Theo VOA-Ngọc Lễ/12/05/2018
Ngày Nhân quyền Việt Nam năm 2018 cũng đón chào sự góp mặt của những tù nhân lương tâm Việt Nam được phóng thích và tới Mỹ trong thời gian gần đây.
Hoa Kỳ sẽ tiếp tục gây sức ép để Việt Nam trả tự do cho tất cả những tù nhân đang bị giam cầm vì lý do chính trị hay tôn giáo trong cuộc đối thoại nhân quyền sắp tới, một quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết nhân Ngày Nhân quyền Việt Nam 2018.
Ông Scott Busby, phó trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách về dân chủ, nhân quyền và lao động, cũng cho biết ông sẽ nêu các vấn đề tự do tôn giáo và chỉnh sửa các điều luật mà ông cho là ‘mơ hồ’ của Việt Nam tại cuộc đối thoại nhân quyền thường niên giữa hai nước vào tuần tới.
Ông cho rằng mặc dù quan hệ Việt-Mỹ đang tiến triển tốt đẹp và Mỹ đang cùng Việt Nam thúc đẩy nhiều ưu tiên như thương mại, an ninh khu vực, giáo dục đào tạo nhưng vấn đề nhân quyền ‘vẫn đang là thách thức’ cho quan hệ song phương bởi vì ‘vẫn đang tiếp tục có nhiều vấn đề về nhân quyền ở Việt Nam’.
“Một trong những vấn đề mà chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với Việt Nam là tự do tôn giáo,” ông phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm Ngày Nhân quyền Việt Nam hôm 11/5/2018 tại Quốc hội Mỹ và cho biết phía Mỹ đang tham vấn với Việt Nam trong việc thực thi đạo luật tự do tôn giáo mới của nước này.
“Chúng tôi vẫn rất quan ngại về sự sách nhiễu mà những nhóm tôn giáo chưa đăng ký gặp phải ở Việt Nam, bao gồm các nhóm ở Tây Nguyên,” ông nói. Ông cho biết mục tiêu của Mỹ là muốn Việt Nam cho phép tất cả những nhóm tôn giáo có đăng ký hoặc chưa đăng ký có thể hoạt động.
Vấn đề tù nhân chính trị ở Việt Nam cũng khiến ‘phía Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc’ và sẽ nêu lên trong cuộc đối thoại. Ông cho biết Mỹ ghi nhận ‘tình trạng Việt Nam gia tăng đàn áp những người thực thi hòa bình quyền tự do ngôn luận và tự do lập hội’.
Trong số những tù nhân chính trị hiện đang còn bị giam cầm ở Việt Nam, ông cho biết phía Mỹ rất quan tâm đến trường hợp của Luật sư Nguyễn Văn Đài và các thành viên khác của Hội Anh em Dân chủ.
Ông mô tả ông Đài, người mà ông gặp được hai lần, là ‘một người ôn hòa, đấu tranh cho các giá trị phổ phát và nhân quyền cơ bản’ và cho biết trường hợp ông Đài sẽ là một trong những ưu tiên mà ông sẽ nêu lên với phía Việt Nam trong cuộc đối thoại vào tuần tới.
Ngoài ra, ông cho biết cũng sẽ đề cập với phía Việt Nam các trường hợp của các tù nhân Hoàng Đức Bình và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (blogger Mẹ Nấm) và kêu gọi Việt Nam trả tự do cho họ.
“Chúng tôi sẽ gây áp lực để Việt Nam thả tất cả các tù nhân lương tâm,” ông phát biểu.
Ngoài ra, quyền tự do trao đổi thông tin trên mạng cũng sẽ là một trong những chủ đề được phía Mỹ đề cập trong cuộc đối thoại, ông Busby cho biết.
Một trong những vấn đề mà phía Mỹ quan ngại là Nghị định 72 vốn cấm chia sẻ trên mạng những thông tin được cho là phê phán chính quyền hay lãnh đạo và đạo luật an ninh mạng mà ông cho rằng ‘hình sự hóa quyền tự do diễn đạt trên mạng’.
