Tuesday, May 15, 2018

Bắt cướp, việc của công an hay của dân?

RFA-2018-05-15 
Công an có mặt sau khi kẻ cướp đã giết hại hai hiệp sĩ ở quận 3, TP.HCM.
  Công an có mặt sau khi kẻ cướp đã giết hại hai hiệp sĩ ở quận 3, TP.HCM.Courtesy of Tienphong
Mấy ngày vừa qua, dư luận xôn xao vụ việc hai hiệp sĩ ở TP.HCM đã bị đâm chết trong khi tham gia một vụ vây bắt nhóm trộm xe máy. Nhóm hiệp sĩ này gồm 5 người, là thành viên của đội hiệp sĩ quận Tân Bình, thực hiện vụ bắt cướp trên đường Cách mạng Tháng Tám, thuộc quận 3. Ngoài 2 hiệp sĩ thiệt mạng, 3 người còn lại bị đâm đến trọng thương phải vào viện cấp cứu.
Sau khi vụ việc được báo chí đưa tin, phần đông dư luận bày tỏ sự đau xót và biết ơn tới các hiệp sĩ “vì nghĩa quên thân”. Nhưng cũng không ít người bức xúc khi lực lượng an ninh không làm tròn nhiệm vụ, để dân thường phải can thiệp.
Blogger Huỳnh Công Thuận, một người dân sống ở TP.HCM cho RFA biết cách làm việc của lực lượng an ninh quanh nơi ông sống:
Tôi đã từng bị rồi nên tôi biết, họ không có kịp thời mà cũng không làm gì đâu. Họ đợi sự việc xảy ra, biết hết rồi họ mới tới. Chuyện nhỏ nhỏ thì họ cho lướt qua, họ bỏ luôn. Lớn quá thì đổ qua đổ lại. Công an mà gặp cướp là hay né.
Tôi đã từng bị rồi nên tôi biết, họ không có kịp thời mà cũng không làm gì đâu.
- Blogger Huỳnh Công Thuận
Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an Thành Phố Hồ Chí Minh ngày 15 tháng 5 trong một buổi họp báo liên quan chuyện hiệp sĩ  đã thừa nhận hiện tại mới chỉ trấn áp tội phạm chứ chưa có giải pháp chấm dứt phát sinh tội phạm tại thành phố này. Ông Minh cũng nói rằng vấn đề an ninh trật tự còn nhiều vấn đề phải giải quyết. Việc trấn áp chỉ giải quyết được phần ngọn.
Trên báo Pháp Luật ngày 25/3/2016 đăng một bài viết ghi nhận ý kiến của người dân về cách làm việc của đội ngũ công an khi dân gặp nạn. Bài đăng có tựa đề “Bị cướp giật nhưng ngán báo công an, tại sao?” Trong bài, nhiều người dân nói rằng cách giải quyết của cơ quan chức năng trong các vụ cướp giật không rốt ráo và nhiều thủ tục rườm rà khiến họ “ngán ngẩm”.
Trong khi đó các nhóm hiệp sĩ đường phố lại có vẻ được lòng dân hơn. Nhóm Hiệp sĩ của anh Hải ở Bình Dương đã hoạt động hơn hai chục năm nay và không đếm xuể các vụ cướp giật nhóm anh giúp triệt phá.
Anh Hải, cho biết nhóm hiệp sĩ của anh được sự tín nhiệm của dân thậm chí hơn cả lực lượng chức năng, nhờ sự nhanh nhậy kịp thời xử lý tình huống của nhóm:
Người dân điện thoại bị cướp ở vùng nào đó thì anh em nghe, miêu tả đặc điểm của xe, rồi an hem sẽ chốt chặn ở các ngả đường ngay lập tức để truy đuổi chiếc xe đó. Nhanh ở chỗ đó. Dân chỉ cần một cú điện thoại. Nói chung anh em hiệp sĩ bọn tôi lúc nào cũng nhanh lẹ, làm gọn.
Cũng tương tự như nhóm của anh Hải, nhóm Hiệp sĩ Tân Bình có hai thành viên thiệt mạng vừa qua cũng từng tham gia hơn 500 lần bắt cướp trong hơn 20 năm nay.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội luật sư TP.HCM, cho biết về tình hình an ninh trật tự tại thành phố này:
