Tuesday, June 12, 2018

Bạo động tại Bình Thuận, giọt nước tràn ly

Kính Hòa RFA-2018-06-11   
Đốt xe trước cổng Ủy ban tỉnh Bình Thuận đêm 10/6/2018.
Đốt xe trước cổng Ủy ban tỉnh Bình Thuận đêm 10/6/2018.AFP
Trong liên tục ba ngày 9,10,11 tháng Sáu, những cuộc biểu tình huy động hàng ngàn người diễn ra trên cả nước: Sài Gòn, Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng, Nghệ An, Bình Thuận, để phản đối dự luật đặc khu kinh tế cho người nước ngoài thuê đất 99 năm. Đại đa số các cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa, ngoại trừ tại Bình Thuận, cuộc biểu tình đã biến thành bạo động, dân chúng đốt trụ sở ủy ban tỉnh, đốt xe và đụng độ với cảnh sát.
Chuyện gì đang xảy ra tại Bình Thuận?
Giọt nước làm tràn ly
Tỉnh Bình Thuận đã từng biết đến biểu tình có bạo động. Cách đây hơn 3 năm, vào tháng Tư năm 2015 cũng tại Tuy Phong đã có biểu tình bạo động chống các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân gây ô nhiễm. Cuộc biểu tình bạo động đã gây thiệt hại lớn về tài sản tại đây.
Đây phải là sự dồn nén trong nhiều năm qua, những nhà máy nhiệt điện hủy hoại môi trường, ngư dân mất đi ngư trường bình thường của họ, lần này là giọt nước làm tràn ly.
-Ông Phan Hữu Trọng Hiền.
Một người theo dõi rất kỹ những diễn biến của việc ô nhiễm môi trường tại Bình Thuận, và cũng là một người sinh ra và lớn lên tại Bình Thuận, ông Phan Hữu Trọng Hiền nói với chúng tôi từ Úc, sau cuộc bạo động ngày 10/6:
Người Bình Thuận rất hiền lành, họ rất ít khi phản ứng. Cho nên đây phải là sự dồn nén trong nhiều năm qua, những nhà máy nhiệt điện hủy hoại môi trường, ngư dân mất đi ngư trường bình thường của họ, lần này là giọt nước làm tràn ly, mà hậu quả thật bất ngờ là nó lại quá lớn như vậy.”
Ông Phan Hữu Trọng Hiền hiện là một chuyên viên tin học tại Úc. Vào năm 2017 ông đã dùng tiền túi lập ra một trang Facebook phản đối việc xả bùn thải xuống vùng biển Bình Thuận của Bộ Tài nguyên và môi trường. Sau đó kế hoạch này của Bộ Tài nguyên môi trường đã bị hủy bỏ. Ông Hiền quan sát thấy rằng mặt dù Phan Thiết vốn là một ngư trường giàu có nổi tiếng của Việt Nam từ lâu đời, nhưng hiện nay ngư dân gặp rất nhiều khó khăn, vì đi đánh bắt ngoài khơi xa thì bị tàu Trung Quốc chèn ép, còn ở trong bờ thì lực lượng kiểm ngư đã thất bại để cho những loại ghe cào tận diệt nguồn hải sản gần bờ.
Chúng tôi đặt vấn đề mà ông Hiền nêu lên với một người dân sống tại Phan Thiết, nơi xảy ra cuộc bạo động 10/6, ông Thái Bình cho biết:
“Có lẽ nhận định đó có phần đúng, vì theo quan sát của tôi thì trong cuộc bạo loạn hồi hôm toàn là dân lao động biển, gần như 100%, qua cái cách ăn mạc, cách họ nói chuyện, cách họ đi, …. Thì mình có nhận xét như thế.”
Vào năm 2017, khi dư luận đang xôn xao về kế hoạch xả bùn xuống biển của Bộ Tài nguyên và môi trường, chúng tôi có liên lạc được với các chủ trại nuôi tôm giống tại Tuy Phong, được họ cho biết là việc nuôi tôm giống của họ đã trở nên rất khó khăn từ trước đó, từ khi có cảng nhập than đá để chạy các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân.
Chính tại Tuy Phong đã bắt đầu cuộc biểu tình chặn Quốc lộ 1A trong sáng ngày 10/6 để phản đối dự luật đặc khu, và bạo động tiếp tục diễn ra tại đây trong ngày 11/6 khi người dân tấn công và đốt đồn cảnh sát phòng cháy chữa cháy.
Theo quan sát của tôi thì trong cuộc bạo loạn hồi hôm toàn là dân lao động biển, gần như 100%.
-Ông Thái Bình, cư dân Phan Thiết.
Trước sự sụt giảm về tài nguyên biển, đã từng có hy vọng rằng nguồn lợi du lịch từ những bãi biển đẹp và khí hậu tốt của Phan Thiết sẽ bù lại cho dân chúng ở đây. Đã hơn 20 năm từ khi khu nghĩ dưỡng đầu tiên được xây dựng tại bãi biển Mũi Né, Phan Thiết, và Bình Thuận được mệnh danh là thủ đô resort của Việt Nam. Nhưng ông Thái Bình không cảm thấy điều đó:
