Tràn ngập thông tin về biểu tình vào ngày 10 Tháng Sáu, năm 2018, không những đào sâu khoảng trống ngạc nhiên cho hàng triệu người trong và ngoài nước, mà sức cộng hưởng của hàng chục ngàn người đã làm ngân vang tiếng chuông báo hiệu một bình minh đang dần ló dạng trên vùng trời Việt Nam, vốn u ám từ hơn nửa thế kỷ, khi mỗi ngày thức giấc là một ngày kéo dài những dồn nén vì áp bức từ phía nhà cầm quyền đối với dân chúng.
Biểu tình là phương cách duy nhất tập trung đông đảo thành phần cùng một hoàn cảnh, gom nhau lại tỏ thái độ với đối phương. Sự tập hợp này cùng mục đích là đòi hỏi quyền lợi hay sự công bằng. Biểu tình còn dẫn tới những mục tiêu khác đó là thông báo cho những cộng đồng khác ngoài khu vực biểu tình về những bức bách, dồn nén, chà đạp đang xảy ra tại khu vực biểu tình.
Số lượng người biểu tình càng nhiều thì giá trị thông tin càng lớn. Thế giới chú ý vào con số trước khi nhận thức nguyên nhân.
Cuộc biểu tình ngày 10 Tháng Sáu đã hội đủ hai điều kiện cần có nên tạo được sự chú ý của truyền thông quốc tế: Con số người biểu tình lớn nhất từ hơn 40 năm qua tại Việt Nam. Lý do: Lên án hành vi gian xảo nhằm mưu cầu lợi ích cho đảng nhưng bỏ mặc sự nguy vong mất nước của người dân khi ưu đãi Trung Quốc vào chiếm cứ Việt Nam thông qua hành vi thành lập 3 đặc khu kinh tế.
Sao chép bài học bóp nghẹt tự do trên mạng Internet của Trung Quốc nhằm áp dụng vào Việt Nam, nơi người dân đã hình thành thói quen tiếp cận thông tin từ mạng lưới toàn cầu.
Thế giới đang lo sợ sự lấn áp quyền lực mềm của Trung Quốc trên những quốc gia nghèo đói nên cuộc biểu tình ngày 10 Tháng Sáu đã củng cố thêm một sự thật: 95 triệu người dân Việt Nam đang cố thoát ra áp lực đen tối đó.
Việt Nam không phải là quốc gia nghèo đói nhưng lại bất hạnh hơn cả nghèo đói khi bị đảng Cộng Sản lãnh đạo. Vì cùng chung hệ thống, đảng Cộng sản Việt Nam học tập toàn bộ những gì mà Trung Quốc đang áp dụng vào đất nước họ, và còn hơn thế, Hà Nội tuân lệnh Trung Quốc như một chư hầu trung thành bất kể lòng dân ta thán.
Ngày 10 Tháng Sáu người dân không còn âm thầm ta thán. Họ bước xuống lòng đường và bắt đầu hiểu ra rằng họ có cái quyền đó: Quyền biểu tình đòi hỏi quyền lợi và công lý.
Đảng Cộng Sản Việt Nam có thể quên bài học lịch sử khi cố viết lại lịch sử theo cách của họ. Nhân dân Việt Nam mặc dù không thuộc làu làu lịch sử, nhưng họ khắc ghi sâu đậm vào máu những gì có liên quan đến giặc phương Bắc. Dù bao ngàn năm, họ ghi nhớ truyền đời về họa Trung Quốc và vì vậy khi đảng Cộng Sản rắp tâm “chia sớt” đất nước cho “đồng chí” thì người dân lập tức thức tỉnh. Và khi đã tỉnh trước họa mất nước, thế lực nào có thể ru ngủ họ trở lại như đã từng làm hơn 40 năm qua?
Có thể sau ngày 10 Tháng Sáu, đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ hiểu ra ý nghĩa của ngày này: Dù mua sắm thêm bao khí tài quân dụng để chống biểu tình cũng không thể thành công khi người cầm thứ vũ khí chống dân ấy chính là con cháu trong nhà của người bị chống.
Cả nước biểu tình nhưng chỉ có người dân Phan Rí Cửa bạo loạn. Vì sao?
Phan Rí Cửa là nơi chỉ sống về nghề đánh bắt cá và các dịch vụ liên quan. Họ quen sống với thứ khí hậu trong lành của biển, của những rặng phi lao cát trắng. Tuy chấp nhận an thân nhưng họ không chấp nhận bức hiếp. Ngư dân Phan Rí vốn có tiếng mạnh bạo và dễ nóng giận trong ứng xử. Vợ con của ngư dân Phan Rí cũng sống nhờ những sinh hoạt có liên quan đến con cá. Đa số những người vợ người mẹ của ngư dân cũng nóng nảy, dữ dội và sẵn sàng lăn xả vào ai đối xử bất bình đẳng với mình. Những cá tính ấy hình thành từ thế hệ này sang thế hệ khác và cá tính ấy bộc lộ qua cách mà người dân biểu tình dẫn đến bạo động trong ngày 10 Tháng Sáu.