TP.HCM là một thành phố lớn và số dân cư các tỉnh ở đây rất đông. Do đó, với một số dân rất lớn như vậy, cần phải có rất đông lực lượng công an thì mới giữ gìn trật tự được. Người dân thấy những bức xúc ngoài đường, đã hình thành nên những người tự nguyện trấn áp những bọn tội phạm này. Đặc biệt, những tên cướp này sử dụng ma túy đá và chúng không tỉnh táo, bất chấp để cướp của giết người.
Ngay khi xảy ra vụ việc thương tâm với nhóm hiệp sĩ Tân Bình, Chủ tịch TP.HCM ông Nguyễn Thành Phong đã tới thăm các nạn nhân nằm viện và hứa sẽ làm việc với công an thành phố để tìm biện pháp bảo vệ các hiệp sĩ.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng có hành vi tương tự; đồng thời nói thêm nên rà soát lại số ‘hiệp sĩ’ tại thành phố Sài Gòn và trang bị áo giáp cho họ.
Hiện tại pháp luật Việt Nam chưa có điều khoản nào cho phép được trang bị và đào tạo nghiệp vụ cho các hiệp sĩ đường phố. Tức là, trong quá trình bắt cướp họ không được phép sử dụng các thiết bị, dụng cụ chuyên nghiệp. Nếu vô tình làm chết người, họ vẫn phải chịu án tù như thường.
Đây cũng chính là điều luật sư Nguyễn Văn Hậu trăn trở. Ông cho rằng Nhà nước phải có các biện pháp, chính sách cụ thể để bảo vệ các hiệp sĩ:
Phải có một tiết chế pháp lý bởi vì việc làm của các hiệp sĩ là một việc làm trượng nghĩa và hầu hết là vì động cơ không vụ lợi. Trong khi xã hội rất phàn nàn về sự thờ ơ với các tiêu cực hiển hiện trên khắp các đường phố thì hiệp sĩ bắt cướp giật cho người ta một niềm tin lạc quan về tinh thần xã hội giữa các cư dân ở các đô thị lớn.
Các hiệp sĩ là dân thường, họ phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật như bất kỳ một công dân nào khác. Nếu có sự cố không mong muốn với kẻ cướp thì hiệp sĩ có thể phải đi tù, tội vô ý làm chết người, chứ không phải tội vô ý làm chết người trong khi thi hành công vụ, hay miễn tội.
Từ đó, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng Nhà nước phải có các quy định pháp lý, ví dụ phải đào tạo cho các hiệp sĩ và có các cơ chế chính sách, ví dụ phải được hưởng chế độ liệt sĩ nếu hi sinh. Và phải trang bị cho họ các công cụ hỗ trợ tác nghiệp như áo giáp, roi điện,…
Nếu có sự cố không mong muốn với kẻ cướp thì hiệp sĩ có thể phải đi tù
- Luật sư Nguyễn Văn Hậu
Ông Nguyễn Duy Kiên, Phó Cục trưởng Cục Người có công, thuộc Bộ Lao động –Thương binh- Xã hội cũng cho rằng hai hiệp sĩ tử vong trong lúc bắt trộm đủ điều kiện được công nhận là liệt sĩ theo pháp luật VN.
Blogger Huỳnh Công Thuận lại không ủng hộ chuyện dân thường làm hiệp sĩ đi bắt cướp. Lý do ông đưa ra:
Việc bắt cướp là để những người có học chuyên về vấn đề đó và được huấn luyện để bắt cướp, chứ tay không đứng ra làm anh hùng đâu có được. Người bắt cướp lỡ tay làm chết người là ở tù như thường. Công an muốn đưa những người này ra làm bia chết thế cho công an thôi”.
Sáng 14/5, Phó Thủ tướng ông Trương Hòa Bình đã gửi Công điện tới UBND TP.HCM và Bộ Công an yêu cầu khẩn trương điều tra và xử lý nghiêm vụ việc trộm xe giết người ở quận 3. Đồng thời, ông Trương Hòa Bình cũng biểu dương nhóm hiệp sĩ đã sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ an ninh trật tự.

No comments:

Post a Comment