HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hiếm có cuốn sách nào ở Việt Nam “nhiều nỗi truân chuyên” như cuốn “Gạc Ma-Vòng Tròn Bất Tử”: Thực hiện bản thảo từ năm 2014, lần lượt qua 14 nhà xuất bản và mãi đến đầu Tháng Bảy, 2018 mới được phát hành chính thức.
Cuốn sách thu thập lời kể của những nhân chứng về cuộc hải chiến Trường Sa năm 1988 khi Hải Quân Trung Quốc đưa quân tấn công bãi đá Cô Lin, bãi đá Len Đao và bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. 64 binh lính Hải Quân CSVN Việt Nam thiệt mạng trong trận này.
Oái oăm là vỏn vẹn vài ngày sau khi ra mắt, truyền thông “lề phải” cho biết cuốn “Gạc Ma-Vòng Tròn Bất Tử” bị dừng phát hành để “chỉnh sửa, rà soát lại toàn bộ nội dung.”
Theo báo Pháp Luật ở Sài Gòn, cuốn sách do Nhà Xuất Bản Văn Học liên kết với Công Ty Sách Fisrt News ấn hành có một số “sai sót”: “Lời kể trong sách của ông Nguyễn Văn Lanh, cựu binh Gạc Ma, về lệnh ‘không được nổ súng’ vào quân Trung Quốc được đính chính thành ‘không được nổ súng trước’; Chi tiết về cựu binh Mai Xuân Hải ở Quảng Bình ‘vừa qua đời’ là không chính xác vì trên thực tế thì ông này ‘còn sống’”…
Tuy vậy, đêm 15 Tháng Bảy, ông Trần Đức Anh Sơn, nhà nghiên cứu Biển Đông và là viện phó Viện Nghiên Cứu Phát Triển Kinh Tế-Xã Hội Đà Nẵng, bất ngờ đưa bình luận trên trang Facebook cá nhân.
“Chủ yếu là người đọc quan tâm đến việc có hay không ‘lệnh cấm nổ súng’ hay ‘lệnh cấm nổ súng trước’ mà thôi. Một nhân chứng trong cuộc chiến này là hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh, đã cung cấp thông tin cho nhóm làm sách một chi tiết, được in trong sách: ‘Tôi tính lượm khẩu súng của tên chỉ huy (Trung Quốc) để bắn chết nó nhưng vì có lệnh ‘không được nổ súng’ nên thôi. Nếu cho thì tôi đã bắn chết nó rồi, rốt cuộc tôi bị nó đâm lê vào người và bị đạn bắn ngã ngửa (trang 43 của sách nêu trên).”
Ông Sơn cũng viết thêm: “Tôi tin những người lính chiến đấu ở Gạc Ma-Cô Lin-Len Đao. Họ bị quân thù bắn xối xả, muốn phản kháng lại, dù bằng vũ khí yếu hơn, nhưng họ đã không làm vì ‘có lệnh của trên.’ Lệnh đó thì tôi tin không bao giờ có bằng văn bản, mà chỉ phổ biến tới những người lính. Người trực tiếp ra lệnh cho họ ở trận tiền thì đã hy sinh. Người còn sống kể lại lý do vì sao ông không nổ súng cho những người làm sách thì thấp cổ bé họng, nói ra thì bị cho là nói sai sự thật. Tôi nghĩ, giữa phút sinh tử ấy, không ai nói dối làm gì, trừ khi ai đó ép buộc họ phải nói dối.”
Cũng cần nói thêm, hồi Tháng Hai, 2018, ông Sơn bị Ủy Ban Kiểm Tra Thành Ủy Đà Nẵng “thi hành kỷ luật về đảng” do ông này “đăng tin bài trên mạng xã hội có nội dung sai sự thật, bịa đặt.” Việc ông Sơn bị kỷ luật được suy đoán là có liên quan đến một bài báo về ông trên tờ New York Times, trong đó ông tiết lộ chuyện mình “đã bị cấp trên ra lệnh đừng nói xấu về Trung Quốc.”
Đến nay, chủ để về cuộc hải chiến Trường Sa năm 1988 vẫn được cho là “nhạy cảm” trên mặt báo “lề phải.” Tổng biên tập các báo cũng được lệnh chỉ đăng theo các bản tin do Thông Tấn Xã Việt Nam phát đi về sự kiện này.
Đó là chưa kể, trong dịp tưởng niệm sự kiện này vào ngày 14 Tháng Ba hàng năm, các nhà hoạt động và giới đấu tranh dân chủ thường bị chính quyền cho người sách nhiễu, canh gác cẩn mật để ngăn họ đi thắp hương cho các liệt sĩ.
Hồi Tháng Ba, 2018, truyền thông “lề phải” cho hay, chủ đề Gạc Ma chỉ mới “dự trù được Bộ Giáo Dục Đào Tạo đưa vào sách giáo khoa môn Lịch sử lớp 12” nhưng chưa rõ năm nào.
Trong một diễn biến khác, cộng đồng mạng bất bình trước việc nhân viên khách sạn Rex bị Sở Ngoại Vụ thành phố Sài Gòn ra lệnh dùng một chậu cây lớn để che và tắt đèn gần vị trí đặt tấm bản đồ cho thấy Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Sự việc được cho là xảy ra trong sự kiện Bí Thư Thành Ủy thành phố Sài Gòn Nguyễn Thiện Nhân tiếp ông Hoàng Khôn Minh, ủy viên Bộ Chính Trị, trưởng Ban Tuyên Truyền Trung Ương của đảng Cộng Sản Trung Quốc. (T.K.)
No comments:
Post a Comment