HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Khoảng 80% quặng và khoáng sản Việt Nam khai thác bán cho Trung Quốc với giá gần như vừa bán vừa cho mà báo chí trong nước nói “siêu rẻ” so với giá bán qua các thị trường khác.
“Chảy máu” tài nguyên quốc gia từng được báo động từ nhiều năm qua và cũng từng có các lệnh cấm hay giới hạn một số loại khoáng sản. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra trong thực tế chứng minh nạn “chảy máu” vẫn tiếp tục và lại còn bán với giá “siêu rẻ” chứ chẳng có gì khá hơn.
Theo tờ Dân Trí hôm Thứ Hai, 14 Tháng Năm, 2018, dựa trên các con số của Tổng Cục Hải Quan trực thuộc Bộ Tài Chính CSVN, “trong 4 tháng đầu năm 2018, lượng quặng và khoáng sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc chiếm gần 80% tổng lượng mặt hàng này bán ra thế giới. Giá bán sang Trung Quốc hiện ở mức rất rẻ.”
Các con số thống kê 4 tháng đầu năm 2018 của cơ quan vừa kể cho thấy, “lượng quặng và các loại khoáng sản xuất khẩu đạt 1.5 triệu tấn, giá trị nhập khẩu đạt hơn $65 triệu. Bình quân, giá quặng xuất khẩu đạt 988,000 đồng/tấn.”
Khoảng 80% lượng quặng và khoáng sản Việt Nam xuất cảng là đi sang Trung Quốc trên tổng lượng mặt hàng này, tính ra chiếm đến 1.2 triệu tấn, thu về hơn $29 triệu; giá xuất cảng trung bình 560,000 đồng/tấn.
Như vậy, theo tờ Dân Trí “giá trị xuất của quặng Việt Nam sang Trung Quốc rẻ hơn so với giá trung bình của quặng, khoáng sản xuất khẩu ra các thị trường gần một nửa.” Bởi vì “số còn lại hơn 333,000 tấn quặng, khoáng sản được xuất sang các thị trường khác có giá khá cao đạt gần 2.5 triệu đồng/tấn. Gấp gần 5 lần so với giá bán quặng và khoáng sản cho Trung Quốc.”
Nếu so với cùng thời gian này tức 4 tháng đầu năm 2017, lượng quặng và khoáng sản xuất cảng của Việt Nam cũng đạt 1.4 triệu tấn, kim ngạch đạt $59 triệu. Số hàng xuất sang Trung Quốc cũng đạt trên 1.1 triệu tấn, chiếm gần 80% tổng lượng bán ra của Việt Nam.
Hiện nhà cầm quyền Việt Nam cấm bán ra ngoại quốc một số loại quặng như sắt, nhôm và titan… vì “đây là những loại quặng, khoáng sản khan hiếm, được bảo vệ để phục vụ cho sản xuất trong nước.” Tuy nhiên, thời gian vừa qua, có một số doanh nghiệp được cấp phép xuất cảng khoáng sản bằng cách chế biến theo chiều sâu, có giá trị gia tăng cao hơn so với xuất cảng quặng, khoáng sản tiền chế, thô sơ.
Lợi dụng chính sách này, theo tờ Dân Trí: “Mặc dù việc xuất khẩu bị kiểm soát ngặt nghèo, song với mức giá trung bình xuất cảng quặng vào Trung Quốc so với các nước và khu vực còn lại, rõ ràng có sự chênh lệch rất lớn. Điều này dấy lên lo ngại các doanh nghiệp được cấp phép chế biến sâu về sản phẩm quặng, khoáng sản đã xuất cảng các loại quặng tiền chế, thô chứ không gia công, chế biến, gây thất thoát tài nguyên và trục lợi chính sách.”
Từ Tháng Mười năm ngoái, người ta thấy tờ Dân Trí dựa vào các con cố thống kê của Tổng Cục Hải Quan báo động tình trạng “thị trường Trung Quốc, bến đỗ của hơn 3/4 lượng quặng xuất cảng nhưng lại có mức giá rẻ gần gấp đôi mức giá mà Việt Nam bán cho các thị trường khác.”
Mấy năm trước, người ta thấy báo chí trong nước từng đề cập tình trạng các công ty khai thác quặng và khoáng sản phần lớn là “sân sau” của các quan đầu tỉnh các địa phương, hoặc cũng là những công ty đã chung chi rất bạo cho những kẻ có quyền ký giấy phép khai thác và xuất cảng để tự do khai thác trục lợi.
Trong cuộc họp Trung Ương đảng hồi tuần qua tại Hà Nội, bộ trưởng Kế Hoạch và Đầu Tư thấy phàn nàn quan chức cầm đầu các tỉnh lập “công ty sân sau” để trục lợi và dùng địa chỉ ngay nhà mình.
Giữa Tháng Bảy, năm 2017, tờ Tiền Phong cho hay, dựa trên kết luận thanh tra của Bộ Tài Nguyên-Môi Trường “nhà đầu tư Masan khai thác mỏ Núi Pháo có nhiều tồn tại, vi phạm trên cả bốn lĩnh vực là khoáng sản, đất đai, môi trường và tài nguyên nước.”
Mỏ Núi Pháo, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, khai thác vonfram, nơi có trữ lượng lớn nhất thế giới, ngoài việc bị thanh tra toàn diện còn bị dân chúng biểu tình nhiều lần nhưng rồi mọi chuyện bị đẩy cho chìm xuồng.
Theo tường thuật của VOV về cuộc hội thảo ngày 9 Tháng Tám, 2016, với đề tài “Quản lý đầu tư trong khai thác khoáng sản: Các bất cập và khuyến nghị,” do Trung Tâm Con Người và Thiên Nhiên tổ chức, cho biết Việt Nam hiện có hơn 5,000 điểm mỏ và 60 loại khoáng sản khác nhau, với khoảng 170 doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực này. “Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nguồn tài nguyên lớn, điểm mỏ nhiều, nhưng hiệu quả đóng góp của khai thác khoáng sản vào nền kinh tế còn thấp và có nhiều hệ lụy.”
Theo những gì được nêu ra trong cuộc hội thảo, nhà cầm quyền CSVN chỉ kiểm soát vấn đề khai thác và xuất cảng quặng và khoáng sản dựa trên “báo cáo.”(TN)
No comments:
Post a Comment