Ngoài ra, ông Scott Busby còn cho biết phía Mỹ cũng sẽ kêu gọi Việt Nam rút lại những ‘điều luật mơ hồ’ mà họ dùng để buộc tội những người bất đồng ôn hòa cũng như nêu mối quan tâm của Hoa Kỳ về việc cải cách bộ luật lao động để cho phép công nhân tổ chức các công đoàn độc lập để đình công khi cần thiết.
Ông cho biết Đại sứ Mỹ tại Việt Nam ông Daniel Kritenbrink đã nói với ông rằng ông đã nêu vấn đề nhân quyền trong ‘gần như mọi cuộc gặp với giới chức Việt Nam’.
“Có rất nhiều lĩnh vực để hợp tác giữa hai nước. Chúng tôi muốn có mối quan hệ mạnh mẽ nhưng chúng ta không thể có quan hệ mạnh mẽ cho đến khi Việt Nam tôn trọng các nhân quyền cơ bản,” ông phát biểu.
Cũng tại buổi lễ kỷ niệm này, ông Scott Flipse, giám đốc Chính sách và Quan hệ truyền thông của Văn phòng Quốc hội đặc trách Trung Quốc và từng là phó giám đốc Nghiên cứu Chính sách tại Ủy hội của Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, nói rằng đạo luật nhân quyền Việt Nam sắp sửa được đưa ra lại tại Hạ viện.
Đạo luật này, vốn đã được thông qua ba lần tại Hạ viện nhưng bị chặn ở Thượng viện, sẽ giúp nêu vấn đề nhân quyền của Việt Nam với chính quyền mới của Hoa Kỳ và đặt nhân quyền ở vị trí trung tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Việt Nam, ông Flipse nói.
“Chúng tôi sẽ không bỏ qua vấn đề nhân quyền ngay cả khi chúng tôi tìm kiếm mối quan hệ thương mại và an ninh với Việt Nam,” ông nói và cho biết cá nhân ông ‘sẽ làm mọi tất cả mọi thứ có thể để ông Nguyễn Văn Đài được phóng thích’.
Trao đổi với VOA bên lề buổi lễ, dân biểu liên bang Gerry Connolly cũng nói rằng mục tiêu của phía Mỹ là “Việt Nam sẽ không còn tù nhân lương tâm”.
Tuy nhiên, ông cho biết ông ‘lo lắng trước việc chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã thoái lui trong việc cổ vũ nhân quyền cho Việt Nam’ và cho rằng đó là ‘sai lầm lớn’.
“Đó là một sai lầm khủng khiếp khi không đề cập vấn đề nhân quyền với Việt Nam vì nó sẽ gửi tín hiệu sai lầm đến Hà Nội,” ông nói, “Khi đó, khi có những người đã bị phân biệt đối xử vì niềm tin hay hoạt động của họ thì những người khác cũng sẽ có chung số phận.”
Một ngày trước buổi lễ kỷ niệm này, cộng đồng người Việt tại vùng thủ đô Washington DC và các tiểu bang lân cận đã có buổi vận đồng về nhân quyền Việt Nam tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Ông Nguyễn Quốc Quân, Chủ tịch Tổ chức Quốc tế yểm trợ cao trào nhân bản, cho biết tại cuộc vận động tại Bộ Ngoại giao, ông Scott Busby đã xác nhận rằng phía Mỹ ‘sẽ tiếp tục đòi hỏi Việt Nam tôn trọng những quyền tự do, những giá trị căn bản’.
“Ông ấy nói chúng tôi có những giới hạn không thể vượt qua,” ông Quân thuật lại lời ông Busby, “Và nếu Việt Nam muốn gia tăng liên hệ với phía Mỹ thì các anh phải hành xử sao cho đúng.”
Ngày Nhân quyền Việt Nam 11/5 được thi hành theo Quyết nghị chung của Quốc hội Hoa Kỳ và Công luật do cựu Tổng thống Bill Clinton ban hành vào năm 1994.
No comments:
Post a Comment