HÀ Nội, Việt Nam (NV) – Dự luật “Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt” đang được Quốc Hội CSVN bàn qua bàn lại và dự trù thông qua ở cuối kỳ họp trong tháng này, hiện bị dư luận chống đối kịch liệt.
Dự luật có tên đầy đủ là “Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc” có mục đích biến 3 khu vực vừa kể thành những “đặc khu” có những ưu đãi đặc biệt để thu hút đầu tư ngoại quốc. Ngay từ khi bắt đầu thảo luận từ ngày 25 Tháng Năm, 2018, một số đại biểu đã “băn khoăn” về hiệu quả của dự luật.
Ông Dương Trung Quốc, trong lời phát biểu, cho người ta hiểu ngầm là ông sợ nếu thành luật, người Trung Quốc sẽ tràn sang, đổ tiền vào biến các “đặc khu” thành những “nhượng địa” di cư có thể hàng trăm ngàn người hay nhiều hơn. Trong khi đó thì ông Uông Chu Lưu, phó chủ tịch Quốc Hội của chế độ, cổ võ rằng làm luật “đặc khu” là “dọn ổ đón phượng hoàng.”
Tìm kiếm trên Google qua nhóm từ “dự luật đặc khu kinh tế” người ta được hơn 35 triệu kết quả. Còn đánh nhóm từ “kêu gọi phản đối dự thảo luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc)” cho hơn 1 triệu 640 ngàn kết quả. Điều này cho thấy dư luận người Việt khắp nơi rất quan tâm đến vấn đề mà có nhiều người gọi là dự luật “bán nước từng phần” cho Trung Quốc.
Dự luật “Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc” gồm 5 chương với 85 điều khoản nếu được thông qua trong khóa họp này, sẽ có hiệu lực từ đầu năm tới, tức ngày 1 Tháng Giêng, năm 2019. Trong đó, có những khoản ưu đãi “miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước từ 20 năm đến 30 năm và thời hạn thuê đất lên tới 99 năm, tức có thể “cha truyền con nối” nhiều thế hệ.
Không kể những thức giả phản đối có tính cách cá nhân như ông Hà Sĩ Phu, nhà văn Tạ Duy Anh, cựu đảng viên ngoại giao Đặng Xương Hùng, tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh,… một số nhóm gửi các thư phản đối hay kiến nghị tập thể đến Quốc Hội và chế độ Hà Nội nêu ra những sai lầm trầm trọng của dự luật, thúc hối dẹp nó qua một bên.
Phần lớn bày tỏ sự lo ngại dự luật tạo cơ hội cho người Trung Quốc “xăm lăng” Việt Nam một cách hợp pháp do chính chế độ Hà Nội rước vào, không khác gì vua Lê Chiêu Thống ngày xưa rước quân Thanh vào chiếm đóng nước ta.
Hàng trăm người đã ký tên chung trong “Lời kêu gọi phản đối dự thảo luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc). Lời kêu gọi đưa ra ngày 1 Tháng Sáu, 2018, thúc giục mọi người, kể cả các đại biểu Quốc Hội xem xét, phản đối dự luật về “Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt” rút gọn là “Dự luật về đặc khu kinh tế.”
Lời kêu gọi đặt câu hỏi: “Nhượng đất” hay “nhượng địa” là phần đất đai của quốc gia do ngoại bang làm chủ. Đấy là bán nước từng phần, phải vậy không?” Trong số những người ký tên, thấy có nhiều người là đảng viên CSVN nổi tiếng, các nhân sĩ, trí thức nổi tiếng trong ngoài nước.
Một bức thư gửi “tứ trụ” cầm đầu đảng và nhà nước CSVN của 20 chuyên viên kinh tế hàng đầu tại Việt Nam trong “Hội Khoa Học Kinh Tế Việt Nam” cho rằng dự án “đặc khu kinh tế” đang được chuẩn bị “thiếu nhà đầu tư chiến lược, nên thiết kế các khu kinh tế chưa tương xứng yêu cầu có tầm cỡ để ‘xây ổ cho phương hoàng đẻ trứng’, thiết kế kém tầm nhìn xa, kém chất lượng, thiếu gắn kết…”
Trên mạng xã hội, người ta cũng thấy phổ biến “Thư ngỏ gửi các đại biểu Quốc Hội về luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt” với hàng trăm người ký tên kêu gọi “Hãy trả lời KHÔNG đối với luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, và dứt khoát KHÔNG biểu quyết thuận để thông qua dự luật này.” Và “KHÔNG tiếp tay cho cho lòng tham vô đáy của đám tư bản tức nhóm lợi ích đứng sau đề án, đang ẩn núp dưới chiêu bài ‘đại cục’ của quốc gia hay ‘tình hữu nghị’ giữa hai nước và hai đảng cầm quyền.”
Trước những chống đối dữ dội hiếm có về một dự luật, tờ Tuổi Trẻ hôm Thứ Hai, 4 Tháng Sáu, 2018, thấy đăng tải bản tin nói ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc “lắng nghe các ý kiến khác nhau.”
Tờ Tuổi Trẻ dẫn lời ông Phúc: “Hiện nay dự thảo luật đang trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc Hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp này. Chắn chắn là Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội sẽ phân tích các ý kiến góp ý, và cuối cùng Quốc Hội sẽ xem xét, cân nhắc nhiều mặt trước khi thông qua. Thẩm quyền cuối cùng thuộc về Quốc Hội.”
Tức là ông nói nếu dự luật nêu trên được thông qua là tội “Quốc Hội,” không phải tội ông. Tuy nhiên, các dự luật đưa ra Quốc Hội biểu quyết đều do các cơ quan ban ngành trong chính phủ soạn thảo, do các ông trong chính phủ và chóp bu đảng trong Bộ Chính Trị “quyết” rồi đẩy sang Quốc Hội “con dấu cao su” bấm nút. (TN)
No comments:
Post a Comment