống vì cá quá ít,” ông Khiêm tiếc nuối nói.
Ông Phạm Thành Tâm, phó trưởng Phòng Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn huyện An Phú, nhận định lũ năm nay về sớm và lớn hơn năm ngoái đến gần 15 ngày nên hơn 30 hécta lúa của nông dân trồng ngoài đê bao bị thiệt hại.
“Nếu bình thường không có chuyện bên Lào vỡ đập thì nước lũ vẫn lên nhưng có thể thấp hơn từ 30-40 cm. Hiện chúng tôi đang gia cố tuyến đê ở các xã Phú Hữu, Vĩnh Hậu và Vĩnh Lộc để bảo vệ cho khoảng 8,000 hécta lúa đang thu hoạch. Chúng tôi đã vận động nông dân sớm thu hoạch dứt điểm trong ba ngày tới để hạn chế rủi ro,” ông Tâm nói.
Ông Trần Anh Thư, giám đốc Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn tỉnh An Giang, cho biết tỉnh đã có kế hoạch dự phòng cho trường hợp lũ sớm bất thường và xả lũ ở các đập thủy điện phía thượng nguồn nên không có gì bất ngờ. Hơn nữa, lượng nước từ Lào về tới An Giang rất xa, phải qua nhiều nơi nên lượng nước đã giảm đáng kể.
Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái đồng bằng sông Cửu Long, nếu lượng nước về đồng bằng sông Cửu Long khoảng 5 cm như các cơ quan chức năng thông báo thì không đáng lo ngại. (Tr.N.)
No comments:
Post a Comment