Friday, July 13, 2018

Các gánh nặng tài chính được truyền sang thế hệ tiếp theo như thế nào?

Quà của Đảng CSVN để lại cho các thế hệ tương lai
Nguồn: How burdens are passed on to the next generationThe Economist, 23/09/2017. Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Việc chuyển giao các nghĩa vụ là một hệ thống kim tự tháp tự nhiên, với những rủi ro đi kèm.
***
Trong dài hạn, tất cả chúng ta đều sẽ chết, John Maynard Keynes đã chỉ ra như vậy. Điều ông không nói thêm là một số người trong chúng ta cũng sẽ chết trong ngắn hạn. Và những người mà rốt cục sẽ chết vẫn chưa được sinh ra. “Chúng ta”, nói cách khác, bao gồm một loạt các thế hệ xen kẽ, những người sẽ gặp chung một số phận, nhưng không phải cùng một lúc. Những người già tồn tại đồng thời cùng những người trẻ, những người cuối cùng rồi cũng sẽ già đi. Và khi họ già đi, họ sẽ hòa mình vào một lớp những người trẻ tuổi mà hiện chưa tồn tại.
Cuộc diễu hành vô tận của các thế hệ chồng chéo nhau tạo ra một số vấn đề và cơ hội kinh tế thú vị, như Paul Samuelson, một nhà kinh tế học đoạt giải Nobel đã giải thích vào năm 1958. Một vấn đề thường gặp là khó khăn trong việc thu hồi nợ từ người chết. Một điều khác là việc không thể vay mượn hàng hóa và dịch vụ từ các thế hệ tương lai, những người chưa sống để sản xuất ra chúng. Điều đó càng làm nền kinh tế khó khăn hơn trong việc chuyển giao nguồn lực giữa các thế hệ. Đặc biệt, thế hệ già dựa vào lớp dân số trong độ tuổi lao động đối với nhiều hàng hóa và dịch vụ mà họ hưởng thụ khi nghỉ hưu. Nhưng những người về hưu không sản xuất bất cứ thứ gì mà họ có thể mang ra để đổi lấy những thứ này. Và người về hưu cũng không thể vay mượn từ thế hệ trẻ, bởi vì họ sẽ không có khả năng hoàn trả sau khi kết thúc thời kỳ nghỉ hưu. Dân số trong độ tuổi lao động cũng không thể yêu cầu các thế hệ tương lai giúp chia sẻ gánh nặng, bởi vì họ vẫn chưa có mặt để đỡ đần.
Một cách giải quyết là cho phép thế hệ già “mượn” từ thế hệ trẻ với điều kiện là thế hệ trẻ cuối cùng sẽ được “trả lại”, khi bản thân họ cũng trở nên yếu đuối, bởi thế hệ tương lai. Đây là nguyên tắc đằng sau các chương trình lương hưu tùy theo khả năng: các công nhân chi trả tiền lương hưu cho những người về hưu của ngày hôm nay với nhận thức rằng những người công nhân trong tương lai sẽ làm điều tương tự đối với họ khi đến lúc.
Các tính toán tương tự cũng có thể giúp duy trì sự vay mượn của chính phủ và thậm chí là các bong bóng tài sản. Người trẻ có thể mua tài sản từ thế hệ lớn tuổi tại mức giá cao, tin rằng cuối cùng có thể chuyển giao chúng ở các mức giá còn cao hơn nữa cho những kẻ ngốc thậm chí còn trẻ hơn, những người thậm chí có thể chưa được sinh ra. Chính phủ cũng có thể bán trái phiếu dài hạn cho lớp dân số trong độ tuổi lao động ngày nay, sử dụng số tiền thu được để hỗ trợ chăm sóc người cao tuổi. Khi trái phiếu đáo hạn, chính phủ có thể đảo nợ đối với các khoản nợ này, trả những khoản nợ cũ bằng những khoản nợ mới được bán cho thế hệ tiếp theo. (Lưu ý rằng thế hệ người già đầu tiên khi đó sẽ được hưởng lợi từ việc bán trái phiếu lần đầu mà không bao giờ phải tự mình mua trái phiếu, một ví dụ hiếm hoi trong kinh tế học về “bữa trưa miễn phí”.)
Sự tung hứng giữa các thế hệ như thế này chỉ hoạt động hiệu quả nếu “thế hệ mới luôn được sinh ra”, như Samuelson đã chỉ ra. Nếu việc sinh đẻ chấm dứt, thế hệ cuối cùng sẽ không nhận được gì từ quá trình này, bởi vì sẽ không có thế hệ tiếp theo nào để trả tiền lương hưu hoặc mua tài sản của họ. Những chương trình này cũng hoạt động tốt nhất nếu thế hệ tiếp theo luôn đông hơn hoặc giàu có hơn so với thế hệ trước. Trong trường hợp đó, mọi người có thể nhận được nhiều hơn những gì họ đóng góp, ngay cả khi các khoản đóng góp chiếm một tỉ lệ ổn định trong tổng thu nhập của mỗi thế hệ. Thế hệ trẻ có thể đóng góp 10% thu nhập của họ trong thời kỳ còn làm việc của mình, sau đó, khi họ nghỉ hưu, thu về 10% thu nhập của thế hệ tiếp theo. Nếu dân số và thu nhập tăng lên trong giai đoạn đó, thì 10% thu nhập của thế hệ trẻ sẽ đáng giá hơn nhiều so với [10% của] thế hệ già. Hãy nghĩ về nó như một hệ thống kim tự tháp tự nhiên.

No comments:

Post a Comment