“Những resort đó là những người có tiền ở đâu tới đầu tư, hoặc nước ngoài vô đầu tư, chứ còn dân biển thì con cháu chỉ vô làm thuê bồi bàn, bồi phòng, chứ nó không có tác động lớn đến cuộc sống người dân Bình Thuận.”
Chúng tôi tìm cách liên lạc với ông Hồ Lâm, Giám đốc Sở tài nguyên môi trường Bình Thuận để hỏi về những vấn đề môi trường, nhưng không có người bắt máy theo đường dây nóng công bố trên mạng.
Chúng tôi cũng đã gửi email cho ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch Tỉnh Bình Thuận, nhưng không được phản hồi.
Làm gì sau cuộc bạo động?
Trả lời câu hỏi làm thế nào để những cuộc bạo động tương tự không xảy ra trong tương lai, ông Phan Hữu Trọng Hiền cho rằng đó là một việc rất khó khăn:
Bộ Tài nguyên môi trường, các tập đoàn lớn về năng lượng đã đặt xuống cách đây vài năm. Cho nên chính quyền địa phương có muốn giải quyết thì họ cũng không có đủ quyền lực, không đủ sức mạnh đưa ra những quyết định lâu dài cho người dân địa phương. Một mâu thuẫn rất khó giải quyết. Nhưng mà chính quyền địa phương có thể đi gần với dân hơn, liên tục phải có những hành động giảm thiểu những tác hại, và đặc biệt phải có sức ép ngược lên trên trung ương để mà đưa ra những quyết sách có lợi cho dân địa phương.”
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Chánh văn phòng Quốc hội Việt Nam hiện sống tại Sài Gòn, cho chúng tôi biết là ông cũng tán thành nguyên nhân sâu xa của vụ bạo động là chuyện ô nhiễm và phương kế sinh nhai của ngư dân Bình Thuận bị mất mát như hiện nay. Bên cạnh đó ông cho rằng câu chuyện gây kích hoạt những cuộc biểu tình là dự luật đặc khu có thể tránh được:
Khi trình những luật mang tính nhạy cảm chẳng hạn như luật ba đặc khu, là phải được thảo luận rộng rải trong nhân dân, lường hết những hậu quả thế này thế kia thì có lẽ sẽ không xảy ra những việc đáng tiếc như vừa qua. Điều đó cho thấy rằng việc làm luật ở Việt Nam chưa tạo điều kiện cho người dân tham gia từ đầu. Dĩ nhiên những dự thảo luật đó có đưa lên mạng, nhưng có mấy người biết rằng dự thảo luật đó có trên mạng để mà góp ý?”
Theo báo chí nhà nước Việt Nam thì rạng sáng ngày 11/6, lực lượng công an đã phải được tăng cường để giải tán đám đông bạo động tại trụ sở Ủy ban tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên ông Thanh Bình cho rằng giải pháp dùng sức mạnh không nên được sử dụng trong lúc này.
Việc làm luật ở Việt Nam chưa tạo điều kiện cho người dân tham gia từ đầu.
-Luật sư Trần Quốc Thuận.
“Theo tôi thấy tình trạng nó xảy ra kinh khủng quá, mất kiểm soát. Theo tôi nghĩ cách tốt nhất hiện nay là lãnh đạo nên gặp gỡ người dân, lắng nghe tiếng nói của họ, biết yêu cầu của họ để phần nào xoa dịu họ, thì có thể nó sẽ lắng dịu, chứ mà dùng cảnh sát đối đầu với người dân thì không phải là cách hay nhất.”
Theo báo chí Việt Nam, ngày 11/6, cuộc bạo động tại Bình Thuận diễn ra sang ngày thứ hai tại khu vực Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, dân chúng đã đốt xe và tấn công cảnh sát cơ động. Các giới chức chính quyền cho biết có đến 28 cảnh sát cơ động bị thương. Trật tự được vãn hồi sau khi cảnh sát cơ động rút đi.
Theo nguồn tin riêng mà ông Thái Bình cho chúng tôi biết thì những người lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã họp khẩn cấp và quyết định là không dùng sức mạnh để đàn áp. Chúng tôi không thể kiểm tra sự xác thực của tin này.
Từ diễn đàn Quốc hội, sáng ngày 11/6, bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng kêu gọi mọi người dân hãy bình tĩnh, nhưng nói thêm là đừng để cho lòng yêu nước bị lợi dụng.

No comments:

Post a Comment