Đối với người dân Phan Rí Cửa, nguyên nhân dẫn đến bạo loạn không phải từ hai dự luật mờ ám mà xa hơn, nó xuất phát từ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 của Trung Quốc nơi xảy ra ô nhiễm khủng khiếp cho người dân tại huyện Tuy Phong nơi thị trấn Phan Rí Cửa trực tiếp chịu đựng từng cuộn khói tràn vào phá hủy không thương tiếc khí hậu trong lành mà hơi thở biển mang đến cho họ hàng trăm năm nay.
Người dân Phan Rí đã hơn một lần đụng độ với cảnh sát chống biểu tình khi họ bao vây lực lượng này và dồn công an được trang bị tới răng phải bỏ chạy. Sau đó là những cuộc bắt bớ âm thầm khiến cơn giận âm ỉ trong lòng người dân xứ biển không có nơi giải thoát.
Ngày 10 Tháng Sáu là cơ hội cho họ bày tỏ ẩn ức kéo dài. Chính quyền một lần nữa chạy trốn để người dân tiến chiếm trụ sở ủy ban nhân dân tỉnh. Rồi bừng tỉnh trở lại, họ huy động nhân sự, lực lượng để chống nhân dân.
Mọi kịch bản xấu nhất đều có thể xảy ra và người dân tỉnh Bình Thuận lại cùng nhau đối phó với nhà nước. Khi nhân dân đồng lòng đối phó bất kể thân xác họ có bị vùi dập, thì lúc ấy nhà nước cần phải sửa soạn vị trí cai trị của mình chứ không khải chỉ lo lau chùi súng đạn, dùi cui, áo giáp hay khiên chống người biểu tình. Bởi hôm nay người dân Phan Rí Cửa nói riêng và Bình Thuận nói chung không còn đơn độc như lần trước, họ có đồng bào khắp nơi theo dõi và chia sẻ niềm tin của họ.
Ngày 10 Tháng Sáu cũng còn có máu đổ tuy ít hơn những lần biểu tình trước, tuy nhiên người bị đánh đập ngày hôm nay lại hãnh diện vì mình bị đánh trong khi đồng bào chung quanh an toàn. Cái gì làm cho họ mạnh mẽ vậy? Đơn giản, đó là lòng yêu nước. Họ yêu nước mà không cần thế lực nào nhắc nhở hay lên giây cót.
Ngày 10 Tháng Sáu còn hai điểm đáng chú ý khác: Một, mạng xã hội hầu như không biết chắc sẽ xảy ra cuộc biểu tình tổng lực như vậy. Thế mà người dân làm sao đồng lòng một cách kỳ diệu mà không ai, kể cả lực lượng tinh nhuệ 47 có thể nghĩ tới?
Người dân đã áp dụng chiến thuật rỉ tai, ém quân một cách ngoạn mục. Những chuyến xe từ Phước Tỉnh, Phước Hải, Long Điền, Long Hải chở đầy người về Sài Gòn mà không bị phát giác. Những chiếc xe gắn máy từ Bình Dương, Bình Chánh, Củ Chi, Thủ Đức, Đồng Nai… đổ về trung tâm Nhà Thờ Đức Bà là đội quân khó kiểm soát nhất đối với chính quyền.
Khi người dân còn trăm phương ngàn kế để bày tỏ chính kiến của mình thì chính quyền không nên chỉ lo lau chùi vũ khí.
Hai, không một lá cờ đỏ nào xuất hiện tại Sài Gòn như vẫn thường thấy trong những lần biểu tình trước đây.
Người biểu tình quen cầm cờ tổ quốc như một phương tiện chống đỡ vì họ nghĩ rằng công an sẽ chùn tay khi muốn hành hung người cầm cờ. Nhưng không, họ có kinh nghiệm đau đớn về điều này, cầm cờ hay không cũng bị đối xử như nhau có khi còn tệ hơn. Lá cờ không đại diện cho tổ quốc dưới mắt công an hay dân phòng. Lá cờ vì vậy lần này họ không cần sử dụng đến.
Dân chúng không tin chính quyền đến độ bất cần lá cờ mà chính quyền này ém vào tay họ mỗi lần ra khơi đánh cá như một cách khẳng định chủ quyền. Lá cờ không còn sức mạnh nó vốn có để dựa vào khi cần một niềm tin, dù niềm tin đó thơ ngây như một chiếc áo giáp có thể bảo vệ thân thể mình không bị đánh đập. Lá cờ tổ quốc đang đồng cảnh ngộ bị bỏ rơi từ cả hai phía: nhà nước và dân chúng.
Thông điệp của ngày 10 Tháng Sáu: Dân muốn thay đổi nhà nước bằng đôi chân của họ thay vì bằng cánh tay bỏ phiếu đã bị nhà nước chặt mất. Những bàn chân hôm nay có làm đảng Cộng Sản thay đổi hay không tùy thuộc vào niềm tin của đảng vào dân chúng. Từ trước tới nay đó là niềm tin về sự nhu nhược của quần chúng đối với bất cứ kế sách nào mà đảng đưa ra. Nay, niềm tin ấy cần phải thay đổi: nhân dân sẽ đạp đổ đảng bằng những đôi chân gầy guộc thô ráp của họ nếu đảng tiếp tục tin rằng họ là những công dân không chịu lớn. (Mặc Lâm)
No comments:
Post a Comment