Cho dù đã gặp rất nhiều rủi ro trong việc giao việc xây dựng các nhà máy điện than cho chủ đầu tư Trung Cộng. Vậy nhưng, chính quyền Việt Nam vẫn chưa rút được kinh nghiệm. Mới đây, Bộ Công thương vừa gởi văn bản cho ông Nguyễn Xuân Phúc-Thủ tướng Chính phủ CSVN muốn giao dự án Nhà máy điện than Quỳnh Lập 1 (Nghệ An) cho một chủ đầu tư Trung Cộng.
Trong văn bản gởi Chính phủ, Bộ Công thương cho biết do Tập đoàn Công nghiệp Than-khoáng sản (TKV) không đủ tài chính sẽ làm chậm tiến độ triển khai như đã vạch ra trước đây. Do đó muốn thay bằng liên danh Geleximco-HUI (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hồng Kông United Investors Holding, Trung Quốc). Cũng trong văn bản, Bộ Công thương mong muốn ông Phúc chấp thuận đề nghị trên.
HUI là một công ty con của Tập đoàn năng lượng KAIDI Dương Quang (Trung Quốc). Đây là tập đoàn có nhiều đầu tư vào các lĩnh vực liên quan đến điện than và sở hữu rất nhiều nhà máy. Không chỉ ở Trung Quốc, mà ngay tại Việt Nam thì HUI cũng làm tổng thầu rất nhiều dự án.
Dự án nhà máy điện than Quỳnh Lập 1 có diện tích 150ha, với tổng đầu tư lên đến 2,1 tỷ Mỹ kim được chính quyền Việt Nam giao cho TKV làm chủ đầu tư. Theo Bộ công thương, nếu giao dự án này cho HUI và Geleximco thì số tiền đầu tư dự án sẽ được các ngân hàng Trung Quốc đổ tiền vào, số tiền lên đến 1,6 tỷ Mỹ kim với lãi suất từ 10,86 đến 11,77%/năm.
Không chỉ muốn làm chủ đầu tư nhà máy điện than Quỳnh Lập 1, mà HUI còn muốn thâu tóm dự án nhà máy điện than Quảng Trạch 2 (Quảng Bình) do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư.
Từ những con số của Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) Việt Nam, cho đến năm 2017 số tiền đầu tư vào ngành điện than trong nước lên đến 40 tỷ Mỹ kim. Trong số đó, số tiền mà các ngân hàng trong nước cho vay chỉ ở khoảng 17%, 52% tiền đến từ các ngân hàng nước ngoài. Điều lạ lùng là có đến 31% nguồn tiền đầu tư vào các nhà máy điện than không xác định được. Đó có thể là tiền bẩn đầu tư vào các nhà máy điện than nhằm mục đích rửa tiền.
Với nguồn tiền từ nước ngoài đổ vào các dự án nhà máy điện than thì Trung Quốc chiếm nhiều nhất, với hơn 50% được vay từ nước này, thứ nữa là Nhật Bản và Đại Hàn.
Trước việc Bộ Công thương muốn giao dự án nhà máy điện than cho chủ đầu tư Trung Cộng, rất nhiều chuyên gia đã bày tỏ sự lo ngại của mình. Theo họ, mục đích của các chủ đầu tư Trung Cộng là muốn đẩy công nghệ điện than lạc hậu từ nước họ sang Việt Nam thông qua hình thức cho vay vốn. Điều này đã gặp phải ở rất nhiều dự án, mà đáng nói nhất là tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận).
Trung Cộng đang nổi lên mạnh mẽ là một quốc gia chuyên đi cho vay nợ. Rất nhiều quốc gia sau khi vay vốn từ nước này đã phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc. Trong số đó có Việt Nam. Bằng số tiền cho vay, chính quyền Trung Cộng điều khiển các quốc gia con nợ của họ theo ý của mình. Mà điển hình là phải cho nhập công nghệ lạc hậu; không đủ tiền trả thì phải bán đất, cho thuê cảng dài hạn…
Tại Việt Nam, rất nhiều dự án đang mắc phải chiêu trò bẩn của các chủ đầu tư Trung Quốc. Ban đầu, các chủ đầu tư bỏ giá thầu rất rẻ, rồi sau đó kéo dài thời gian thi công khiến số tiền đội sổ lên nhiều lần. Các quốc gia vay nợ không có tiền để bù vào trở nên khốn đốn. Một trong những bài học trước mắt nhưng quan chức CSVN vẫn không học được đó là dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông, hay nhà máy thép Thái Nguyên. Cho đến nay, các dự án này đang nằm như một đống chất thải khổng lồ ngay tại thủ đô Hà Nội.
Phải nói tại Việt Nam, rất nhiều dự án nhà máy điện than lọt vào tay các nhà đầu tư Trung Quốc. Điều này làm dấy lên mối lo ngại về an toàn năng lượng cho quốc gia. Trong tổng số 27 nhà máy điện than đang được vận hành trong nước thì có đến 14 nhà máy là do Trung Quốc làm tổng thầu. Không chỉ lo lắng về an ninh năng lượng, mà còn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu do phải nhập từ Trung Quốc sang.
Nguoi Quan Sat
No comments:
Post a Comment