Thursday, June 7, 2018

Cán bộ trốn chạy trước khi bị bắt

RFA-2018-06-06   
Ông Trương Quý Dương, nhân vật có liên quan trong vụ án chạy thận nhân tạo khiến 8 người chết hiện đang ở Canada cùng gia đình
Ông Trương Quý Dương, nhân vật có liên quan trong vụ án chạy thận nhân tạo khiến 8 người chết hiện đang ở Canada cùng gia đình-Facebook Chi Nguyen
Gần đây xảy ra những vụ “biến mất” của một số cán bộ, quan chức nhà nước trước khi những cá nhân này bị phát hiện tham ô, tham nhũng, gây thất thoát kinh tế cũng như dính dáng trách nhiệm trong một số vụ điều tra của cơ quan chức năng. Cụ thể là trường hợp nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn sang Đức, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí – PVTex sang được Ba Lan, việc mất tích đầy bí ẩn của hotgirl Thanh Hoá Trần Vũ Quỳnh Anh hay gần đây nhất là trường hợp của ông Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình cùng gia đình đã định cư hợp pháp tại Canada trước khi ông này được biết có liên quan trách nhiệm trong vụ án chạy thận nhân tạo làm 8 người chết xảy ra ở bệnh viện này…
Thực tế này khiến cho nhiều người dân bức xúc và cả hoang mang về trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước. Một người dân bày tỏ bức xúc:

...từ phó chủ tịch tỉnh, chủ tịch tỉnh cho đến bí thư tỉnh chứ chưa nói về hàm trung ương, thì hầu như con cháu họ đã có những biệt thự, tài khoản… ở nước ngoài rồi. Đó là một sự thật và sự thật đó nói lên điều gì, họ đang lo điều gì đó, khi có một điều gì xấu nhất thì họ rút chân đi - blogger Trương Duy Nhất
Nhà tôi cũng là một trường hợp, vợ tôi phải chạy thận, tôi thấy những gia đình mà có bệnh nhân chạy thận đã rất khó khăn rồi, chúng tôi cũng rất là vất vả khổ sở mà làm ăn sơ suất như thế, để người bệnh chết oan vì cách chỉ đạo cán bộ như thế, bây giờ lại chạy trốn thì chúng tôi không nhất trí, nhà nước cần phải tìm người đó về xử lý cho chúng tôi hả lòng hả dạ”
Trên thực tế những cán bộ, quan chức nhà nước này khi được phát hiện có liên quan trong các vụ án kinh tế, hình sự hay dân sự đều đã “cao chạy xa bay” … Ông Võ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Trung ương giải thích về điều này:
Vừa rồi vì vừa có những sự việc như thế nên đã có quy định nếu như có dấu hiệu tham nhũng thì không cho đi nước ngoài nữa, phải có đề nghị ngay. Trước đây thì chưa có quyết định nên người ta viện cớ là ốm, rồi đi thăm người nhà… nhưng bây giờ thì không thể như thế được nữa.” 
Nhà báo, blogger Trương Duy Nhất, một nhà bất đồng chính kiến cho rằng, đã có một sự sắp đặt và chuẩn bị rất kỹ lưỡng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, quan chức Việt Nam về việc “chạy trốn” ra nước ngoài ngay khi xảy ra sự việc gì bất lợi cho bản thân. Nhà báo Trương Duy Nhất nói:
Đó là tình trạng phổ biến không phải chỉ từ phó chủ tịch tỉnh, chủ tịch tỉnh cho đến bí thư tỉnh chứ chưa nói về hàm trung ương, thì hầu như con cháu họ đã có những biệt thự, tài khoản… ở nước ngoài rồi. Đó là một sự thật và sự thật đó nói lên điều gì, họ đang lo điều gì đó, khi có một điều gì xấu nhất thì họ rút chân đi. Ông Nguyễn Đức Kiên, ông đang nói bậy bạ nhất ở diễn đàn quốc hội mà chúng tôi coi như đó là một nhân vật tội đồ, vợ con ông đang ở bên Đức ở những căn biệt thự xa hoa cơ mà”
Liên quan đến việc các cán bộ công chức nhà nước đã đi khỏi Việt Nam trước khi bị truy cứu trách nhiệm, giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng bộ Tài nguyên môi trường cho rằng những cá nhân này trước khi chưa bị xác định là tội phạm thì hoàn toàn được tự do đi lại dưới quyền bảo hộ công dân. Tuy nhiên, đối với một số cán bộ công chức khi thực hiện công vụ thì việc đi lại có thể bị hạn chế bằng những quy định hành chính nhằm đảm bảo cơ quan quản lý kiểm soát việc cán bộ đi ra nước ngoài. Bên cạnh đó, Các trường hợp như Phan Văn Anh Vũ, Vũ Đình Duy hay Trần Vũ Quỳnh Anh… đi khỏi Việt Nam trong thời gian còn công tác cho thấy đã có một sự lơi lỏng trong quản lý nhân sự và các cơ quan quản lý đã không làm đúng trách nhiệm của mình trong việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn.  Ông nói:
tôi cho rằng cũng có thể có nhiều trường hợp “được tiếp tay” để chạy ra nước  ngoài - GS Đặng Hùng Võ
Cũng có những khó khăn nhất định nhưng mà tôi cho rằng khi mà biết được rõ hoặc khả năng có thể chạy trốn theo đường nào thì đều có thể thực hiện chứ không phải đến lúc người ta đi rồi mới nói là tại sao lại đi không ai biết… Ở đây nó cũng có những câu chuyện có tính phức tạp của nó. Và đồng thời tôi cho rằng cũng có thể có nhiều trường hợp “được tiếp tay” để chạy ra nước  ngoài”.
Cùng quan điểm này, nhà báo Trương Duy Nhất cho biết:
Làm sao có chuyện nó tham ô tham nhũng xong để cuối cùng nó tị nạn ở nước khác? Điều đó không thể xảy ra! Nhưng ở một cái nhóm lợi ích, đánh phe này để xây dựng cái gì đó nhân danh như thế nào cuối cùng cũng chỉ thế thôi”
Nhà báo Trương Duy Nhất nêu dẫn chứng về trường hợp Vũ Đình Duy mặc dù bị truy nã tại Việt Nam nhưng vẫn có sự qua lại và liên hệ với nhân viên đại sứ quán Đức tại Berlin. Bằng chứng là ông này đã xuất hiện và làm nhân chứng tại phiên toà xử vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Đức hồi tháng năm vừa qua.
Về phía cơ quan chức năng, ông Võ Quang Hùng cho biết chính phủ Việt Nam sẽ bằng mọi cách thông qua các cơ quan an ninh quốc tế như Interpol để truy tìm những cá nhân phạm pháp trốn ra nước ngoài nhằm áp giải về Việt Nam để xử lý theo pháp luật.
Tuy nhiên, blogger Trương Duy Nhất lại cho rằng tại một đất nước độc đảng và không có chế độ tam quyền phân lập như Việt Nam thì việc truy cứu trách nhiệm của các đơn vị chủ quản sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt đối với các cơ quan thuộc khối Đảng. 

No comments:

Post a Comment